6 vấn đề ĐBQH băn khoăn được Thủ tướng khẳng định rõ

Nhiều vấn đề ĐBQH còn trăn trở trực tiếp nêu, hoặc gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong 3 ngày chất vấn vừa qua, đã được Thủ tướng giải đáp rõ ràng tại phiên trả lời chất vấn chiều ngày 8/11.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn ĐBQH chiều ngày 8/11

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn ĐBQH chiều ngày 8/11

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngay sau khi kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Đây cũng là thông lệ của các kỳ họp cuối năm khi Thủ tướng sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ, sau đó, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đã có 40 đại biểu đăng ký chất vấn Thủ tướng. Trong đó, có nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô cũng như liên quan sự việc cụ thể thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đã được Thủ tướng giải đáp cụ thể ngay tại hội trường.

Không nhân nhượng với hành vi xâm phạm chủ quyền

Liên quan đến quốc phòng, an ninh, Thủ tướng nêu rõ, nhiều ĐBQH bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể.

Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta.

Thủ tướng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông.

Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Tính toán lại GDP là điều cần thiết

Liên quan vấn đề ĐBQH quan tâm có nên đánh giá lại quy mô GDP, theo Thủ tướng, việc đánh giá lại GDP giúp quan sát những khu vực kinh tế mà trước kia bỏ sót. Thủ tướng nêu điển hình như 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa tính vào GDP, ngoài ra còn lượng lớn hộ kinh doanh cá thể…

“Trong khi các nước việc mua một con ốc vít, que tăm cũng có hóa đơn. Ở chúng ta, thậm chí mua xe máy, ti vi cũng không có hóa đơn, chứng từ, nên tính toán bỏ sót và thất thu thuế là rất lớn. Nhiều khu vực kinh tế ngầm chưa được tính toán”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng khẳng định tính toán lại GDP là điều cần thiết và đó cũng là thông lệ quốc tế bình thường.

Ủng hộ phát triển kinh tế ban đêm

Trả lời về vấn đề kinh tế ban đêm, Thủ tướng nhất trí đây là vấn đề đáng quan tâm, chứng tỏ sự năng động của nền kinh tế. Thủ tướng cho biết trong bối cảnh quốc tế thúc đẩy tiêu dùng, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 18 triệu lượt thì vấn đề này lại càng quan trọng.

“Phần lớn khách đến Việt Nam trái múi giờ. Cần thời cơ để phục vụ họ với hiểu biết về văn hóa ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh. Kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết vấn đề lao động. Tôi mong các trung tâm kinh tế các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng kinh tế ban đêm cũng có mặt trái, nên Thủ tướng đề nghị chú trọng công tác quản lý, tránh tiêu cực xảy ra.

“Hiện nay, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng bắt đầu xây dựng kinh tế ban đêm theo hướng tốt hơn, tổ chức đa dạng, phù hợp và quản lý tốt. Tránh những mặt tiêu cực có thể phát sinh”, Thủ tướng nói.

Tiếp tục đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công; nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn, đồng thời, cần sự chủ động, sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, của từng cơ quan, đơn vị.

Các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước.

Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Bổ sung ngay Dự án nhà máy điện khí Bạc Liêu vào Quy hoạch điện VII

Liên quan đến dự án Nhà máy điện khí Bạc Liêu mà nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương những ngày qua, Thủ tướng cho biết, đã có cuộc họp với các cấp, các ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực.

Bên cạnh đó, Thủ tướng và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhất trí tại cuộc họp Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng, Chính phủ ngay sau Kỳ họp thứ 7. Để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy hoạch (trước đây chúng ta đã có quy hoạch xây dựng nhà máy điện than 1200 kwh tại Bạc Liêu, nay chuyển sang xây dựng điện khí).

Chính vì vậy, cần phải đưa ngay bổ sung vào sơ đồ Quy hoạch điện VII, để Bạc Liêu triển khai. Bộ Công Thương và tỉnh Bạc Liêu cần triển khai ngay việc này. Lưu ý các cấp, các ngành có liên quan không được để chậm trễ để tình trạng như ĐBQH chất vấn.

Quyết tâm hoàn thành các tuyến đường kết nối ĐBSCL

Liên quan việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng nhìn nhận còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và bờ sông, bờ biển sạt nghiêm trọng...

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL. Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách Trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng.

Về dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng khẳng định, đây là những dự án đã được QH phê duyệt chủ trương đầu tư, ưu tiên bố trí vốn.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện; Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và phê duyệt báo cáo khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020.

Trọng Bằng

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/thoi-su/6-van-de-dbqh-ban-khoan-duoc-thu-tuong-khang-dinh-ro-320064.html