6 ứng dụng bạn nên xóa khỏi điện thoại ngay lập tức

Nếu đang cài đặt một trong các ứng dụng sau đây, bạn hãy gỡ bỏ chúng khỏi điện thoại ngay lập tức để tránh bị rò rỉ thông tin cá nhân.

1. QuickPic Gallery

QuickPic Gallery từng là một ứng dụng thân thiện, tuy nhiên nó đã được Cheetah Mobile mua lại vào năm 2015. Đây là một công ty có trụ sở tại Trung Quốc, từng nhiều lần bị buộc tội vì có hành vi gian lận trong kinh doanh.

Sau khi mua lại QuickPic Gallery, Cheetah Mobile đã ngay lập tức tải dữ liệu của người dùng lên máy chủ riêng. Không lâu sau đó, ứng dụng đã bị xóa hoàn toàn khỏi Google Play, nhưng nó bỗng xuất hiện trở lại vào năm 2019.

Hiện tại, có hàng trăm ứng dụng QuickPic trên Google Play, thật khó để phân biệt đâu là phiên bản gốc. Tuy nhiên, quy tắc đơn giản nhất sẽ giúp bạn được an toàn là không cài đặt bất kỳ ứng dụng nào trong số đó.

Để thay thế QuickPic Gallery, bạn có thể cài đặt ứng dụng Simple Gallery. Ngoài việc hỗ trợ quản lý, ứng dụng còn cho phép người dùng chỉnh sửa ảnh và tích hợp nhiều theme (chủ đề) khác nhau.

2. ES File Explorer

Cách đây vài năm, ES File Explorer là một trong những ứng dụng quản lý tệp tin tốt nhất trên Android. Phiên bản miễn phí của ứng dụng chứa đầy phần mềm quảng cáo và liên tục yêu cầu người dùng tải xuống các phần mềm bổ sung (không thể tắt).

Vào tháng 4-2019, ứng dụng đã bị xóa khỏi Google Play do gian lận quảng cáo. Tuy nhiên, ES File Explorer vẫn còn tồn tại trên các kho ứng dụng của bên thứ ba (dưới định dạng .apk), và tất nhiên là người dùng không nên cài đặt để tránh bị nhiễm phần mềm độc hại.

Để thay thế ES File Explorer, bạn có thể sử dụng phần mềm Files của Google hoặc Total Commander.

3. UC Browser

UC Browser hiện thuộc sở hữu của Alibaba (Trung Quốc), đây là một trong những trình duyệt trên di động có lượng người sử dụng khá đông đảo. Ứng dụng này đã từng có thời điểm vượt mặt Google Chrome tại một số thị trường như Ấn Độ, Việt Nam…

Theo Android Police, UC Browser bị nghi ngờ có chứa phần mềm quảng cáo độc hại, hiển thị các nội dung sai sự thật và chuyển hướng người dùng đến các trang web nguy hiểm.

Các nhà nghiên cứu tại Citizen Lab (Canada) cũng cảnh báo nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân khi sử dụng UC Browser. Cụ thể, ứng dụng sẽ thường xuyên theo dõi các truy vấn tìm kiếm của người dùng, đồng thời thu thập dữ liệu bao gồm IMEI, Android ID và địa chỉ MAC của WiFi và dữ liệu vị trí.

Đây không phải là lần đầu tiên ứng dụng UC Browser bị nghi ngờ có liên quan đến việc đánh cắp dữ liệu, trước đó các cơ quan chức năng cũng cảnh báo công ty này về việc chuyển dữ liệu của người dùng về máy chủ tại Trung Quốc.

Thay vì sử dụng UC Browser, người dùng nên cài đặt Chrome, Firefox hoặc DuckDuckGo.

4. CLEANit

Đa số các ứng dụng làm sạch, dọn dẹp, tăng tốc smartphone đều hoạt động không thật sự hiệu quả, đơn cử như CLEANit, Clean Master… Do đó, nếu muốn tăng tốc Android, bạn chỉ cần vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng), lựa chọn các ứng dụng cần xóa dữ liệu và chọn Clear Cache.

Việc cài đặt các ứng dụng dọn dẹp hệ thống chỉ gây tốn pin và dữ liệu di động của bạn.

Bên cạnh đó, người dùng nên cài đặt Greenify để “đóng băng” các ứng dụng không cần thiết.

5. DU Battery Saver & Fast Charge

DU Battery Saver & Fast Charge có hơn 7,6 triệu lượt đánh giá năm sao trên Google Play. Theo thông tin từ nhà sản xuất, ứng dụng sẽ giúp điện thoại sạc nhanh hơn, đồng thời kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm.

Nhiều nhà phát triển thường tích hợp thêm các add-on độc hại bên ngoài như DU Battery Boost, DU Boost Charge, DU Speed Charge… lên ứng dụng để tăng thu nhập.

Theo trang công nghệ WonderHowTo, những add-on độc hại này sẽ hiển thị quảng cáo ngay trên màn hình khóa khi thiết bị đang được cắm sạc, khi người dùng lỡ tay nhấn vào, nó sẽ tải hoặc cài đặt thêm các ứng dụng không cần thiết.

Để gỡ bỏ các phần mềm độc hại từ DU, bạn hãy vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng), tìm đến các ứng dụng trên và chọn Uninstall để gỡ bỏ. Tất nhiên, người dùng cũng nên gỡ bỏ hoàn toàn các phần mềm DU Battery Boost, DU Boost Charge, DU Speed Charge... ra khỏi điện thoại.

Nếu thực sự quan tâm đến chỉ số pin trên điện thoại, bạn nên sử dụng phần mềm GSM Battery Monitor.

6. Clean Master

Ứng dụng này đã có 600 triệu người dùng và 26 triệu bài đánh giá 5 sao trước khi bị xóa khỏi Google Play vào năm 2019.

Clean Master được phát triển bởi Cheetah Mobile, như đã đề cập trước đó, công ty này nổi tiếng với việc gian lận và hiển thị quảng cáo tràn lan. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng không giúp tăng tốc điện thoại như lời giới thiệu.

TIỂU MINH

Nguồn Kỷ Nguyên Số: https://kynguyenso.plo.vn/ky-nguyen-so/cong-nghe/6-ung-dung-ban-nen-xoa-khoi-dien-thoai-ngay-lap-tuc-945600.html