6 trường đại học Việt Nam lọt vào tốp 400 Châu Á

Hiện Việt Nam có 6 trường ĐH lọt vào tốp 400 ĐH Châu Á nhưng vẫn vắng bóng trong các bảng xếp hạng quốc tế.

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục bậc đại học thông qua công tác xếp hạng. Ảnh: VNU

Nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục bậc đại học thông qua công tác xếp hạng. Ảnh: VNU

Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam” do Bộ GDĐT phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức ngày 11.4, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho biết: Theo bảng xếp hạng World University Rankings (QS), hiện Việt Nam có 6 trường ĐH lọt vào tốp 400 ĐH Châu Á. Đó là: ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng.

Trong cơ sở dữ liệu của tổ chức QS, ngoài 6 trường đã nêu ở trên, họ còn liệt kê một số trường ĐH năng động và có tiềm năng là ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân, ĐH FPT, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Đồng thời, vẫn còn nhiều trường có năng lực nghiên cứu như: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Vinh, Học viện Bưu chính Viễn thông…

Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có hơn 10 trường ĐH vào nhóm 400 ĐH Châu Á, 1-2 trường vào nhóm 100 Châu Á và 1-2 trường vào nhóm 1.000 thế giới. Đến năm 2025, Việt Nam phải quyết tâm có vài trường vào nhóm 500 thế giới.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự đầu tư bài bản cho những trường ĐH trọng điểm vì đây là những trường dẫn dắt việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước và đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế tri thức.

Thực tế, chưa có nhiều trường quan tâm vì chưa hoạt động bài bản và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất các trường ĐH Việt Nam có tiềm năng mạnh dạn, tự tin đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và tự tin gia nhập vào bảng xếp hạng của quốc tế, GS Đức nói.

Bà Mandy Mok – Giám đốc điều hành tổ chức xếp hạng ĐH quốc tế QS khu vực Châu Á - cho rằng, để chất lượng và thương hiệu của các trường Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế, cần chú trọng đến các chính sách mở cửa cũng như đẩy mạnh hoạt động hội nhập của mình. Đây là thời điểm cần thiết và thích hợp để các ĐH Việt Nam hội nhập với thế giới thông qua việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo, lấy thước đo là một trong các bảng xếp hạng ĐH thế giới phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng giáo dục Việt Nam có đặc thù riêng nên chăng cần có tiêu chí đánh giá riêng và thực hiện theo từng bước, tập trung trước hết vào công tác kiểm định nhằm đánh giá chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu: “Giáo dục ĐH là bậc đào tạo bậc cao, có vai trò đặc biệt quan trọng với tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội. Do đó, một trong những giải pháp hết sức quan trọng là phải thực hiện xếp hạng ĐH một cách minh bạch, tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, sẽ có một tiêu chuẩn chung, chính thức hóa mang tầm quốc gia chứ không phải mạnh trường nào trường đó làm".

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/6-truong-dai-hoc-viet-nam-lot-vao-top-400-chau-a-600948.ldo