6 tháng, kim ngạch dệt may xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD

Đây là thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam công bố trong buổi họp báo sáng ngày 19/7 tại Hà Nội. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 6 tháng ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa: A.N

Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD tăng 8,71%; mặt hàng vải đạt 1,02 tỷ USD tăng 29,9%; các mặt hàng xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD tăng 1,1%; vải địa kỹ thuật tăng 16,9%, phụ liệu dệt may giảm 0,29%.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,39 tỷ USD tăng 5,66%. Trong đó, nhập khẩu bông đạt 1,52 tỷ USD giảm 1,99%, nhập khẩu xơ sợi các loại đạt 1,23 tỷ USD tăng 6,65%, nhập khẩu vải đạt 6,75 tỷ USD tăng 7,56%, nhập khẩu phụ liệu đạt 1,89 tỷ USD tăng 5%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 9,56 tỷ USD tăng 7,04%. Giá trị nội địa của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD tăng 10,45%.

Về thị trường xuất khẩu hàng vải và may mặc: Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP đạt 2,57 tỷ USD tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71%; EU đạt 2,05 tỷ USD tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD tăng 5,59% chiếm tỷ trọng 8,91%.

Về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam, trong 5 tháng có 63 dự án với số vốn đạt khoảng 700 triệu USD, trong đó có 17 dự án FDI Trung Quốc với vốn đăng ký đạt 205 triệu USD; Hàn Quốc có 12 dự án vốn đăng ký 22 triệu USD… nâng tổng số vốn FDI đầu tư vào dệt may đến tháng 5/2019 lên 18,6 tỷ USD.

Cũng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện tại tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không được khả quan so với năm 2018. Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD cả năm 2019.

6 tháng đầu năm 2019, Hiệp hội Dệt May Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các văn bản pháp luật (thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, hoàn thuế, góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, các chế độ liên quan đến người lao động)… gửi đến Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan; đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam 2020-2030 của Bộ Công Thương…/.

An Nguyên

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/kinh-te/6-thang-kim-ngach-det-may-xuat-khau-dat-gan-18-ty-usd-529092.html