6 tháng đầu năm, phạm pháp hình sự trên địa bàn Thủ đô tăng, trọng án giảm

Nhận định chung về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố, báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế - HĐND TP Hà Nội về tình hình chấp hành pháp luật 6 tháng đầu năm 2019 của HĐND thành phố cho thấy, so với cùng kỳ năm 2018, phạm pháp hình sự tăng nhưng trọng án giảm...

Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2018, 6 tháng đầu năm 2019 phạm pháp hình sự tăng nhưng trọng án giảm; một số nhóm vi phạm, tội phạm tiếp tục tăng cao như kinh tế, môi trường; xâm phạm sở hữu; công nghệ cao (tội phạm về trật tự, xã hội và tệ nạn xã hội tăng 327 vụ, tội phạm vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế tham nhũng và chức vụ tăng 41 vụ, khởi tố tăng 31 vụ, công nghệ cao tăng 14 vụ).

Bên cạnh đó, một số loại tội phạm có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng như xuất hiện tội phạm tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại; mua bán người dưới 16 tuổi; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen, đòi nợ thuê” trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng về số lượng và diễn biến tinh vi, phức tạp; tội hiếp dâm tăng 57,1% và tình hình các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra có biểu hiện gia tăng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gây đây gây bức xúc dư luận.

Ảnh minh họa: Một số đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao bị bắt giữ

Ảnh minh họa: Một số đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao bị bắt giữ

Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, tăng cả số lượt người và số đơn. An ninh tôn giáo ổ định. An ninh nông thôn, đô thị diễn biến phức tạp (khiếu kiện tập thể đông người, kéo dài liên quan đến xây dựng nhà máy rác thải, đền bù, GPMB, quản lý vận hành nhà chung cư), hình thành nhóm, tổ chức cầm đầu khiến kiện. Tình hình an ninh ở một số nơi trên địa bàn thành phố còn chưa được đảm bảo, tiềm ẩn phức tạp nguy hiểm gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Nguyên nhân tình trạng trên, về khách quan là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội nhưng nguyên nhân chủ quan là chính và chậm khắc phục, đó là sự vào cuộc chưa hết trách nhiệm của người đứng đầu của một số cơ quan thuộc khối chính quyền các cấp, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm trong công tác quản lý nhà nước; ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật của một số người đứng đầu đơn vị và một số bộ phận nhân dân vẫn còn chưa tốt; trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực như quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quản lý trật tự đô thị; quản lý sau cấp phép; quản lý tài sản công ở một số đơn vị, nhất là cấp cơ sở xã, phường, thị trấn ở một số địa phương còn tình trạng buông lỏng, vi phạm kéo dài.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/6-thang-dau-nam-pham-phap-hinh-su-tang-nhung-trong-an-giam-552386/