6 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho cho 776.900 lao động

Trong 6 tháng đầu năm 2019, 776,9 nghìn người lao động đã có việc làm, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó đưa gần 67 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp thông tin về thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp thông tin về thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019. Ảnh: VGP

Ngày 2/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH)đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, 6 tháng đầu năm 2019, đã giải quyết việc làm cho trên 776,9 nghìn người lao động, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó đưa gần 67 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị quý 1/2019 ước tính là 2,95%; dự kiến 6 tháng đầu năm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm ước đạt 59,8%.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động; tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Tính đến tháng 5/2019, cả nước có 14,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 347 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội. Thực hiện việc chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đầy đủ. Đến nay cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 2,8 triệu người. Để bảo đảm đời sống cho đối tượng thụ hưởng chính sách, 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện điều chỉnh mở rộng đối tượng hưởng chính sách và nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề xin rút không bổ sung ngày nghỉ lễ 27/7, Bộ LĐ-TBXHcho biết, chưa có phương án thay thế bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, đề xuất bổ sung ngày vào dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi do số ngày nghỉ của Việt Nam ít hơn nhiều so với nhiều nước lân cận. Bên cạnh đó, các ngày nghỉ lễ của Việt Nam chưa đồng đều trong các năm, hiện nay từ tháng 5 tới tháng 9, người lao động không có ngày nghỉ lễ nào.

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14, khi cho ý kiến về vấn đề bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm vào 27/7, nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung ngày nghỉ lễ vào dự luật nhưng không nên lấy ngày 27/7. Các đại biểu đề xuất có thể bổ sung ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) hoặc ngày Gia đình Việt Nam (28/6) trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9.

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, có ý kiến chỉ ủng hộ tăng thêm ngày nghỉ đối với công nhân, còn công chức, viên chức thì không nên nghỉ vì còn rất nhiều người lao động tự do, lao động tự làm việc, người nội trợ, nông dân mà việc nghỉ lại không phụ thuộc vào quy định chung này, do đó cần phải xem xét kỹ lưỡng có nên quy định tăng thêm một ngày nghỉ lễ hay không.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã xin rút lại đề xuất đưa thêm ngày nghỉ vào dự luật. Theo yêu cầu của Quốc hội, khi có đề xuất mới cần có sự trưng cầu ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đầy đủ. Trong khi đó, thời gian từ nay tới khi tổ chức Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 (tháng 10) không còn nhiều./.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/6-thang-dau-nam-giai-quyet-viec-lam-cho-cho-776900-lao-dong/369804.vgp