6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 3,4% so với cùng kỳ

6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. GDP ước đạt trên 1%. Ngành nông nghiệp không thay đổi mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm nay.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 1,16%, GDP ước đạt trên 1%. Mặc dù, toàn ngành đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại mở cửa thị trường, phân tích, dự báo về nhu cầu, diễn biến thị trường trước tác động của dịch Covid-19 để đề ra giải pháp ứng phó, kịp thời xử lý các vướng mắc tại tất cả các thị trường, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, giảm 19,4%. Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD.

6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019

Sáu tháng đầu năm có 9 dự án chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Số lượng nhà máy/cơ sở chế biến nông lâm thủy sản lớn khởi công mới, đi vào hoạt động 5 năm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 49 nhà máy/cơ sở với tổng mức đầu tư 41.425 tỷ đồng.

Bộ NN&PTNT cho hay, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có dấu hiệu chững lại; nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm. Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giai đoạn hậu dịch Covid-19 còn chậm do các nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại. Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng thời sự vào cuộc của các địa phương, nhiều doanh nghiệp và người dân; nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi còn chậm.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp chịu tác động “rủi ro kép”. Hạn, mặn tại đồng bằng sông Cửu Long năm nay vượt mốc lịch sử so với năm 2016. Dịch tả lợn châu Phi khủng khiếp. Lịch sử ngành hàng thịt lợn trên thế giới chưa bao giờ ghi nhận thiệt hại lớn như vậy. Thịt lợn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thực phẩm, tác động rất lớn vào tăng trưởng GDP và chỉ số giá tiêu dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Khi đứng trước khó khăn, thách thức lớn, chúng ta phải tập trung trí tuệ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, không bàn lùi, không thay đổi mục tiêu kế hoạch năm 2020 mà Chính phủ giao. Đặc biệt, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau... cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 42 tỷ USD. “Trong bối cảnh đó, toàn ngành phải đối phó kép để thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề mà Chính phủ giao, tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3,2%”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Để làm được việc này, trong 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. Công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai, phát triển bền vững. Tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/6-thang-dau-nam-2020-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-giam-34-so-voi-cung-ky-139648.html