6 tháng đầu năm 2020 xảy ra 25 sự cố liên quan đến an toàn hàng không

Đây là số liệu từ Cục hàng không Việt Nam, trong đó có 2 sự cố mức uy hiếp an toàn nghiêm trọng (mức B), 3 sự cố mức uy hiếp an toàn cao (mức C) và 20 sự cố mức sự cố uy hiếp an toàn hàng không (mức D).

Số liệu thống kê của Cục hàng không Việt Nan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có 25 sự cố liên quan đến an toàn hàng không. Trong đó có 2 sự có ở mức B (mức uy hiếp an toàn nghiêm trọng), 3 sự cố mức C (sự cố uy hiếp) và 20 sự cố mức D (sự cố uy hiếp an toàn hàng không). Mặc dù, số lượng các sự cố năm 2020 trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng số lượng sự cố uy hiếp an toàn nghiêm trọng (mức b) lại tăng 2 vụ so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, ngày 14.6, chuyến bay VJ322 của Vietjet khởi hành từ Phú Quốc khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bị trượt khỏi đường băng. Mặc dù toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều an toàn, nhưng sự cố khiến đường cất hạ cánh 25R/07L phải đóng cửa, 7 chuyến bay đang lăn ra đường băng phải quay lại sân đỗ. Ngoài ra, 20 chuyến đang bay đến Tân Sơn Nhất phải chuyển hướng các sân bay khác và hàng chục chuyến bay bị chậm chuyến.

Máy bay của Vietjet Air trượt khỏi đường băng, lao ra cày nát bãi cỏ ngày 14.6. Ảnh: Dân Trí

Máy bay của Vietjet Air trượt khỏi đường băng, lao ra cày nát bãi cỏ ngày 14.6. Ảnh: Dân Trí

Trong khi đó, chỉ trong một tuần (từ ngày 1.7 đến ngày 6.7), tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài liên tiếp xảy ra 3 sự cố liên quan đến an toàn. Chỉ sau vài ngày khởi công Dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay quốc tế Nội Bài, hôm 1.7, Bộ phận không lưu sân bay Nội Bài không thể liên hệ với bộ phận giám sát thi công về trường hợp một ô tô hoạt động trên đường lăn S5 do giám sát thi công không mang theo bộ đàm khi hoạt động. Ngay sau đó một ngày, trong quá trình kéo máy bay của Vietnam Airlines từ xưởng sửa chữa ra vị trí để đỗ qua đêm sau khi hoàn thành bảo dưỡng định kỳ, xe kéo máy bay bất ngờ bị gãy chốt an toàn không thể tiếp tục di chuyển.

Chiều ngày 6.7, tại khu vực sân đỗ tàu bay - Cảng HKQT Nội Bài đã xảy ra 01 vụ va chạm giữa xe ô tô và 1 nữ nhân viên khu bay làm nữ nhân viên tử vong.

Giám đốc Cảng hàng không miền Bắc cho biết, các biện pháp thi công, phương án đảm bảo an ninh an toàn tại cảng hàng không trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay của CHK Nội Bài đều được các cấp có thẩm quyền quy định. Tuy nhiên, CHK vừa tiến hành sửa chữa, vừa thực hiện hoạt động khai thác có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng không, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã lên kế hoạch và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các ban quản lý, nhà thầu thực hiện.

Ngay trong chiều ngày 1.7, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã phát hiện trường hợp Đài chỉ huy không thể liên lạc được với đội giám sát thi công. Đánh giá đây là sự cố uy hiếp đến an toàn hàng không, cần phải xử lý nghiêm, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã lập hồ sơ xử lý, tuy nhiên do vượt quá thẩm quyền, cảng vụ hàng không miền Bắc đã làm hồ sơ gửi lên Cục Hàng không Việt Nam xử lý theo đúng thẩm quyền.

Chỉ lệnh mới: nâng tầm nhìn tối thiểu của đường cất hạ cánh

Đại diện Cục hàng không cho rằng, mỗi sự cố mất an toàn hàng không đều có những điểm khác biệt, không sự cố nào giống nhau. Đơn cử như cùng là sự cố máy bay trượt khỏi đường băng nhưng sự cố máy bay Vietjet air trượt khỏi đường băng tại CHK Tân Sơn Nhất hôm 14.6 có tính chất nghiêm trọng hơn so vì xảy ra tại thời điểm một đường băng vừa mới tạm thời đóng cửa để khảo sát đánh giá sửa chữa. Sự cố xảy ra đã khiến tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác, ảnh hưởng đến sự lưu thông điều hòa của hoạt động hàng không tại chính cảng, sân bay gặp sự cố và ảnh hưởng đến các những chuyến bay khác.

Hiện nay, cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ máy bay Vietjet trượt khỏi đường băng, chưa có kết quả cuối cùng nhưng trong sự cố này, điều kiện thời tiết bất thường (mưa lớn hơn, có gió giật làm tầm nhìn ) cũng là một nguyên nhân cơ bản gây ra sự cố mất an toàn.

Lúc 13 giờ 21 ngày 6.7, tại vị trí đỗ máy bay số 24A sân bay Nội Bài xảy ra vụ va chạm giữa xe bán tải với một nữ công nhân vệ sinh khiến người này tử vong tại chỗ. Ảnh: PLO

Một số chuyên gia phân tích, hàng không là một ngành đặc thù với những yêu cầu về đảm bảo an toàn cao hơn những lĩnh vực khác. Trong khu bay của các cảng hàng không có rất nhiều các đơn vị, trang thiết bị, phương tiện tham gia phục vụ dây chuyền vận chuyển hàng không và đều phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn, từ tốc độ, biển báo… Các nhân viên vận hành trang thiết bị ở sân bay đều phải có giấy phép do Cục hàng không Việt Nam cấp mới được phép vận hành trang thiết bị tại sân bay. Trong biện pháp thi công, người giám sát thi công phải đảm bảo giữ liên lạc thông suốt với Đài chỉ huy.

Ngành hàng không mặc dù đã có những quy định, quy trình đảm bảo an toàn chặt chẽ tuy nhiên vẫn xảy ra một số sự cố uy hiếp an toàn, một phần là do yếu tố con người và những yếu tố khách quan đến từ thời tiết, áp lực tần suất bay cao sau dịch Covid. Bởi vậy, những trường hợp vi phạm các quy định đe dọa đến an toàn cần phải được kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc, cơ quan quản lý hàng không nên nhìn nhận, đánh giá và phân tích các nguyên nhân cụ thể để đưa ra những biện pháp phù hợp.

Trả lời báo chí mới đây, ông Võ Huy Cường- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết sau khi phân tích, đánh giá những sự cố mất an toàn hàng không gần đây, Cục hàng không Việt Nam đã ra chỉ lệnh mới. Theo đó, nâng mức tầm nhìn tối thiểu của đường cất hạ cánh của cảng hàng không Nội Bài từ 800 mét và của cảng hàng không Tân Sơn Nhất từ 700 mét lên mức 1.200 mét. Đây là mức quy định về tầm nhìn tàu bay không được phép hạ cánh và kiểm soát viên không lưu căn cứ vào đó để khuyến cáo cho người lái tàu bay về tình trạng thời tiết.

Minh Hân

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/6-thang-dau-nam-2020-xay-ra-25-su-co-lien-quan-den-an-toan-hang-khong-24366.html