6 tháng đầu năm 2019: Xuất khẩu sắn tiếp tục gặp khó

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn vẫn gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn nhiều nhất của Việt Nam. Ảnh: IT.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 10 ngày đầu tháng 1/2019, giá sắn nguyên liệu tại Tây Ninh và Kon Tum giảm nhẹ do nhu cầu yếu và nguồn cung đưa về nhà máy nhiều hơn. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.700 – 3.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.600 – 2.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đã xuất khẩu đạt 2,42 triệu tấn, trị giá 958,39 triệu USD, giảm 38% về lượng và giảm 7,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 394,9 USD/tấn, tăng 49,8% so với năm 2017. Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2018, lượng sắn xuất khẩu đạt 700,63 nghìn tấn, trị giá 150,54 triệu USD, giảm 57,5% về lượng và giảm 46,7% về trị giá so với năm 2017; giá xuất khẩu bình quân đạt 214,87 USD/tấn, tăng 25,3% so với năm 2017.

Năm 2018, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 844,31 triệu USD, giảm 38,3% về lượng và giảm 7,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 392,9 USD/tấn, tăng 50,4% so với năm 2017.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) - cho hay, xét về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 88,1% về giá trị, tiếp theo là Hàn Quốc (2,7%), Malaysia (1,6%), Philippines (1,5%). Năm 2018, xuất khẩu sắn gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách duy trì sản lượng dự trữ ngô ở mức thấp thông qua đấu giá định kỳ do Cơ quan Dự trữ ngũ cốc quốc gia quản lý với 80 triệu tấn ngô đã được bán trong năm 2018 dẫn tới dự sụt giảm các sản phẩm thay thế ngô, đặc biệt là sắn lát.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu cho hay, Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp, khiến giá ngô tại Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế là sắn lát nhập khẩu. Cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan. Tỷ giá giữa NDT/VND giảm do đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá so với đồng USD, gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu. Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn vẫn gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ thị trường, đặc biệt là những quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, triển vọng trong năm 2019 sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc chấp nhận rủi ro phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của các nhà sản xuất hay hướng tới các giải pháp như: giảm diện tích trồng sắn, nâng cấp chất lượng sắn phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, tập trung vào việc cung cấp nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất ethanol của Trung Quốc.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho hay, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách 66 đơn vị nhà máy sắn của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây. Đồng thời tiếp nhận thêm danh sách các đơn vị từ Bộ NN-PTNT Việt Nam gửi qua. Hiệp hội cho biết, mặc dù đã vào chính vụ sắn lát nhưng nguồn hàng nhập các kho không nhiều. Giá mua vào cũng khá ổn định, tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cũng dè dặt đưa hàng vào kho.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/6-thang-dau-nam-2019-xuat-khau-san-tiep-tuc-gap-kho-156339.html