6 tác hại khi la mắng con cái thường xuyên, điều thứ 3 cha mẹ cần đặc biệt lưu ý

Kỷ luật bằng lời nói, hay còn gọi là la mắng, có thể gây ra những tác động tiêu cực lâu dài tới một đứa trẻ.

Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, chẳng có ai thích bị người khác la mắng cả. Đây là một trải nghiệm rất xấu hổ, gây ra nhiều tổn thương, đặc biệt là đối với trẻ em. Cha mẹ luôn nghĩ rằng, việc la mắng con cái là cách để giáo dục một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn. Thế nhưng, họ không ngờ rằng, hành động này lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của con mình.

Tiến sĩ Joseph Shrand, giảng viên môn Tâm thần học tại Trường Y Harvard cho biết: "La hét là phản ứng của một người khi họ tức giận. Không có gì sai khi chúng ta cảm thấy tức giận một điều gì đó, nhưng cái cách mọi người làm với sự tức giận mới là vấn đề nghiêm trọng".

Việc la mắng con cái không mang lại hiệu quả như cha mẹ nghĩ, trái lại nó gây ra những hệ lụy tiêu cực (Ảnh minh họa).

Việc la mắng con cái không mang lại hiệu quả như cha mẹ nghĩ, trái lại nó gây ra những hệ lụy tiêu cực (Ảnh minh họa).

Tức giận là một cảm xúc phổ biến khi chúng ta ước rằng, mọi thứ không nên xảy ra. Tiến sĩ Shrand nói: "Chúng ta thường tức giận bởi vì muốn con mình ngừng làm cái này hoặc muốn làm cái kia. Ví dụ: Tôi ước con mình nói sự thật đêm qua nó đã ở đâu". Đây là những hành vi mà cha mẹ mong muốn con cái thay đổi, có thể dẫn tới một cơn tức giận bộc phát.

Trên thực tế, việc la mắng con cái không mang lại hiệu quả như cha mẹ nghĩ, trái lại nó gây ra những hệ lụy tiêu cực. Sau đây là những lý do cha mẹ không nên la mắng con cái.

1. Trẻ không thể rút ra bài học khi bị cha mẹ la mắng

Nhà tâm lý học Laura Markham cho biết: "La mắng con cái là cách để giải tỏa cơn tức giận của cha mẹ, không phải cách hiệu quả để thay đổi hành vi của trẻ. Khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ chuyển sang chế độ 'chiến đấu' hoặc 'bỏ chạy', trung tâm não bộ sẽ ngừng hoạt động".

Phản ứng 'chiến đấu' hoặc 'bỏ chạy' là một phản ứng sinh lý xảy ra khi chúng ta trải nghiệm một điều gì đó mà bộ não cho là bị đe dọa. Như vậy, trẻ không thể học được điều gì khi bị la mắng.

Laura Markham nói thêm: "Giao tiếp một cách hòa bình và bình tĩnh sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn, từ đó dễ tiếp thu những lời dạy của cha mẹ".

2. La mắng trẻ khiến chúng cảm thấy cha mẹ không có giá trị gì cả

Laura Markham cho rằng: "Sợi dây gắn kết tất cả mọi người với nhau là cảm xúc được tôn trọng bởi đối phương. Cảm giác được người khác coi trọng là cách chúng ta đo lường giá trị bản thân và xác định liệu mình có quan trọng với thế giới xung quanh hay không. La hét là một trong những cách nhanh nhất để khiến ai đó cảm thấy họ không có giá trị".

Nói một cách dễ hiểu, khi tức giận và la hét, chúng ta đang xem mình như một cái búa và mọi người xung quanh là cái đinh. Trong tình trạng như vậy, con cái giống như kẻ thù chứ không phải là một người đang được yêu thương.

3.

La hét dẫn đến lo lắng, trầm cảm và hạ thấp lòng tự trọng

Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng, cha mẹ la mắng con cái sẽ khiến chúng có xu hướng dễ bị trầm cảm hơn.

Tiến sĩ Neil Bernstein, một nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của những đầu sách giáo dục cho biết: "Tiêu cực giống như một nguồn nhiên liệu cho sự lo lắng và trầm cảm".

Cha mẹ la mắng con cái sẽ khiến chúng dễ bị trầm cảm. (Ảnh minh họa)

4. Mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái bị phá vỡ

Laura Markham giải thích: "La mắng con cái chỉ khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng. La mắng chưa bao giờ tạo ra sự đồng cảm, nó chỉ khiến 2 bên mâu thuẫn gay gắt hơn".

Trong khi đó, tiến sĩ Bernstein cho biết: "Trong 40 năm làm nhà tâm lý học, tôi đã thấy hàng nghìn đứa trẻ và chưa bao giờ có đứa nào nói với tôi rằng, chúng cảm thấy gần gũi hơn với cha mẹ sau khi bị la mắng".

5. Hình thành sự tiêu cực về tính cách của một đứa trẻ

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, cha mẹ la mắng con cái sẽ khiến chúng có thành tích học tập kém, có vấn đề về hành vi và tính cách xấu.

Một nghiên cứu của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ đã chỉ ra, việc la hét có tác động tiêu cực đối với trẻ như hành vi đòn roi. Cha mẹ lạm dụng việc la mắng con cái có thể thay đổi sự phát triển não bộ của trẻ.

6. Trẻ khó quản lý được cảm xúc của mình

Laura Markham cho biết: "Trẻ em gặp khó khăn trong việc học cách điều tiết cảm xúc của chính mình, nếu cha mẹ không chỉ cho chúng cách làm như thế nào".

Tiến sĩ Shrand giải thích rằng, điều này xảy ra khi cha mẹ la mắng con cái, chúng có xu hướng quát mắng lại, thể hiện sự tức giận giống cha mẹ.

Khi tức giận, thay vì la mắng con cái, cha mẹ nên làm gì?

Bước đầu tiên để xua tan cơn tức giận chính là việc bản thân cha mẹ nhận ra mình đang tức giận.

Nếu không muốn la mắng con cái, cha mẹ cần kìm chế cảm xúc của mình. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Shrand nói: "Khoảnh khắc bạn nhận ra cơn giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc. Đó là việc đưa bộ não của bạn từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ".

Theo các chuyên gia, để làm dịu cơn tức giận tức thì, cha mẹ nên tuân thủ những điều sau:

- Hít thở sâu.
- Đếm ngược.
- Chạy tại chỗ.
- Nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh lại.
- Đặt tay dưới vòi nước chảy.
- Cố gắng cười.

Sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề thay vì làm trầm trọng thêm tình hình.

Nguồn: Parent

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/6-tac-hai-khi-la-mang-con-cai-thuong-xuyen-dieu-thu-3-cha-me-can-dac-biet-luu-y-2220218516821999.htm