6 quan niệm chúng ta vẫn tin sái cổ bấy lâu này nhưng hoàn toàn không phải sự thật

Con người thường có hàng ngàn niềm tin truyền từ đời này qua đời khác mà không nghi ngờ hay kiểm chứng. Chúng ta tin cả những cái được gọi là 'sự thật' mà khoa học đã chứng minh là sai rành rành. Dưới đây là 6 quan niệm sai lầm mà con người vẫn tin tưởng như vậy.

1. Nếu bạn chạm vào chim non, chim mẹ sẽ không quay lại và bỏ rơi chúng

Điều này không hề đúng vì khướu giác của chim rất hạn chế, chúng không thể phát hiện con người từng chạm vào tổ của mình. Chúng rất gắn bó với con mình, do đó mấy điều nhỏ nhặt kia sẽ không thể khiến chúng bỏ con được.

Quan niệm này được lan truyền cơ bản là vì, thứ nhất, chim có thể mang ve, bọ nên chúng ta không nên chạm vào chúng. Thứ hai, chim non vô cùng nhạy cảm và có thể bị ốm nếu con người chạm vào.

Ngoài ra, việc bạn chạm vào chim non có thể thu hút các loài săn mồi khác đến tổ chim và tấn công chim non.

2. Trình báo người mất tích cần đợi ít nhất 24 tiếng công an mới tiếp nhận

Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, cũng như ở hầu hết các quốc gia thì không có quy định về người mất liên lạc sau thời gian bao lâu thì gia đình, người thân mới được trình báo mất tích.

Trong trường hợp cẩn thiết, gia đình có thể trình báo công an, công an sẽ lập biên bản tiếp nhận vụ việc và đưa ra phương án giải quyết phù hợp.

Lý do tồn tại quan niệm này có lẽ là để giảm gánh nặng cho công an phí công sức vào những vụ việc không quan trọng, do đó họ có thể đợi ít nhất một hay hai ngày để chắc chắn vụ việc có tính chất nghiêm trọng.

3. Bẻ ngón tay có thể gây viêm khớp

Nhiều người khẳng định, bẻ khớp tay nhiều rất hại cho sức khỏe. Nó khiến các khớp tay trở nên to hơn, theo đó, bàn tay cũng thô và cứng hơn. Đáng lo ngại hơn là nguy cơ thoái hóa và viêm mặt sụn khớp.

Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Mỹ lại cho thấy hành động bẻ ngón tay có tác dụng khởi động cho các khớp. Những người thích bẻ đốt ngón tay cũng không bị sưng, viêm khớp hay các bệnh về khớp khác.

Không những thế, bẻ ngón tay còn giúp phòng chống tốt các bệnh khớp, nhưng điều này vẫn chưa được nghiên cứu chính xác.

Tuy nhiên, dù tốt hay xấu thì bạn nên nhớ, bẻ ngón tay có thể là một triệu chứng của rối loạn thần kinh.

4. Không nên đánh thức người mộng du vì có thể khiến họ sốc, hồn phách không thể nhập trở lại vào thân thể

Huyền thoại xưa nay cho rằng, nếu đánh thức một người đang mộng du, chúng ta sẽ làm họ lâm vào tình trạng "sốc" tệ hơn có thể dẫn đến điên loạn, hoặc "bị khóa mồm" hay hồn phách của họ không thể nhập trở lại vào thân thể.

Tuy nhiên nghiên cứu mới đây của ĐH Stanford đã cho thấy "đánh thức người mộng du không gây nguy hiểm cho họ".

Tuy nhiên, việc này có khả năng gây nguy hiểm mà chúng ta không thể ngờ được. Ðó là khi người mộng du di chuyển, tuy đôi mắt họ mở, nhưng thùy trán, là bộ phận kiểm soát sự giao tiếp với ngoại giới, lại không hoạt động, khiến họ khó trở lại với thực tại.

Hầu hết người mộng du chỉ ở trong trạng thái này khoảng vài giây hoặc vài phút, sau đó thì ngồi hoặc nằm dài xuống sàn và trở lại với giấc ngủ.

Bác Sĩ Mark R Pressman, tâm lý gia kiêm chuyên gia về giấc ngủ tại bệnh viện Lankenau ở Wynnewood, Pennsylvania cho biết: "Tốt hơn là đừng xen vào, trừ khi họ định leo ra cửa sổ hoặc sắp té xuống cầu thang. Trong trường hợp đó người nhà chẳng có chọn lựa nào khác."

Nếu chúng ta tiến đến gần người mộng du, chận đường họ lại, họ có thể tự vệ "một cách gây hấn" và trở nên rất hung hăng.

5. Máu đã khử oxy có màu xanh

Máu luôn có màu đỏ, nó chỉ đổi màu từ đỏ sẫm sang đỏ tươi mà thôi. Máu giàu oxy (máu đi từ tim đến phổi rồi đi đến toàn cơ thể) là máu có màu đỏ tươi. Khi đã hết oxy nó sẽ có màu đỏ sẫm hơn.

Vậy tại sao các tĩnh mạch nhìn có màu xanh? Đây thực sự là một câu trả lời khá phức tạp có liên quan đến ít nhất 4 yếu tố:

- Cách thức da tán xạ và hấp thu ánh sáng rất phức tạp. Vì da được cấu tạo bằng nhiều hợp chất với một loạt các đặc tính quang học nên rất khó dự đoán cách ánh sáng chiếu qua da hoặc phản xạ lại từ bề mặt da.

- Trạng thái ôxy hóa máu ảnh hưởng đến cách mà ánh sáng được hấp thụ. Khi máu khử ôxy, hệ số hấp thụ ánh sáng của nó bị thay đổi.

- Độ sâu và đường kính của các mạch máu có tác động. Ví dụ, những mạch máu nhỏ hơn gần bề mặt có màu đỏ, trong khi những mạch máu lớn hơn, ở cùng độ sâu, trông sẽ xanh hơn.

- Cách con người cảm nhận màu sắc.

6. Cạo lông xong lông sẽ mọc dày và đen hơn

Các nhà khoa học đã làm nhiều thực nghiệm để kiểm chứng "huyền thoại này", và kết quả là sự phát triển lông, tóc không hề bị ảnh hưởng sau khi cạo hay tẩy.

“Phụ nữ tẩy lông chân của họ rất thường xuyên. Nếu lông chân cứ mọc dày lên mỗi lần như vậy, chẳng mấy chốc họ sẽ biến thành khỉ đột”, Amy McMichael, một bác sĩ da liễu cho biết. “Hơn nữa, nếu cứ cạo tóc khiến nó mọc dày lên, chúng ta sẽ không phải lo ngại về chứng rụng tóc nữa”.

Vậy nguyên nhân thật sự là gì?

Một nguyên nhân được cho là bởi nội tiết tố. Đa số chúng ta tẩy lông, cạo râu khi đến tuổi dậy thì, rồi được các mẹ truyền cho quan niệm sai lầm này.

Nhưng sau nhiều lần cạo râu và tẩy lông, chúng ta lại thấy đúng thật lông đã mọc lại dày hơn và đen hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân phía sau hiện tượng này là sự biến động của nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì. Khi các nội tiết tố tăng, chúng ảnh hưởng đến độ dày của lông và nhiều yếu tố khác.

Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân khiến bạn bị đánh lừa đó là cảm giác. Những sợi lông được hình thành từ những protein sừng nhô ra từ cơ thể và chúng thon lại ở mỗi đầu.

Khi cạo chúng, bạn tác động và cắt ngang sợi lông ở khoảng giữa. Nơi đây sẽ hình thành một bề mặt sắc và thô ráp mỗi khi chạm vào. Và cảm giác của bạn sau vài ngày đầu là chúng đã mọc ra to và dày hơn. Bạn đã bị đánh lừa.

(Theo Facts Catalogue)

Trang Đặng (T

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/6-quan-niem-chung-ta-van-tin-sai-co-bay-lau-nay-nhung-hoan-toan-khong-phai-su-that-d10629.html