6 nhà khoa học giảng bài trong Ngày Khoa học - Công nghệ

Trong Ngày Khoa học - Công nghệ diễn ra ngày 12/6, những bài học thú vị trong các lĩnh vực công nghệ, y học, toán học, nông nghiệp, khảo cổ học được chia sẻ thông qua 6 bài giảng đại chúng của 6 nhà khoa học uy tín của Việt Nam.

Chương trình Ngày Khoa học - Công nghệ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai” diễn ra từ 9h đến 17h ngày 12/6, tại Hội trường Hoàng Tụy, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và được phát trên một số kênh trực tuyến.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, GS Ngô Bảo Châu và GS Vũ Hà Văn, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương… tham dự sự kiện này.

Đáng chú ý, chương trình đem đến 6 bài giảng của 6 nhà khoa học uy tín.

Đó là bài giảng “Từ khảo cổ đến công nghệ thực tế ảo: Trường hợp Chùa Một Cột thời Lý năm 1105” của PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Khoa học xã hội) như một làn gió mới cho những ai vừa yêu công nghệ vừa yêu lịch sử. Từ những giới thiệu về cứ liệu bi ký năm 1121, đến việc lắp ghép hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ học, để rồi từ đó đưa ra giả thuyết khoa học, PGS.TS Trần Trọng Dương đã cho thấy phỏng dựng kiến trúc một cột chùa Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.

PGS.TS Nguyễn Thế Toàn (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) và bài giảng “Một số bài toán hình học và giản đồ cây trong virus”. Ông chia sẻ về một số đặc tính thú vị về cấu trúc và hoạt động của virus từ các xem xét vật lý và hình học đơn giản. Tất cả kiến thức trong bài đều có thể hiểu được bằng các kiến thức vật lý và hình học ở cấp phổ thông.

Trong cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19 đang được thế giới quan tâm, TS.BS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) giúp chúng ta hiểu thêm về việc làm thế nào để đảm bảo tối đa tính an toàn trong sản xuất và tiêm với bài giảng “Công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 - Bối cảnh Việt Nam – Thế giới trong sản xuất vắc xin và những điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin Covid–19 tại Việt Nam”.

TS Võ Sỹ Nam (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn) đến với chương trình bằng bài giảng “Giải mã gen Việt trong kỷ nguyên Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo”. Với những câu hỏi về lợi ích của các dự án giải mã gen, TS. Võ Sỹ Nam đem tới những góc nhìn thú vị và chia sẻ về câu chuyện giải mã hệ gen người Việt.

Bài giảng của PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh (Hợp tác xã Nông nghiệp Số) có nội dung “Linked Data cho dữ liệu mở trong nông nghiệp nông thôn”. Qua bài giảng này, người nghe có thể dễ dàng tiếp cận được khái niệm cơ bản của Web Ngữ nghĩa, Dữ liệu Liên kết và tiềm năng ứng dụng trong thực tế đời sống.

PGS.TS Hồ Đăng Phúc (Viện Toán học) mang đến chương trình những kiến thức Toán học thú vị với bài giảng thứ 6 có tiêu đề “Thống kê - Chiếc cầu kết nối Toán học với các Khoa học thực nghiệm”. Ông chỉ ra các luận điểm chứng minh cho việc Thống kê chính là một chiếc cầu liên kết Toán học với thực tế sinh động, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của nhiều ngành khoa học tự nhiên và xã hội.

Đây là chương trình hưởng ứng Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam (18/5), với mục tiêu góp phần phát triển cộng đồng khoa học trong tương lai. Chương trình cũng hy vọng sẽ phát động tinh thần nghiên cứu khoa học và công nghệ, phát huy tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam.

Phương Chi

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/6-nha-khoa-hoc-giang-bai-trong-ngay-khoa-hoc-cong-nghe-745099.html