6 ngân hàng lớn Trung Quốc bắt tay 'giải cứu' thị trường bất động sản

Các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn của Trung Quốc vừa ký thỏa thuận cấp 140 tỷ USD cho các doanh nghiệp bất động sản, nhằm tạo điều kiện ổn định và lành mạnh của thị trường.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Ảnh: Bloomberg

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Ảnh: Bloomberg

Xinhua đưa tin, 6 ngân hàng thương mại Trung Quốc đã công bố cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới hơn 1.000 tỷ NDT (khoảng 140,2 tỷ USD), chủ yếu để phát triển bất động sản, thế chấp cho khách hàng, mua bán và sáp nhập, cung cấp tài chính cho chuỗi cung ứng và đầu tư trái phiếu.

Các ngân hàng đó bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Giao thông (BCM) và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc (PSBC).

Bất động sản Trung Quốc đang khủng hoảng thanh khoản sau khi nhiều công ty bất động sản mất khả năng thanh toán trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Chinadaily

Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã ban hành một kế hoạch 16 điểm nhằm giải cứu bất động sản. Trong đó, kế hoạch dựa trên quan điểm “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người từng nhấn mạnh cần phải phát triển một thị trường bất động sản lành mạnh và bền vững.

Kế hoạch đặc biệt này khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp và quản lý các khoản vay để mua lại các dự án bất động sản một cách thận trọng và có trật tự.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, kế hoạch 16 điểm vừa nêu của Trung Quốc chưa đủ mạnh để nước này giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, do nhu cầu mua nhà ở đang giảm đi vì nền kinh tế còn nhiều áp lực và nước này vẫn áp dụng chính sách “Zero Covid”.

Theo Financial Times, trong năm nay, bất động sản – lĩnh vực đóng góp 1/4 GDP của Trung Quốc, đã bị cản trở tăng trưởng bởi các vấn đề về thanh khoản tại China Evergrande – tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới.

Với tổng số nợ lên tới hơn 300 tỷ USD, Evergrande được coi là “bom nợ” khi tạo thành làn sóng suy thoái trên thị trường, kéo theo nhiều công ty khác rơi vào vòng xoáy nợ. Tập đoàn này đang nỗ lực huy động vốn để trả cho các đơn vị cho vay, nhà cung cấp và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể dẫn tới sự sụp đổ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng đã vào cuộc để giúp đỡ quá trình tái cơ cấu nợ và tiếp quản một số tài sản của công ty để xoa dịu những lo ngại của thị trường về nguy cơ phá sản không trật tự.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/6-ngan-hang-lon-trung-quoc-bat-tay-giai-cuu-thi-truong-bat-dong-san-post14798.html