6 món ăn không thể bỏ qua khi đến Thanh Hóa
Đến Thanh Hóa du khách sẽ được thưởng thức những món đặc sản độc đáo nổi tiếng cả nước của xứ Thanh. Đặc sản xứ Thanh cũng để lại trong lòng du khách từng qua nơi này một cảm nhận khó quên.
Bản chất con người xứ Thanh vốn mộc mạc, thật thà, cảnh sắc nơi đây vẫn còn hoang sơ, những danh lam thẳng cảnh cùng với di tích dường như trải đều khắp miền Thanh Hóa.
Đặc sản ẩm thực là kết tinh từ tinh hoa của đất, của thiên nhiên và văn hóa vùng miền mà tạo nên những món đặc sản đặc trưng của miền đất đó. Chỉ tới Thanh Hóa bạn mới được nếm thử những món đặc trưng, thơm ngon rất ấn tượng.
1. Nem chua Thanh Hóa
Nem chua là món ăn phổ biến ở Việt Nam, nhưng có lẽ vùng đất làm nên thứ nem chua giòn ngon, hấp dẫn hơn cả là xứ Thanh. Nem chua Thanh Hóa ngon ở sự kết hợp hài hòa của tất cả các nguyên liệu. Nem được gói chắc tay, lên men vừa tầm chín tạo vị thanh chua rôm rốp; hương thơm hấp dẫn từ tỏi, lá ổi, lá đinh lăng kết hợp hài hòa với màu hồng tươi bắt mắt của thịt ngon. Chiếc nem chua chỉ nhỉnh hơn ngón tay, xếp gọn ghẽ mà trăm cái đều tăm tắp, hương vị mê say lòng người.
2.Chè lam Phủ Quảng
Cắn một miếng bánh chè lam, tan trong miệng là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng và một chút bùi bùi của lạc, nhấp một ngụm trà, ngọt lành. Nguyên liệu làm bánh mộc mạc, đơn giản, ở quê nhà nào cũng có thể sắm được: chục bò gạo nếp, dăm chai mật mía, lạc rang, gừng nướng chín sắt thành miếng mỏng. gạo nếp hoa vàng, trắng đều, hạt căng mẩy, sàng xẩy cẩn thận rồi rang trên chảo gang cho gạo vàng. Quan trọng nhất là rang gạo làm sao để không cháy quá, nếu không bánh sẽ có mùi khét. Sau đó dùng cối xay mịn gạo đã rang chín,càng mịn thì bánh càng dẻo càng ngon.
3.Bánh gai Tứ Trụ huyện Thọ Xuân
Bánh gai Tứ Trụ của huyện Thọ Xuân là đặc sản nổi tiếng, bắt nguồn từ làng Mía, nơi được xem là làng làm bánh gai tiến vua xưa kia. Bánh gai là món quà quê hương không thể thiếu cho khách khi đến Thọ Xuân. Bánh gai được nhiều người ưa thích mang làm quà quê biếu nên được mang đi khắp cả nước. Bánh gai vùng này được làm rất công phu, từ những nguyen liệu cầu kỳ. Để làm bánh gai, người ta chọn gạo nếp tốt nhất như nếp nương hoặc nếp hoa cau. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, dầu chuối, đường. Việc lựa chọn lá gai, giã gạo, hấp bánh rất tỉ mẩn và tinh tế, có những thao tác phải thành thạo, điêu luyện... Có đĩa bánh gai để cúng tổ tiên cũng là cách để bày tỏ sự thành kính, biết ơn công đức tiên tổ; cũng là cách để răn dạy con cháu đạo lý làm người, uống nước nhớ nguồn...
4.Bánh đa làng Minh Châu
Nằm ở bên bờ sông Chu, làng Minh Châu (còn có tên Nôm là làng Chòm) ở xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa với lịch sử hàng trăm năm. Bánh đa làng Minh Châu dày và nhiều vừng, không như bánh đa làm ở các nơi khác. Bánh đa nhiều vừng nên ăn ngon hơn. Ngoài ra, để phù hợp với số lượng người ăn nhiều hay ít mà bánh đa cũng được làm nhiều loại có kích thước to nhỏ khác nhau. bánh đa làng Minh Châu chỉ dùng nguyên liệu duy nhất là bột gạo với vừng. Theo những người làm bánh lâu năm ở làng thì chỉ làm bằng bột gạo thì bánh đa sau khi quạt mới giữ được độ giòn và thơm lâu, không bị dai dù có để lâu trong không khí.
5. Mía đen Kim Tân
Mía Kim Tân là tên gọi có từ xa xưa, là vật tiến vua hằng năm. Các cụ cao niên ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa kể: Cây mía Kim Tân có từ thời vua Quang Trung tiêu diệt quân Mãn Thanh. Đến thời nhà Nguyễn, hằng năm địa phương cắt cử người mang mía vào triều đình tiến vua. Ngày nay, cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Theo như lời kể các thế hệ trước, xưa kia vua Quang Trung đi đánh giặc Thanh đi qua vùng đất này và cho quân lính nghỉ ngơi ở đây. Mọi người lấy mía ra thiết đãi. Nhà vua ăn thì thấy mía rất thơm ngon. Ông đã hỏi người dân vùng đất này có tên là gì mà ăn mía ngon như vậy. Dân chúng nói nơi đây có tên là Kim Tân, vì thế nhà vua lấy tên đặt cho cây mía. Nhà vua căn dặn người dân cố gắng duy trì cây mía này. Mía tiến vua gióng dài, to, ăn mềm, thơm ngon. Cây mía tím này rất kén đất, trồng đúng ở Thạch Thành có đất đỏ bazan mía mềm và thơm ngon.
6. Chim Mía Thạch Thành
Chim mía là một món ăn đồng quê, sở dĩ thành món đặc sản vì nó ngon và rẻ… bất ngờ. Cái thú của người ăn món này là được ngồi ngay giữa cánh đồng mía, thưởng thức hương vị mía tươi thơm mát, cái nắng vàng ươm mời mọc lúc thu về, với những chú chim mía nướng thơm phức, béo ngậy. vào mùa chuẩn bị thu hoạch mía, bạn sẽ thấy người ta bán từng xâu chim mía mới làm lông, còn tươi nguyên, thì xin chớ thờ ơ và đừng đắn đo với túi tiền của mình: Món quà quê ấy rẻ lắm, xứng đáng với chuyến đi dã ngoại của bạn.
Về với Thanh Hóa du khách không những được thưởng thức những món ẩm thực mà còn được chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh tạo nên mảnh đất địa linh nhân kiệt nơi đây.