6 loại thực phẩm quen thuộc là nguyên nhân gây dậy thì sớm

Để hạn chế tình trạng dậy thì sớm, các bậc phụ huynh nên theo dõi sát sao chiều cao và cân nặng của trẻ để có chế độ ăn phù hợp, đặc biệt lưu ý đến nguồn thực phẩm sạch, không chứa hormone...

Trước đây, phát hiện từ một nghiên cứu thực hiện bởi Tiến sĩ tâm lý học Aric Sigman (Anh) cho thấy, các bé gái hiện nay dậy thì sớm hơn 18 tháng so với tuổi dậy thì của mẹ các bé và sớm hơn gần 2 năm nếu so với bà của bé. Trung bình, trẻ gái bắt đầu dậy thì khi được 10,25 tuổi. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tiến hành năm 2000 cũng cho thấy, cứ 6 trẻ gái thì có một bé bắt đầu dậy thì trước khi lên 8 tuổi.

- Vậy dậy thì sớm là gì?

Trẻ được coi là dậy thì sớm khi các biểu hiện dậy thì xuất hiện ở trẻ trai trước 10 tuổi và ở trẻ gái trước 8 tuổi. Theo báo Sức khỏe & Đời sống, biểu hiện của dậy thì sớm ở trẻ trai là tinh hoàn phát triển về kích thước, mọc lông mu, lông nách, bộ phận sinh dục ngoài tăng kích thước. Ở trẻ gái là mọc lông mu sớm, vú phát triển, bộ phận sinh dục ngoài phát triển và xuất hiện kinh nguyệt sớm. Nhưng khi thấy những biểu hiện trên thì trên thực tế, trẻ đã dậy thì sớm trước đó nhiều tháng, thậm chí cả năm. Ngoài những dấu hiệu trên, trẻ còn có những biểu hiện khác như rối loạn tâm tính, đau đầu...

- Điều gì gây ra tình trạng dậy thì sớm?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (bệnh viện Nhi Trung ương) khẳng định: "Trong số những nguyên nhân gây dậy thì sớm thì yếu tố cần lưu ý hàng đầu là môi trường, nội tiết, bệnh lý u não. Vấn đề dinh dưỡng, béo phì ảnh hưởng tới dậy thì sớm là có. Trẻ béo phì thường có nguy cơ dậy thì sớm cao".

Trong khi đó, 6 loại thực phẩm dưới đây, theo báo Tiền phong, đã được các chuyên gia "khoanh vùng" rằng chúng có những lý do rất liên quan để xem là nguyên nhân gây ra hiện tượng dậy thì sớm.

1. Thịt cổ gia cầm

Thịt vùng cổ của gà, vịt, ngan, ngỗng là thực phẩm được khuyến cáo nên hạn chế cho trẻ nhỏ và vị thành niên ăn.

Do gia cầm hiện nay chủ yếu đều ăn thức ăn "tăng trọng" có chứa nhiều thuốc kích thích tăng trưởng. Mà những chất này khi gia cầm ăn vào sẽ tích tụ chủ yếu ở phần từ cổ trở lên đầu.

Khi trẻ ăn nhiều phần đầu gia cầm vô tình ăn luôn cả chất kích thích khiến cho cơ thể cũng giống như được cho ăn thực phẩm "kích thích phát triển".

2. Rau, quả trái mùa

Các loại rau, quả trái mùa như dâu tây, nho, dưa hấu, cà chua… được thu hoạch vào mùa đông hay các trái cây thu hoạch trước mùa xuân như táo, đào, cam… đa phần là những loại thực phẩm được "thúc chín".

Cha mẹ không nên cho trẻ ăn rau quả trái mùa. (Ảnh minh họa: Internet).

Cha mẹ không nên cho trẻ ăn rau quả trái mùa. (Ảnh minh họa: Internet).

Việc trồng rau quả trái mùa và ép trái cây phải chín bằng chất hóa học sẽ để lại tồn dư chất độc này trong rau củ trái cây. Trẻ em ăn vào sẽ tạo ra nguy cơ mắc bệnh dậy thì sớm.

Tất cả các loại rau củ quả quá tươi ngon so với bình thường cũng cần tránh cho trẻ ăn. Bất kỳ món nào sử dụng chất kích thích đều là nguyên nhân khiến cho trẻ "lớn" trước tuổi một cách đáng sợ.

3. Thực phẩm chiên, rán

Nếu trẻ ăn những món chiên rán thường xuyên, cơ thể sẽ mang theo và dung nạp các chất béo dư thừa, gây rối loạn nội tiết. (Ảnh minh họa: Internet).

Những món ăn chiên rán đều là lựa chọn hàng đầu của trẻ vì hương vị thơm ngon và cách bày bán đánh đúng vào thị hiếu của trẻ.

Các món ăn như gà rán, khoai tây chiên… khi nấu ở nhiệt độ cao sẽ thay đổi chất, trẻ ăn vào cơ thể mang theo và dung nạp các chất béo dư thừa, gây rối loạn nội tiết, dẫn đến dậy thì sớm.

Nếu ăn những món này quá thường xuyên, dầu ăn được tái sử dụng trong quá trình chế biến ở nhiệt độ cao tạo ra oxy hóa. Đây cũng là một trong những lý do khiến trẻ "phổng phao" trên mức cần thiết.

4. Thực phẩm chức năng

Có nhiều phụ huynh "mù quáng" tin vào những lời quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng giúp trẻ "cao lớn và mạnh mẽ" hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa.

Điều này không phải là sai vì có những loại thực phẩm trẻ ăn vào "trông có vẻ" cao lớn hơn thật. Tuy nhiên, đáng tiếc là trẻ chỉ phát triển sớm hơn các bạn trong giai đoạn uống thuốc trước dậy thì, sau đó sẽ chững lại và không lớn nữa.

Điều này còn nguy hiểm hơn việc cứ để trẻ "bé một chút" nhưng phát triển tự nhiên. Đến tuổi trưởng thành, bé sẽ cao lớn vạm vỡ mà không cần phải "thúc" bằng thuốc.

5. Sử dụng tùy tiện "siêu" thực phẩm

Một số phụ huynh mắc "bệnh nhà giàu" nên thường nghĩ mình có điều kiện phải bồi bổ cho con những thực phẩm "hơn người" để con mình phải khác con nhà khác.

Vì vậy, những món "siêu" thuốc bổ vốn chỉ dành cho người lớn cũng được phụ huynh cho con nhỏ sử dụng như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, long nhãn, vải khô, sa sâm…

Theo các chuyên gia Đông y, phàm là những thuốc bổ đặc biệt này, đều sẽ có những tác động lớn đến môi trường nội tiết bình thường, dẫn đến sự phát triển mất cân bằng về thể chất và tinh thần đối với trẻ em.

Những thực phẩm khác như: Nhộng, kê gà, nhau thai, mật ong, sữa ong chúa, sữa non, phấn hoa bổ sung dinh dưỡng… thường chứa các hormone giới tính cao.

Đây là những thực phẩm thúc đẩy quá trình dậy thì sớm một cách nhanh chóng được các chuyên gia Đông y khuyến cáo không nên cho trẻ ăn quá nhiều.

6. Các món nội tạng động vật

Khi bạn nấu các món ăn bổ dưỡng cho trẻ như canh hay súp chế biến từ các bộ phận nội tạng động vật phải đặc biệt lưu ý về số lượng, trọng lượng và chủng loại.

Bởi vì một món ăn nếu nấu quá nhiều thứ nội tạng với nhau với trọng lượng cao, quá đậm đặc sẽ biến thành món ăn "kích thích" phát triển ở mức độ cao.

Bát canh hay cháo đó chứa hormone tuyến giáp, tuyến sinh dục nên sẽ được gửi nhanh vào cơ thể trẻ, tạo ra một liều thuốc thúc đẩy dậy thì sớm vô cùng nhanh chóng và không cần thiết.

Ảnh minh họa: Internet.

Trên đây là cảnh báo của các chuyên gia về mối liên quan giữa tình trạng dậy thì sớm với các loại thực phẩm chứa hormone, kích thích phát triển… Các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm cho con để phòng và tránh những căn bệnh nguy hiểm.

Và để hạn chế dậy thì sớm, “cách tốt nhất, cha mẹ nên theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ để có chế độ ăn cho con phù hợp, đặc biệt lưu ý đến nguồn thực phẩm sạch. Nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm như chất đạm, chất béo, ngũ cốc và vitamin - khoáng chất. Những thực phẩm giàu chất đạm, chất béo cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn”, PGS. Hoàn cho biết thêm.

Đồng thời hãy ghi nhớ, điều trẻ cần nhất ở mọi thời điểm luôn là sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Có như vậy trẻ mới có thể phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần, đồng thời được bảo vệ trước những nguy cơ bị xâm hại.

N.H (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/6-loai-thuc-pham-quen-thuoc-la-nguyen-nhan-gay-day-thi-som-a348022.html