6 kíp mổ cùng 20 bác sĩ cứu cô gái tai nạn giao thông nghiêm trọng

BS CKII Phạm Thạnh Phong – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa huy động 6 ê-kíp với 20 bác sĩ ở nhiều chuyên khoa cùng phối hợp phẫu thuật cứu sống kịp thời một nữ bệnh nhân bị sốc đa chấn thương nghiêm trọng do tai nạn giao thông.

11 giờ 10 phút, ngày 21/10/2020, chị Lê Thị Mỹ H, 22 tuổi, ở huyện Ô Môn - Cần Thơ đi xe máy cùng người thân không may va chạm với xe container, chị H. ngã ra đường và bị bánh xe cán qua cơ thể.

Nạn nhân lập tức được người dân xung quanh hỗ trợ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch: choáng chấn thương, sốc mất máu nặng, lơ mơ, niêm trắng bệt, huyết áp khó đo, mạch nhanh, bụng gồng cứng, sưng nề, xây sát vùng chậu, lạo xạo xương vùng chậu khi khám, máu đỏ chảy ra từ âm đạo.

Nhận định đây là trường hợp đa chấn thương nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, các bác sĩ cấp cứu đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện.

6 kíp mổ, cùng 20 bác sĩ được huy động phẫu thuật hơn 4 giờ đã cứu sống được bệnh nhân

6 kíp mổ, cùng 20 bác sĩ được huy động phẫu thuật hơn 4 giờ đã cứu sống được bệnh nhân

Bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực chống sốc bằng cách kiểm soát chảy máu, cho thở oxy, giảm đau, lập 02 đường truyền dịch chảy tự do, truyền máu đồng thời được nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho phẫu thuật khẩn cấp.

Khoa Huyết học truyền máu của bệnh viện cũng liên hệ khẩn cấp Bệnh viện Huyết học truyền máu TP.Cần Thơ để chuẩn bị sẵn một lượng máu và các chế phẩm máu lớn truyền cho bệnh nhân.

Bỏ qua các thủ tục hành chính, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ với chẩn đoán: Choáng chấn thương; Chấn thương bụng kín; Vỡ bàng quang; chấn thương âm đạo – phần phụ; Chấn thương vỡ phức tạp khung chậu.

Ban giám đốc bệnh viện đã trực tiếp huy động 6 ê-kíp mổ với 20 bác sĩ ở các chuyên khoa: Ngoại Tổng hợp, Ngoại Thận – Tiết niệu, Ngoại lồng ngực - Mạch máu, Sản, Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật - Gây mê hồi sức để chạy đua với “tử thần” cứu bệnh nhân.

Việc đầu tiên các bác sĩ gây mê hồi sức thiết lập thêm 2 đường truyền, đặt huyết áp động mạch xâm lấn để theo dõi huyết động liên tục.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật

Sau đó, lần lượt 6 ê kíp phẫu thuật đã tiến hành xử lý chấn thương cho bệnh nhân. Tiến hành phẩu thuật thám sát vết thương. Mở bụng đường giữa dưới rốn bụng có khoảng 500ml máu, máu tụ sau phúc mạc. Kiểm tra không thấy tổn thương phối hợp.

Bệnh nhân tiếp tục được khâu vết rách bàng quang thành sau, mở bàng quang ra da. Tiếp đến là khâu cầm máu buồng trứng trái, cắt tử cung toàn phần chừa 2 phần phụ, khâu nối âm đạo, kiểm tra cầm máu.

Ê-kíp Khoa Lồng ngực - Mạch máu đã thực hiện cột động mạch chậu trong bên trái để giảm bớt lượng máu chảy về vùng khung chậu, cầm máu kỹ, nhét gạc cầm máu, đặt ống dẫn lưu.

Còn ê kíp của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình tập trung xử trí cố định ngoài giữ cố định xương chậu cho bệnh nhân sau khi nhận thấy bệnh nhân bị gãy mất vững khung chậu, tổn thương ngành ngồi và chậu mu, gãy toác cùng chậu bên trái, lóc da ngầm hông mông trái.

Đến 17 giờ 40 cùng ngày, sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Các bác sĩ thở phào khi thông báo với người nhà bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

BS.CKII Trần Huỳnh Đào-Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, việc cứu sống bệnh nhân này ngoài việc được đưa đến cấp cứu kịp thời thì yếu tố mang tính quyết định đó chính là sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng của tất cả các chuyên khoa của bệnh viện.

Cũng theo BS Đào, sốc do chấn thương là tình trạng suy sụp các chức năng sống của cơ thể, rất thường gặp trong cấp cứu, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không xử lý kịp thời.

Trường hợp bệnh nhân này mất máu rất nặng, trong quá trình phẫu thuật huyết áp giảm liên tục, các bác sĩ gây mê phải lắp đường truyền dịch và máu phải bơm liên tục, sử dụng thuốc vận mạch...

Quá trình cấp cứu và phẫu thuật với sự phối hợp của Bệnh viện Huyết học truyền máu TP.Cần Thơ đã nhanh chóng cung cấp máu và các chế phẩm máu số lượng lớn, bệnh nhân đã được chỉ định truyền 33 đơn vị máu và chế phẩm của máu.

Hiện tại, sau mổ bệnh nhân được hồi sức tích cực tại khu Hậu phẫu, khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Các dấu hiệu sinh tồn ổn định, không sốt, vết mổ rỉ ít dịch, tự thở đều qua oxy mũi.

Thời gian qua Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phối hợp cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động đa chấn thương phức tạp cận kề cái chết đã được cứu sống ngoạn mục.

Đối với các ca tai nạn giao thông đều tiềm ẩn rất nguy cơ, cần phải được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay, nếu chậm trễ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều này đòi hỏi bệnh viện phải có đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng cũng như sự phối hợp ăn ý giữa các kíp, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả, linh hoạt quy trình “báo động đỏ” giúp bệnh nhân được cứu chữa kịp thời trong thời gian ngắn nhất.

Phạm Phong

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-kip-mo-cung-20-bac-si-cuu-co-gai-tai-nan-giao-thong-nghiem-trong-n181968.html