6 điều rất nhiều người đang hiểu sai về bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và hầu hết các trường hợp không gây quá nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, có nhiều điều mà rất nhiều người đang hiểu sai về bệnh tay chân miệng khiến việc phòng bệnh gặp khó khăn hơn.

Nội dung:

1. Hiểu sai về bệnh tay chân miệng: Chỉ trẻ em mới mắc bệnh
2. Đã bị bệnh một lần thì không tái nhiễm
3. Bệnh khởi phát do virus viêm da
4. Bị bệnh là bị biến chứng nặng
5. Không có cách nào ngăn ngừa bệnh tay chân miệng
6. Không cần đưa trẻ bị bệnh tay chân miệng tới bệnh viện

Bệnh Tay chân miệng (HFMD) là một bệnh truyền nhiễm phổ biến chủ yếu do các chủng Enterovirus A (bao gồm Coxsackie virus A 2-8, 10, 12, 14, 16 và enterovirus 71, 76 và 89-92) gây ra. Bệnh tay chân miệng lành tính thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Các đợt bùng phát bệnh tay chân miệng nhẹ xảy ra trên toàn thế giới và thường liên quan đến các trung tâm chăm sóc trẻ, nhà trẻ và trường tiểu học. Tuy nhiên kể từ năm 1997, EV71 đã nổi lên như một nguyên nhân thường xuyên gây ra bệnh tay chân miệng nặng và đôi khi gây tử vong ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, tay chân miệng đã trở thành một căn bệnh đáng chú ý vào năm 2008 khi số ca mắc và tử vong ngày càng tăng với hơn 200.000 ca mắc và 207 ca tử vong trong năm 2011-12. Hiện tại, không có phương pháp điều trị kháng vi-rút EV71 cụ thể nào. Do đó, việc tổng hợp dữ liệu dịch tễ học vẫn là điều cần thiết để kiểm soát bệnh tay chân miệng.

Dưới đây là một số điều nhiều người vẫn hiểu sai về bệnh tay chân miệng khiến việc ngăn ngừa bệnh hoặc phòng ngừa bệnh tái phát gặp khó khăn:

1. Hiểu sai về bệnh tay chân miệng: Chỉ trẻ em mới mắc bệnh

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em độ tuổi mầm non dưới 5 tuổi và tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, quan niệm chỉ trẻ em mới mắc bệnh là một trong những điều người lớn vẫn hiểu sai về bệnh tay chân miệng. Bởi tay chân miệng vẫn gặp ở người lớn, người già, phụ nữ mang thai tuy nhiên dấu hiệu biểu hiện bệnh không rõ bằng ở trẻ nhỏ.

Hiểu sai về bệnh tay chân miệng khiến việc ngăn ngừa bệnh gặp khó khăn - Ảnh: dtinews

Hiểu sai về bệnh tay chân miệng khiến việc ngăn ngừa bệnh gặp khó khăn - Ảnh: dtinews

Lý giải việc người lớn ít mắc bệnh tay chân miệng hơn trẻ em là vì người trưởng thành tự vệ sinh cá nhân tốt hơn trẻ cũng như sức đề kháng ở người lớn cao hơn.

2. Đã bị bệnh một lần thì không tái nhiễm

Nhiều người vẫn nghĩ rằng khi đã bệnh một lần thì cơ thể đã có kháng thể, nhưng đó là một điều nhiều người đang hiểu sai về bệnh tay chân miệng. Trên thực tế, có nhiều trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng trên 2 lần bởi căn bệnh này do nhiều chủng siêu vi gây ra. Chủng Cosxackie A16 thường gặp nhất, kế tiếp là Coxsackie A5, A7, A9, A10 và Coxsackie nhóm B; cuối cùng phải kể đến là EV-17.

3. Bệnh khởi phát do virus viêm da

Nhiều nốt phát ban xuất hiện trên da, các mụn nước phồng ở lòng bàn tay và bàn chân và đôi khi phát ban toàn cơ thể ở những vị trí như: mông, vùng sinh dục, miệng, vòm họng, đầu gối… là biểu hiện dễ nhận biết của bệnh tay chân miệng. Đó là lí do nhiều người hiểu sai về bệnh tay chân miệng là do virus viêm da gây nên.

Trên thực tế, bệnh tay chân miệng không có mối liên quan nào đến các virus gây viêm da. Bệnh do nhóm virus đường ruột gây ra, trong đó chủng Cosxackie A16 thường gặp nhất ở các trường hợp tay chân miệng.

Nhiều người hiểu sai về bệnh tay chân miệng là do virus viêm da gây nên - Ảnh: Vietnamnet

4. Bị bệnh là bị biến chứng nặng

Là một bệnh có khá nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ gặp biến chứng do bệnh tay chân miệng rất ít, con số này chiếm tỷ lệ rất thấp. Nếu được chăm sóc đúng cách, biến chứng do tay chân miệng cũng sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều.

Cha mẹ nên tránh các quan niệm sai lầm như bắt trẻ tránh nước, tránh gió bằng cách đắp chăn kĩ hoặc không cho bật quạt sẽ khiến bệnh nặng hơn. Trẻ không được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ có thể gây bội nhiễm trên da.

Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ hồi phục sau 7-10 ngày được chăm sóc đúng cách.

5. Không có cách nào ngăn ngừa bệnh tay chân miệng

Một điều mà nhiều người hiểu sai về bệnh tay chân miệng đó là không có cách nào phòng ngừa căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng cách đảm bảo vệ sinh cá nhân, nhất là đối với trẻ mầm non.

Hiện tại, vẫn chưa có phương thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng cũng như vaccine dự phòng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho hay, cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bệnh cho bản thân và trẻ em bằng cách giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân.

Bệnh tay chân miệng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng cách đảm bảo vệ sinh cá nhân - Ảnh: illinoisreview

Đối với trẻ em độ tuổi tiểu học và mầm non, nên nhắc nhở và hướng dẫn bé rửa tay chân mặt mũi sau khi từ trường về. Tránh việc trẻ cầm nắm các đồ chơi nơi công cộng và đưa vào miệng; tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ bị mắc tay chân miệng khác. Nếu phát hiện con em mình mắc bệnh, cha mẹ nên chủ động thông báo với nhà trường vệ sinh lớp học và đồ chơi, tránh dịch tay chân miệng bùng phát trong trường học.

Theo WHO, bệnh thường bùng phát vào giai đoạn chuyển mùa trong khoảng tháng 4 đến tháng 6 và tháng 10 đến tháng 12. Tuy nhiên, mọi người không nên chủ quan không phòng tránh bệnh vào các khoảng thời gian còn lại trong năm. Vẫn đảm bảo giữ vệ sinh và theo dõi biểu hiện bệnh ở trẻ để có phương án xử trí kịp thời nếu mắc bệnh.

>> Làm sao để rửa tay đúng cách và phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả?

6. Không cần đưa trẻ bị bệnh tay chân miệng tới bệnh viện

Mặc dù bệnh tay chân miệng khá lành tính và thường trẻ sẽ khỏi hoàn toàn sau 7-10 ngày, tuy nhiên không đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ thăm khám là điều cha mẹ đang hiểu sai về tay chân miệng. Các bác sĩ khuyến cáo rằng, khi phát hiện các dấu hiệu như: sốt cao khó hạ, trẻ kêu đau miệng biếng ăn, xuất hiện các nốt phát ban ở tay chân; cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám.

Sau khi được chẩn đoán cấp độ bệnh tay chân miệng mà trẻ mắc phải, bác sĩ sẽ tư vấn về cách chăm sóc trẻ đúng cách. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên theo dõi sát các biểu hiện của trẻ; nếu thấy trẻ giật mình chới với, sốt cao dài ngày không hạ, mê man thì ngay lập tức đưa trẻ vào bệnh viện để được chăm sóc y tế.

Con đường lây lan của bệnh tay chân miệng: Không chỉ lây qua đường hô hấp mà còn lây qua tiêu hóa

Tiểu Quyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/6-dieu-rat-nhieu-nguoi-dang-hieu-sai-ve-benh-tay-chan-mieng-4120209127376919.htm