6 điều không nên nói khi phỏng vấn xin việc

Phỏng vấn thường là vòng quyết định khi bạn ứng tuyển vào vị trí, doanh nghiệp. Một câu nói có thể giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng hoặc khiến họ gạch tên ứng viên.

JT O’Donnel là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của thương hiệu Work It Daily. Đây là nền tảng trực tuyến giúp mọi người giải quyết các vấn đề liên quan nghề nghiệp, kết nối cơ hội, đánh giá hồ sơ, từ bước phỏng vấn xin việc đến các kỹ năng cần có của vị trí quản lý. O’Donnel cũng đã có 15 năm kinh nghiệm trong việc tuyển dụng và đào tạo, huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Trong bài phỏng vấn với CNBC Make it, chuyên gia này đã chỉ ra 6 câu nói mà các ứng viên tuyệt đối không nên nói trước nhà tuyển dụng. Điều này giúp chúng ta gây ấn tượng tốt với doanh nghiệp và tăng cơ hội nghề nghiệp của bản thân.

 JT O’Donnel, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của thương hiệu Work It Daily, người có 15 năm kinh nghiệm trong ngành tuyển dụng. Ảnh: Linkedin.

JT O’Donnel, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của thương hiệu Work It Daily, người có 15 năm kinh nghiệm trong ngành tuyển dụng. Ảnh: Linkedin.

“Tôi không thích sếp cũ”

Chuyên gia JT O’Donnel nhắc nhở các ứng viên đừng bao giờ nói xấu sếp cũ, dù bạn có trải nghiệm tồi tệ đến như thế nào. Khi được hỏi về lý do rời bỏ công việc, bạn có thể thừa nhận bản thân không còn phù hợp với nó. Trung thực là tính cách đáng quý, tuy nhiên, hãy cẩn thận với cách bạn diễn đạt mọi thứ.

Thay vì nói không hay về công việc cũ, sếp trước, bạn có thể chia sẻ bản thân đã nhận ra đam mê và muốn thay đổi con đường sự nghiệp. Hoặc đơn giản, bạn đang tìm kiếm thứ gì đó thách thức hơn.

O’Donnel khuyên bạn cũng nên chia sẻ về những điều đã học được từ công việc trước, nó có thể giúp bạn thành công trong vai trò mà mình đang ứng tuyển.

Trong trường hợp bạn bị sa thải, hãy giải thích tình huống khi đó và những điều có thể làm để thay đổi kết quả. Nguyên tắc tối kỵ là đổ trách nhiệm cho người khác. Nhà tuyển dụng sẽ không nắm được toàn bộ câu chuyện mà sẽ đánh giá tính chịu trách nhiệm của ứng viên.

“5 năm nữa, tôi hy vọng sẽ ngồi vào vị trí của anh, chị”

O’Donnel cảnh báo chúng ta đừng nghĩ rằng nhà tuyển dụng sẽ hài lòng với câu trả lời trên của bạn. Theo kinh nghiệm 15 năm trong ngành nhân sự của mình, bà tiết lộ họ chỉ cảm thấy ứng viên lười biếng và thiếu suy nghĩ.

Thay vào đó, bạn nên chỉ ra những tiềm năng mà mình sẽ phát triển tốt tại tổ chức mới. Chúng ta nên bắt đầu với vị trí bạn đang phỏng vấn, nêu bật một số kỹ năng cần thiết cho công việc và cách bạn xây dựng, phát triển bản thân dựa trên những điều đó.

Cách chia sẻ này cho thấy bạn quan tâm tới sự thăng tiến trong sự nghiệp và tận tâm giúp công ty phát triển dài hạn.

“Điểm yếu lớn nhất của tôi là sự cầu toàn”

Không ai hoàn hảo, vì vậy, câu trả lời trên chỉ là cách nói khác của “tôi quá kém để thừa nhận bất kỳ điểm yếu nào”. Theo O’Donnel, câu hỏi về điểm yếu được rất nhiều nhà quản lý coi trọng, vì vậy, bạn nên chuẩn bị một đáp vừa đúng mà vẫn đảm bảo cho họ thấy sự cầu toàn.

Cách tốt nhất để biết điểm yếu của mình là hỏi những người đồng nghiệp mà bạn tin tưởng, cũng như sếp cũ. Danh sách sẽ gồm có những gì họ nghĩ bạn làm tốt nhất và điểm cần cải thiện.

Cuối cùng, nguyên tắc khi phỏng vấn đó là thành thật và đưa ra kế hoạch khắc phục những điểm yếu đó với nhà tuyển dụng.

“Anh, chị có thể cho tôi biết thêm về công ty?”

“Bạn có tin hay không, tôi đã chứng kiến ngay cả ứng viên có năng lực và nhiều kinh nghiệm vẫn hỏi câu này, theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn: Mục tiêu của công ty là gì? hay Công ty làm về mảng gì?”, chuyên gia O’Donnel tiết lộ.

Theo bà, nhà tuyển dụng đã dành thời gian để đọc, tìm hiểu về bạn qua sơ yếu lý lịch. Vì vậy, bạn cũng nên làm thế và dành thời gian nghiên cứu về công ty, vị trí mà mình đang ứng tuyển.

Ứng viên có thể yêu cầu nhà tuyển dụng chia sẻ về những điều cụ thể hơn như mục tiêu hàng tháng. O’Donnel nhấn mạnh việc tới phỏng vấn với thông tin ít ỏi về doanh nghiệp là điều xúc phạm và dẫn đến ấn tượng ban đầu tiêu cực của nhà tuyển dụng với ứng viên.

“Tôi được hưởng quyền lợi gì khi làm việc tại công ty?”

Đây là vấn đề gây tranh cãi. Một số người đưa quan điểm cần hỏi rõ về quyền lợi và trách nhiệm trong buổi phỏng vấn vì nó sẽ giúp cả hai bên hiểu rõ mong đợi của nhau. Số khác cho rằng không nên bởi nó có thể trở thành ấn tượng không mấy tích cực với nhà tuyển dụng.

Với kinh nghiệm của mình, chuyên gia O’Donnel cho rằng ứng viên hỏi về phúc lợi trong bất kỳ công việc nào là điều khôn ngoan. Tuy nhiên, bà khuyên chúng ta không nên đưa ra câu hỏi này quá sớm trong cuộc phỏng vấn, vì nó có thể khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ ý định thực sự của bạn khi chọn vị trí này.

Một số cuộc phỏng vấn đầu tiên nhằm xác định bạn có nên tiếp tục ứng tuyển vào vị trí này hay không. Vì vậy, các chủ đề liên quan đặc quyền, lợi ích thậm chí sẽ không được bàn đến nếu bạn không vượt qua vòng đầu tiên này.

Câu hỏi về phúc lợi khi làm việc cần được đưa ra khéo léo, đúng thời điểm để tránh phản tác dụng. Ảnh: Freepik.

“Tôi là người có động lực và tự bắt đầu mọi thứ”

“Tôi nghe rất nhiều ứng viên nói điều này khi trả lời các câu hỏi về thế mạnh chuyên môn hoặc điểm đặc biệt của họ. Tuy nhiên, câu trả lời này được sử dụng nhiều đến mức hầu hết nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên giải thích kỹ hơn vì nó quá chung chung”, O’Donnel tiết lộ.

Theo bà, tình huống xấu có thể xảy ra đó là sau khi chia sẻ cặn kẽ, họ không ấn tượng với những gì bạn nói bởi nhà tuyển dụng đã nghe quá nhiều lần.

Tự tin với khả năng của mình là điều rất tốt nhưng O’Donnel khuyên chúng ta nên nói về những điều cụ thể hơn. Chẳng hạn, “tôi không ngại đi đầu trong các dự án khó và có thể tự làm chủ những công việc với rất ít hướng dẫn”. Theo sau đó, bạn nên ví dụ về những thành công mà mình đã làm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/6-dieu-khong-nen-noi-khi-phong-van-xin-viec-post1164814.html