6 điều cần nhớ khi bất đồng ý kiến với đồng nghiệp

Trong môi trường làm việc tập thể với nhiều thành viên có cá tính, hoàn cảnh sống và thế giới quan khác nhau, không thể tránh khỏi những trường hợp bất đồng quan điểm.

Giữa các đồng nghiệp trong công ty cũng vậy, khi xảy ra những trường hợp bất đồng ý kiến, nếu không thể giải quyết câu chuyện một cách thông minh, bạn có thể sẽ khiến cuộc tranh luận trở thành một cuộc tranh cãi gây mất đoàn kết, giảm năng suất lao động, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làm việc chung của tập thể. Tùy vào thực tế, mỗi cá nhân có một cách giải quyết khác nhau, tuy nhiên, vẫn cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Mời bạn cùng tham khảo một số gợi ý từ Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink sau đây nhé!

Xem thêm các việc làm được cập nhật mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM

Đừng quả quyết rằng bản thân đúng tuyệt đối

Trong cuộc sống, không ai là người luôn luôn đúng cả, “Mr. Right” không phải lúc nào cũng xuất hiện, vậy nên, đừng cố chắc chắn đúng nếu chưa có sự kiểm chứng thực tế. Việc quá chủ quan với ý kiến bản thân có thể khiến bạn trở thành một người cố chấp trong mắt đồng nghiệp và nhà quản lý, dần dần thói quen ấy sẽ hình thành nên tính bảo thủ, khiến bạn không thể tiến bộ trong công việc, vuột mất nhiều cơ hội thăng tiến và ảnh hưởng đến cả cuộc sống ngày thường của bạn.

Đặt bản thân vào hoàn cảnh của đồng nghiệp

Những ý kiến trái chiều giữa các đồng nghiệp đôi khi không phải do vấn đề đúng sai mà do chịu ảnh hưởng của các yếu tố mang tính chủ quan, chẳng hạn như khi bạn và ai đó đứng về hai phía của một con số, bạn bảo rằng đó là số “6” nhưng dưới góc nhìn của đối phương, nó lại là số “9”. Vậy nên, khi có sự bất đồng ý kiến, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương, xem xét câu chuyện dưới góc nhìn của họ để hiểu và cảm thông cho họ. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu là họ, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề như thế nào, và nếu bạn có cùng cách giải quyết như đối phương, thì cuộc tranh luận đã đến lúc kết thúc rồi đấy. Trường hợp khác, dù bạn có cùng hoàn cảnh như họ, nhưng bạn lại suy nghĩ khác hơn, lúc ấy hãy nói cho họ những gì mà bạn đang nghĩ, đôi khi đó lại là một giải pháp cho đồng nghiệp của bạn.

Hãy cho đồng nghiệp có thời gian trình bày quan điểm

Hãy dành thời gian lắng nghe những gì đồng nghiệp bạn chia sẻ, có như vậy bạn mới biết được lí do họ đưa ra quan điểm, đồng thời thông qua đó hiểu hơn về tính cách và cách suy nghĩ của họ. Bên cạnh đó, lắng nghe còn là một kỹ năng cần thiết của mọi cá nhân nói chung và nhân viên trong doanh nghiệp nói riêng, nó thể hiện sự tôn trọng đối với đối phương, tôn trọng câu chuyện hay nói khác hơn là thể hiện rằng bạn mong muốn tìm được kết quả tốt nhất sau cuộc tranh luận thay vì chỉ để chứng minh ý kiến của mình là đúng.

Dám thừa nhận sai lầm

Đừng xấu hổ khi phải thừa nhận trong trường hợp này, đồng nghiệp của bạn đã đúng. Hãy cho đối phương biết, bạn đã nhận ra chỗ sai của mình và thay đổi nó theo hướng hoàn thiện hơn. Việc dũng cảm thừa nhận sai lầm sẽ tạo dựng hình ảnh một nhân viên có ý chí cầu tiến trong công việc, ham học hỏi và chịu tiếp thu ý kiến đóng góp của người xung quanh. Có như vậy, bạn mới có nhiều cơ hội tiếp xúc và trao đổi ý kiến với họ về sau này, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn trong công sở, tăng năng suất lao động cho cả tập thể.

Mọi lý lẽ đều cần dẫn chứng thuyết phục

Đừng đưa ra quá nhiều lý lẽ trong một cuộc tranh luận, thay vào đó hãy tìm những dẫn chứng thực tế cho từng lý lẽ ấy, đó có thể là những con số thống kê hoặc những trường hợp tương tự mà bạn và đối phương đều biết. Điều đó sẽ khiến ý kiến của bạn trở nên đáng tin cậy hơn, tăng sức thuyết phục đối với đồng nghiệp của bạn. Thói quen “Nói có sách, mách có chứng” để trả lời cho những câu hỏi như “Bằng chứng đâu?” là điều cần thiết không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống, nó khiến các lập luận trong giao tiếp của bạn trở nên chặt chẽ hơn song song với việc tạo dựng thương hiệu uy tín cho bản thân đối với khách hàng, đồng nghiệp và nhà quản lý.

Không mang câu chuyện kể cho người thứ ba

Trong bất kỳ trường hợp nào kể cả trong công sở, không nên để câu chuyện riêng giữa bạn và một ai đó trở thành đề tài bàn luận của người khác, đặc biệt là người chưa biết hay chưa hiểu rõ câu chuyện. Việc bạn kể cho người thứ ba nghe về cuộc tranh luận, dù là tường thuật với hình thức nào đi chăng nữa thì vẫn sẽ mang tính chủ quan bới lẽ đó là câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, bạn sẽ vẫn nhận về một ý kiến tương tự dưới góc nhìn của chính bạn, dĩ nhiên, nó cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho việc cải thiện bất đồng giữa bạn và đồng nghiệp. Hơn thế nữa, nếu câu chuyện bị “biên soạn” lại với nhiều dị bản được kể lại với người đồng nghiệp của bạn, nó sẽ khiến mối quan hệ công sở của bạn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Tóm lại, việc bất đồng quan điểm giữa các đồng nghiệp với nhau trong suốt quá trình làm việc là điều khó tránh khỏi. Để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp xung quanh đồng thời tránh ảnh hưởng đến hiệu quả công việc của tập thể, hãy luôn giải quyết vấn đề một cách khéo léo, bảo vệ quan điểm của bản thân nhưng đồng thời vẫn tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp khác.

Tuyết Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/6-dieu-can-nho-khi-bat-dong-y-kien-voi-dong-nghiep/