6 điểm sáng tích cực của ngành nông nghiệp trong năm 2019

Ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến 2019 trở thành một trong những năm nhiều khó khăn nhất của ngành nông nghiệp. Dù vậy, khách quan nhìn nhận trong năm qua, ngành nông nghiệp cũng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện nỗ lực lớn của toàn ngành.

Tại cuộc họp báo tổ chức cuối giờ chiều 7/1, đại diện Bộ NN&PTNT đã thông tin về một số kết quả trong năm qua của ngành.

 Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu được sữa sang Trung Quốc

Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu được sữa sang Trung Quốc

Phải nhắc tới đầu tiên là công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng. Số DN được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út. 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới (thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc...).

Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, nhưng tổngkim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41,3 tỷ USD tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.

Thứ hai, Bộ NN&PTNT đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) được phổ biến nhân rộng. Năm 2019, diện tích được chứng nhận VietGAP là 39.300ha. Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi.

Năm 2019, cả nước đã thành lập mới được 6 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 1.455 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 15.434 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, có 72,89% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%). Năm 2019, số doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23%.

Nông nghiệp tiếp tục thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp

Thứ ba, Bộ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ở ba trục sản phẩm. Ở cấp quốc gia, đến nay đã có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); 8 khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án.

Cấp địa phương, căn cứ các tiêu chí quy định, cả nước đã có 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối; có 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư đã được UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thành lập; và 45 Doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao.

Thứ tư, Bộ NN&PTNT đã chủ động, quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Nhờ đó, đã phát huy hiệu quả, dịch bệnh có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm. Nhiều địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì sản xuất chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn sinh học, chuyển đổi gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn đáp ứng thực phẩm thay thế thịt lợn, nhất là dịp tết Nguyên đán Canh Tý tới... Nhờ vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả)...

Thiệt hại về người và tài sản trong năm 2019 đã giảm đáng kể so với năm 2018

Thứ năm, Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã về đích sớm trước một năm rưỡi. Đến hết năm 2019, cả nước có trên 4.806 xã (54%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020).

Có 8 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. 94% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 2% so với năm 2018, tăng 8% so với năm 2015), vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020.

Và cuối cùng, công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019, thiệt hại cả về người và kinh tế đã giảm rất nhiều so với năm 2018. Cụ thể, số người chết và mất tích là 130 người (năm 2018: 224 người). Thiệt hại về kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng (năm 2018 là 20.000 tỷ đồng).

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/6-diem-sang-tich-cuc-cua-nganh-nong-nghiep-trong-nam-2019-362003.html