6 cô gái tài năng, nổi bật năm 2020

Năm 2020, nhiều câu chuyện sống đẹp, truyền đi năng lượng tích cực được lan tỏa trong cộng đồng. Những người viết nên chúng đang ở độ tuổi còn rất trẻ.

Nguyễn Đỗ Trúc Phương (26 tuổi, TP.HCM) được nhiều người biết tới khi đứng ra kêu gọi ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn khắp thành phố. Vừa qua, Phương kêu gọi được 67 triệu đồng để giúp chú Minh “cô đơn”, hiệp sĩ của làng đại học, mua lại xe ba gác mới sau khi bị mất cắp. Tháng 8, Phương giúp anh Hải, lái xe ôm ở huyện Bình Chánh, mua chiếc xe mới để mưu sinh. Cô cũng đứng ra kêu gọi được hàng trăm triệu đồng giúp anh Tâm - người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ mang cắn - có tiền điều trị, giữ lại được chân. Ảnh: Đào Phương.

 Chia sẻ với Zing, Phương cho biết cô gắn bó với việc thiện nguyện từ thời còn đi học. Hiện tại, với sự lan tỏa trên mạng xã hội, Phương ngày càng được nhiều mạnh thường quân biết tới và tin tưởng, nhờ cậy giúp đỡ. Vừa quản lý công việc kinh doanh gia đình, vừa làm mẫu ảnh, Phương khá bận rộn. Tuy nhiên, cô đều dành 2-3 tiếng mỗi ngày cho việc sàng lọc thông tin, trả lời tin nhắn, kêu gọi mọi người ủng hộ. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với Zing, Phương cho biết cô gắn bó với việc thiện nguyện từ thời còn đi học. Hiện tại, với sự lan tỏa trên mạng xã hội, Phương ngày càng được nhiều mạnh thường quân biết tới và tin tưởng, nhờ cậy giúp đỡ. Vừa quản lý công việc kinh doanh gia đình, vừa làm mẫu ảnh, Phương khá bận rộn. Tuy nhiên, cô đều dành 2-3 tiếng mỗi ngày cho việc sàng lọc thông tin, trả lời tin nhắn, kêu gọi mọi người ủng hộ. Ảnh: NVCC.

Vượt qua 3 nam sinh tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20, Nguyễn Thị Thu Hằng (sinh năm 2004) - đại diện THPT Kim Sơn A, Ninh Bình - giành vòng nguyệt quế với 235 điểm. Cô là nhà vô địch đầu tiên đến từ tỉnh Ninh Bình. Thu Hằng cũng là nữ sinh vô địch Olympia sau 9 năm các nam sinh thống trị vòng nguyệt quế. Ảnh: Quỳnh Trang.

Từ năm lớp 10, Thu Hằng đã phát huy khả năng học tập khi đoạt giải 3 cấp tỉnh về nghiên cứu khoa học, giải 3 cấp huyện môn Tin học trẻ. Nữ sinh giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là Sinh học và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh của trường. Cô luôn đạt giải cao trong các kỳ thi và có thành tích đứng đầu đội tuyển trường. Từng chia sẻ với Zing, Thu Hằng tiết lộ trong tương lai, cô muốn học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực Sinh học. Ảnh: Quỳnh Trang.

Vũ Thị Hương Giang (sinh năm 1999, Ninh Bình) sinh ra với đôi chân không thể đi lại bình thường. Suốt 18 năm đầu đời, cô phải đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ chạy chữa. Năm lớp 12, phần vì nghe lời khuyên từ bố mẹ, phần muốn tự tìm ra phương pháp điều trị đôi chân, cô quyết định thi khối B và đỗ ngành Y tế dự phòng của ĐH Y Hà Nội. Trong quá trình học tập, Giang gặp không ít khó khăn bởi hầu hết môn học ở trường đều có khối lượng kiến thức khá nặng và yêu cầu sinh viên đến bệnh viện thực hành ngay sau khi học lý thuyết. Ảnh: Ngọc Ánh.

Vượt qua mọi thách thức, từ năm nhất đại học, Giang đã đi làm gia sư để tự trang trải sinh hoạt phí. 6 học kỳ qua, cô gái Ninh Bình luôn đạt điểm tổng kết trên 7, một kỳ giành học bổng của trường. “Mình tin rằng mỗi người sinh ra đều mang một sứ mệnh và tỏa sáng theo nhiều cách khác nhau. Sau khi tốt nghiệp, ngoài công việc đúng chuyên ngành, mình hy vọng có thể trở thành diễn giả, đến nhiều nơi truyền cảm hứng và năng lượng tích cực cho mọi người”, Giang nói với Zing. Ảnh: Ngọc Ánh, NVCC.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội, Phương Thảo (sinh năm 1997, Lào Cai) viết đơn xin công tác ở một trường mầm non biên giới huyện Phong Thổ (Lai Châu), cách nhà cô khoảng 130 km. Gần 2 năm qua, con đường dốc thẳng đứng, có nhiều góc cua ngoằn ngoèo đã trở nên quen thuộc với cô giáo trẻ. Những hôm trời mưa, đường trơn, Thảo phải dắt bộ hàng cây số mới có thể tới trường. Ảnh: NVCC.

Công tác được hơn 1 năm, Thảo chủ động xin đi dạy ở điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất của xã Mù Sang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), nằm cheo leo trên đỉnh núi vùng đồng bào dân tộc H'Mông. Năm nay, Thảo chuyển công tác sang điểm trung tâm của trường Mầm non Sin Suối Hồ. Không chỉ làm tốt việc chăm sóc trẻ, Thảo còn gần gũi với đồng bào địa phương và thường xuyên đến từng nhà để vận động các em nhỏ tới lớp. Ảnh: NVCC.

Tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới Đặng Trần Thủy Tiên (sinh năm 2000, Hải Phòng) - sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội - trong toàn văn phát biểu của mình. Tiên phát hiện mắc ung thư vú từ tháng 6/2019. Sau hơn một năm điều trị tại Bệnh viện K, cô gái 20 tuổi vừa thông báo khỏi bệnh vào đầu tháng 11. Thủ tướng cho hay khi đọc được thông tin này, ông rất xúc động và nói rằng câu chuyện nữ sinh được chữa khỏi bệnh ung thư đã truyền cảm hứng đến nhiều người. Ảnh: NVCC.

Cách đây 1 năm, khi câu chuyện về Đặng Trần Thủy Tiên được dư luận quan tâm và chia sẻ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng gửi bó hoa cùng lá thư động viên tới nữ sinh này. Tại cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương 2019, Tiên được trao danh hiệu “Miss truyền cảm hứng” với câu chuyện chạm đến trái tim nhiều người. Hơn 1 năm qua, bên cạnh việc tham gia các hoạt động thiện nguyện, truyền cảm hứng cho các bệnh nhân ung thư khác, Tiên cũng thử sức làm mẫu ảnh, học đàn guitar để có thêm niềm vui trong cuộc sống. Ảnh: Hải Nam.

Tháng 3, Linn Nguyễn (sinh năm 1992) - PT, Influencer nổi tiếng ở TP.HCM - quyết định cắt mái tóc nuôi 7 năm để hiến tặng cho bệnh nhân ung thư. Sau khi cắt, 40 cm tóc được cô chuyển cho hiệp hội Wigs for Kids tại Mỹ. Chia sẻ với Zing, Linn cho hay cô được truyền cảm hứng từ mẹ và luôn tự nhủ phải chăm sóc mái tóc thật tốt để có thể hiến cho những người kém may mắn. Hiến tóc là hoạt động còn xa lạ ở Việt Nam, dù đã phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Bởi vậy, Linn hy vọng hành động của mình có thể lan tỏa đến mọi người. Ảnh: NVCC.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/6-co-gai-tai-nang-noi-bat-nam-2020-post1166109.html