6 chính sách sửa Luật Thanh tra trước yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra

Năm 2020 là năm thứ 10 thực hiện Luật Thanh tra năm 2010. Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh về những chính sách sửa Luật Thanh tra trước yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh

Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực ngày 1/7/2011. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, giúp các cơ quan Thanh tra triển khai thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm, góp phần giữ vững trật tự, kỷ cương, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao quả quản lý Nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra.

Thứ nhất,tổ chức, bộ máy các cơ quan Thanh tra Nhà nước hiện nay hết sức dàn trải, phân tán và thiếu tính thống nhất.

Thứ hai, tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra các Bộ, ngành chưa phù hợp với đặc điểm của từng Bộ, ngành; chưa phân biệt rõ giữa thanh tra theo lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành) với thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ (thanh tra hành chính); giữa thanh tra và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Thứ ba,hoạt động của các cơ quan thanh tra còn chồng chéo, tình trạng phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra diễn ra khá phổ biến.

Thứ tư,trình tự, thủ tục thanh tra chưa phù hợp với thực tiễn,các cuộc thanh tra quá thời hạn diễn ra ở nhiều cơ quan Thanh tra.

Thứ năm, việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Việc sửa đổi Luật Thanh tra là cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra Nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay.

Luật Thanh tra sẽ được sửa đổi với 6 chính sách cụ thể sau:

Một là, hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Thanh tra Nhà nước theo cấp hành chính.

Cơ quan Thanh tra Nhà nước sẽ được tổ chức tinh gọn, tập trung ở hai cấp hành chính, tại Trung ương và cấp tỉnh. Tập trung thanh tra trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; Thanh tra Chính phủ là cơ quan cao nhất thực hiện việc quản lý đội ngũ lãnh đạo, công chức các cơ quan thanh tra thông qua công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh, tiêu chuẩn ngạch bậc thanh tra viên, thực hiện đào tạo, luân chuyển trong hệ thống các cơ quan thanh tra, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra.

Hai là, đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra các bộ, ngành; tổ chức cơ quan thanh tra phù hợp với đặc điểm của từng bộ, ngành; phân biệt rõ giữa thanh tra theo lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành) với thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ (thanh tra hành chính); giữa thanh tra và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Mục tiêu: Tổ chức cơ quan Thanh tra Bộ, ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ, ngành nhưng bảo đảm thu gọn đầu mối, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính;xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra có tính chuyên nghiệp và hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước.

Quy định trách nhiệm tổ chức hoạt động thanh tra cho các Bộ, ngành căn cứ vào đặc điểm của công tác quản lý trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng xác định rõ tổ chức thanh tra bộ, ngành phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu quản lý Nhà nước. Xác định rõ phạm vi thanh tra để phân biệt với hoạt động kiểm tra thường xuyên, giảm thiểu sự chồng chéo, trùng lặp.

Ba là, đổi mới hoạt động thanh tratheo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo; nâng cao trách nhiệm của đoàn thanh tra và chất lượng của kết luận thanh tra.

Việc này giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của các cuộc thanh tra; chủ động tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; nâng cao trách nhiệm của đoàn thanh tra và chất lượng của kết luận thanh tra.

Việc đổi mới quy định về việc xây dựng định hướng và kế hoạch thanh tra một cách khoa học; tổ chức và hoạt động của các đoàn thanh tra hợp lý bảo đảm tính chủ động của đoàn thanh tra và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thanh tra cũng; các quy định bảo đảm cho kết luận thanh tra được chính xác, có tính khả thi.

Trưởng đoàn thanh tra chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan thanh tra và trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, đầy đủ về các nội dung thanh tra. Kết luận thanh tra do thủ trưởng cơ quan thanh tra ký ban hành sau khi có ý kiến của tập thể lãnh đạo cơ quan thanh tra.

Thời gian kết luận thanh tra từ khi có báo cáo kết quả thanh tra có sự khác nhau giữa các cơ quan thanh tra và điều chỉnh kéo dài hơn đối với một số trường hợp cho phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, quy định thời gian ban hành kết luận thanh tra giống nhau đối với mọi cuộc thanh tra là chưa phù hợp với thực tế.

Quy định về việc ban hành kết luận thanh tra, trong đó một cuộc thanh tra thể có nhiều kết luận theo nguyên tắc “rõ đến đâu thì kết luận, xử lý đến đó; việc sửa đổi kết luận thanh tra trong trường hợp rõ ràng có sai sót; căn cứ và thủ tục đình chỉ hoặc tạm đình chỉ cuộc thanh tra trong trường hợp cần thiết bởi những yếu tố chủ quan và khách quan; trách nhiệm của tổ chức cá nhân thực hiện yêu cầu giám định của cơ quan thanh tra, bảo đảm tiến độ và kết luận thanh tra... Đồng thời, quy định rõ kết luận thanh tra phải đánh giá cơ chế, chính sách được thanh tra; xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân và cơ sở pháp lý để xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bốn là, đổi mới cơ chế giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, tránh lạm quyền gây khó khăn phiền hà cho tổ chức cá nhân là đối tượng thanh tra.

Đổi mới giúp tăng cường kiểm soát của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra với trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra, tránh việc lạm quyền trong quá trình thanh tra, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra khi thực hiện quyền thanh tra như một số vụ việc đã xảy ra thời gian qua.

Qua việc giám sát và kiểm tra của người ra quyết định thanh tra với trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra, tránh việc lạm quyền trong quá trình thanh tra; làm rõ trình tự, thủ tục giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Năm là, bảo đảm hiệu lực thực hiện các kết luận thanh tra; chú trọng việc thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật qua hoạt động thanh tra.

Bảo đảm hiệu lực kết luận thanh tra chính là làm rõ trình tự, thủ tục theo dõi, đôn đốc xử lý các kết luận, kiến nghị thanh tra sau khi kết luận thanh tra được thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức cá nhân có trách nhiệm thi hành. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Quy định các chế tài đối với tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản đã bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật và xử lý người có hành vi vi phạm.

Sáu là, phân biệt rõ tổ chức và hoạt động của cơ quan Thanh tra Nhà nướcvới tổ chức và hoạt động giám sát của nhân dân thông qua các Ban thanh tra nhân dân.

Làm rõ sự khác nhau về bản chất hoạt động của cơ quan thanh tra mang tính quyền lực Nhà nước với hoạt động giám sát của nhân dân được thực hiện bởi các Ban thanh tra nhân dân. Tách nội dung về thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra.

Luật Thanh tra mới không có nội dung về thanh tra nhân dân nhưng có khẳng định các quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra nhân dân hiện hành (tại Luật Thanh tra 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành) vẫn có hiệu lực đến khi được điều chỉnh trong đạo luật về thanh tra nhân dân hoặc Thanh tra Chính phủ sẽ trình đồng thời dự thảo Luật về Thanh tra nhân dân để Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội và giao cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chủ trì soạn thảo trình Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất.

TS Nguyễn Văn Thanh

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/6-chinh-sach-sua-luat-thanh-tra-truoc-yeu-cau-nang-cao-hieu-luc-hieu-qua-thanh-tra_t114c1160n159493