6 cách hiệu quả để bảo vệ bản thân khi vào bệnh viện

Bệnh viện có rất nhiều 'ổ' vi khuẩn là nơi lây nhiễm nghiêm trọng mà bạn không ngờ đến.

Rèm che giường bệnh

Các nghiên cứu từ nước ngoài đã phát hiện ra rằng rèm che kín xung quanh giường bệnh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn vi trùng, trong đó có loại vi khuẩn Methicillin Resistant Staphylococcus Aureus (MRSA) được gọi là siêu vi khuẩn. Chúng ta cũng cần nhanh chóng rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với những chiếc rèm này.

Trang mạng nước ngoài Live Science đưa tin rằng, một nghiên cứu ở Canada kiểm tra 10 tấm rèm ở bệnh viện mới được giặt sạch, trong đó có 8 chiếc ở khu có bệnh nhân và 2 chiếc ở cách xa khu bệnh nhân, với tiền đề rằng không một bệnh nhân nào trong khu bệnh mang siêu vi khuẩn.

Sau 3 tuần theo dõi liên tục, họ phát hiện ra rằng đến ngày thứ 3 thì vi sinh vật bắt đầu tăng lên, đến ngày thứ 14 thì 5 trong 8 chiếc rèm lấy từ khu có bệnh nhân đã bắt đầu dương tính với siêu vi khuẩn, thậm chí gây nguy cơ tử vong đối với nhóm người có hệ miễn dịch suy giảm. Trong tuần thứ 3, tất cả 8 chiếc rèm đó đều có chứa siêu vi khuẩn và mức độ lây lan còn cao hơn nhiều so với trước đó. Ngược lại 2 chiếc rèm lấy từ khu cách xa bệnh nhân vẫn sạch sẽ nguyên vẹn.

Các nghiên cứu từ nước ngoài đã phát hiện ra rằng rèm che kín xung quanh giường bệnh là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn vi trùng.

Các nghiên cứu viên đã chỉ ra rằng, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều là nhóm người thường xuyên tiếp xúc với những tấm rèm này. Nhưng những vật dụng này lại rất hiếm khi được làm sạch sẽ hoặc được thay thế. Điều này khiến những tấm rèm vô hình trở thành môi trường lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Do đó mọi người cần chú ý rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với những tấm rèm trong bệnh viện.

Thực tế không chỉ những chiếc rèm này, mà bản thân bệnh viện cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loại siêu vi khuẩn. Các chuyên gia nghiên cứu cũng khuyên rằng, bệnh viện không giống với siêu thị hay cửa hàng bách hóa, trong bệnh viện có chứa đầy rẫy những mối nguy hiểm vô hình do đó không nên đến bệnh viện nếu không thực sự cần thiết.

Bệnh viện là nơi ẩn chứa đầy rẫy các mối nguy hiểm vô hình.

Vi khuẩn MRSA nguy hiểm như thế nào?

MRSA là siêu vi khuẩn - mầm bệnh phổ biến nhất tại bệnh viện mà hầu hết các loại thuốc kháng sinh đều không có tác dụng chống lại nó. Chỉ có một số rất ít kháng sinh có tác dụng với loại siêu vi khuẩn này, nhưng cũng vô cùng đắt đỏ, có nhiều tác dụng phụ gây khó khăn trong việc điều trị đồng thời cũng làm tăng nguy cơ tử vong.

Làm thế nào để cải thiện môi trường vệ sinh trong bệnh viện, ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn MRSA, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn tránh nguy cơ lây nhiễm quy mô lớn trong bệnh viện và ngoài cộng đồng là điều cực kỳ quan trọng. Những người có sức khỏe bình thường khi vào bệnh viện cần hết sức cẩn thận để không lây nhiễm hoặc vô tình đem mầm bệnh về nhà.

Bạn có thể tham khảo 6 cách hiệu quả dưới đây để tự bảo vệ mình khi vào bệnh viện

1. Cố gắng không chạm hoặc dựa vào tường, không vịn tay vào bất kỳ đồ vật nào trong bệnh viện kể cả đồng phục của các nhân viên y tế.

2. Đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm đường hô hấp và giọt bắn.

3. Rửa tay thường xuyên đặc biệt trước và sau khi ăn.

4. Tránh dụi mắt, ngoáy mũi vì các mô niêm mạc là nơi rất dễ nhiễm trùng.

5. Nếu có vết thương hở trên bề mặt da, tốt nhất bạn nên băng bó lại trước khi đến bệnh viện để tránh vi khuẩn xâm nhập dễ dàng.

6. Hãy tắm rửa toàn thân và thay quần áo ngay lập tức sau khi từ bệnh viện về nhà.

Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý rằng thang máy là nơi có không gian chật hẹp, rất dễ lây nhiễm mầm bệnh, do đó tốt nhất bạn nên đeo khẩu trang và tránh nói chuyện trong thang máy. Nếu bạn gặp người ho mà không đeo khẩu trang, hãy nín thở và lấy khăn tay che mũi, miệng để tránh nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.

Bạn cũng cần nắm được kỹ năng bấm thang máy trong bệnh viện, không được dùng ngón tay sờ trực tiếp vào nút bấm thang máy. Nếu ngón tay của bạn vô tình nhiễm vi khuẩn, thì chúng sẽ dễ dàng phát tán khắp nơi, có thể theo bạn về nhà và lây bệnh cho mọi người. Bạn có thể sử dụng các phương pháp sau để sử dụng thang máy:

1. Sử dụng đầu bút để bấm thang máy, sau đó rút đầu bút đi sau khi bấm.

2. Nếu gặp loại nút bấm cảm ứng, bạn có thể sử dụng các kim loại dẫn điện như chìa khóa để tiếp xúc gián tiếp, hoặc chạm bằng khớp ngón tay thay vì chạm trực tiếp.

Nguồn: Theo Aboluowang, Sohu

Phượng Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/6-cach-hieu-qua-de-bao-ve-ban-than-khi-vao-benh-vien-22202013920203509.htm