6 cách giúp phụ nữ bảo vệ mình khi bị chồng bạo lực

Nhẫn nhịn, dung túng không khiến bạo lực gia đình (BLGĐ) giảm nhẹ mà càng khiến nó leo thang nguy hiểm, có thi thành án mạng. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn chưa có kỹ năng thoát hiểm khi bị chồng đánh.

Nhẫn nhịn là chết

Rạng sáng 20.10, tại bản Đài Van, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) xảy ra vụ việc chồng đi uống rượu về đã bất ngờ dùng dao chém vợ và con trai gây thương tích nặng. Nạn nhân là chị Trương Thị Múi (36 tuổi) và con trai là Tằng Coỏng Sinh (10 tuổi). Trước đó, ngày 16.10, đối tượng A Siên (trú tại Đăk Lanh, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) về nhà khi đã say rượu, vợ chồng mâu thuẫn nên A Siên đã dùng khúc gỗ đánh vợ là Y Đum tử vong.

Mẹ con chị Trương Thị Múi điều trị tại bệnh viện sau khi bị chồng - cha chém. Ảnh: D.T

Để hạn chế BLGĐ tiếp diễn, bạn cần hiểu việc nói ra khả năng bị bạo lực với những người xung quanh không phải là một việc làm xấu hổ mà là một việc làm khôn ngoan để tự cứu mình. Phụ nữ nên ghi nhớ rằng hành vi bạo lực rất có khả năng sẽ lặp lại, thậm chí có thể diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.

(theo CSAGA)

Những vụ việc vợ bị chồng đánh đến tử vong hoặc thương tích nặng vẫn xảy ra hàng ngày. Khó hiểu là những người phụ nữ này đều đã bị chồng đánh trong thời gian dài, mức độ đánh đập tàn nhẫn, ngày càng gia tăng, tuy nhiên họ vẫn không tìm cách né tránh hoặc giải thoát mình khỏi người chồng bạo lực.

Theo các chuyên gia về BLGĐ, nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ nhẫn nhịn hoặc buộc phải nhẫn nhịn là vì không tìm được sự trợ giúp gia đình, chính quyền hoặc trợ giúp nửa vời, chính quyền vừa quay lưng đi người chồng lại đánh dữ dội hơn. Ngoài ra nhiều chị sợ bỏ chồng sẽ tai tiếng, sợ ảnh hưởng đến các con, sợ không có nhà để ở... Không ít phụ nữ đổ tội chồng bạo lực là “do rượu, chứ lúc anh ấy tỉnh táo cũng thương vợ con lắm”.

Trường hợp chị L.T.T (32 tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) từng bị chồng dùng dao chém thương nặng ở đầu, mặt, tay, phải đi cấp cứu khâu hàng chục mũi. Mấy ngón tay chị cũng bị chồng chém đứt lìa, các bác sĩ phải phẫu thuật nối lại.

Người nhà cho biết, chị T lập gia đình 10 năm nhưng chưa ngày nào hạnh phúc. Chồng cờ bạc nên bao nhiêu tiền vợ chồng lao động được đều nướng cho trò đỏ đen. Thi thoảng chồng lại đánh chị T dã man, có lần chị ngất xỉu phải đi cấp cứu. Tuy nhiên chị T vẫn nhẫn nhịn vì nghĩ đến con.

Chạy trốn và hét to

Theo bà Nguyễn Thu Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), có ba thời điểm được cho là phụ nữ có nguy cơ cao bị bạo hành: Giai đoạn chờ ly hôn, sau khi chia sẻ câu chuyện bị bạo lực của mình với người thân, cộng đồng và sau khi được hòa giải.

Khi đó, chị em luôn phải nhận định được tính chất hung bạo của chồng để có cách ứng phó. Không nên coi thường sự đe dọa của chồng, càng không nên thách thức anh ta đánh, giết mình khi anh ta lên cơn thịnh nộ.

Theo bà Thúy, để thoát khỏi BLGĐ, trước hết, chị em phải tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Chị em cần nói ra câu chuyện bạo lực với người thân, hàng xóm, cán bộ tại địa phương để được chia sẻ, tư vấn và hỗ trợ giải quyết; dặn hàng xóm một số dấu hiệu cho biết bạn đang bị bạo lực để họ sang can thiệp kịp thời. Ví dụ: Khi nào anh chị nghe thấy tiếng em kêu to “tôi có làm gì đâu” thì anh chị sang giúp em ngay...

Biện pháp 2 là nhận diện bạo lực và tránh đi. Chị em cần quan sát và nhận biết một số dấu hiệu cho thấy bạo lực sắp xảy ra và tìm cách tránh đi chỗ khác. Ví dụ: Khi thấy anh ấy nghiến chặt hàm lại thì tôi biết anh ấy đang lên cơn tức giận và sắp đánh tôi. Tôi phải tìm cách ra khỏi nhà hoặc tránh mặt anh ấy ngay lập tức.

Biện pháp 3 là tìm chỗ đứng an toàn. Chị em cần đứng gần cửa ra vào hay cửa ngách khi có tranh luận hay cãi cọ để dễ bề thoát hiểm. Không nên trốn vào những nơi chứa vật dụng có thể gây thương tích, ví dụ không nên trốn vào nhà bếp có dao, kéo…

Biện pháp 4 là chị em nghĩ trước những nơi có thể tạm lánh an toàn; gửi hàng xóm hoặc một người thân tin cậy các giấy tờ cá nhân quan trọng như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, một số quần áo tư trang và một ít tiền. Việc này giúp bạn có đủ giấy tờ và hành lý khi bạn muốn đi khỏi nhà và tạm lánh một thời gian.

Biện pháp 5 là xử lý tình huống khẩn cấp. Phát tín hiệu “cấp cứu” để các con bạn hoặc hàng xóm biết bạn đang bị bạo lực và hỗ trợ bạn kịp thời; gọi ngay các số điện thoại hỗ trợ hoặc gọi 113 trong trường hợp khẩn cấp.

Biện pháp 6 là bạn phải biết kiềm chế cơn nóng giận vì kiềm chế sự nóng giận có thể giúp bạn nói chuyện tỉnh táo, mạch lạc hơn, và góp phần hạn chế nguy cơ bị bạo lực. Khi thấy mình sắp nóng giận, bạn nên đi ra chỗ khác; hít thở sâu; đếm từ 1 đến 20; uống một cốc nước lạnh...

Diệu Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/xa-hoi/6-cach-giup-phu-nu-bao-ve-minh-khi-bi-chong-bao-luc-817008.html