6 bước trong lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân quai bị

Ngoài áp dụng các biện pháp điều trị hợp lý thì chăm sóc bệnh nhân quai bị đúng cách cũng có vai trò quan trọng đối với quá trình hồi phục của người bệnh. Chăm sóc bệnh nhân quai bị cần đảm bảo thực hiện toàn diện các nội dung bao gồm giảm nhẹ triệu chứng bệnh, dinh dưỡng đúng, đảm bảo vệ sinh, vận động đúng cách,...

Nội dung:

1. Giảm đau, hạ sốt cho bệnh nhân
2. Chế độ dinh dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân quai bị
3. Chế độ vệ sinh cho bệnh nhân quai bị
4. Chế độ vận động cho bệnh nhân mắc bệnh quai bị
5. Cách ly bệnh nhân quai bị đúng cách
6. Bệnh nhân quai bị khi nào cần nhập viện?

Quai bị là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy điều trị hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân quai bị đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự bình phục của bệnh nhân. Nhưng làm thế nào để lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đúng cách?

1. Giảm đau, hạ sốt cho bệnh nhân

Khi chăm sóc bệnh nhân quai bị, bạn cần biết rằng sốt và đau là những triệu chứng thường gặp nhất trên bệnh nhân và cũng là những triệu chứng trực quan, dễ nhận thấy và khiến bệnh nhân mệt mỏi. Do đó, người chăm sóc cần phải biết làm thế nào để giúp bệnh nhân giảm đau và hạ sốt đúng cách.

Đối với các bệnh nhân bị sốt và đau do quai bị, cần phải cho bệnh nhân nằm ở khu vực thoáng mát và nới lỏng bớt quần áo. Nếu đau và sốt chỉ ở mức độ nhẹ, có thể giúp bệnh nhân giảm đau và hạ sốt bằng các biện pháp vật lý không sử dụng thuốc như lau mát để hạ sốt, chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau,...

Tuy nhiên, khi đau và sốt vẫn ở mức cao và đáp ứng kém với các biện pháp vật lý thì nên sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt để giảm bớt triệu chứng cho người bệnh, các thuốc thường được chỉ định kể đến như paracetamol, ibuprofen,...

Cần giảm đau, hạ sốt bằng các biện pháp thích hợp khi chăm sóc bệnh nhân quai bị (Ảnh: Internet)

Cần giảm đau, hạ sốt bằng các biện pháp thích hợp khi chăm sóc bệnh nhân quai bị (Ảnh: Internet)

2. Chế độ dinh dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân quai bị

Nhìn chung, chế độ dinh dưỡng đối cho bệnh nhân quai bị trong quá trình chăm sóc người bệnh sẽ phụ thuộc nhiều vào thể bệnh mà người bệnh mắc phải.

Nếu bệnh nhân mắc bệnh quai bị thể viêm tuyến nước bọt mang tai, hoạt động ăn uống sẽ bị suy giảm do đau, sưng nề tuyến nước bọt, gia tăng sự bài tiết nước bọt khi ăn làm tăng đau,... Do đó, cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp. Các lưu ý về chế độ dinh dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân quai bị thể viêm tuyến nước bọt mang tai bao gồm:

- Cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn mềm, hoặc lỏng, hạn chế phải nhai trong quá trình ăn uống. Điều này sẽ giúp cho bệnh nhân bớt đau đớn và ăn uống dễ dàng hơn.

- Các loại thức ăn có tính kích thích như thức ăn có vị chua, cay,... nên hạn chế sử dụng cho bệnh nhân bởi sẽ làm tuyến nước bọt tăng tiết và dễ gây đau cho bệnh nhân.

Đồ cay có thể khiến bệnh nhân quai bị tăng đau hơn (Ảnh: Internet)

Còn đối với các thể bệnh quai bị khác như quai bị thể viêm tinh hoàn, viêm màng não,... hầu như không có quá nhiều lưu ý trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân quai bị tất cả các thể cũng cần đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng, đa dạng các nhóm dinh dưỡng, tăng cường bổ sung nước, các loại vitamin và muối khoáng để giúp bệnh nhân bình phục nhanh hơn.

3. Chế độ vệ sinh cho bệnh nhân quai bị

Nhiều quan niệm cũ cho rằng, bị bệnh quai bị thì bệnh nhân cần phải kiêng tắm, kiêng nước hoàn toàn. Tuy nhiên, đây thực sự là quan điểm rất sai lầm.

Khi mắc bệnh quai bị khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân bị tấn công và tổn thương. Việc kiêng tắm làm cho người bệnh không được vệ sinh đầy đủ, rất dễ gây nên tình trạng bội nhiễm làm cho bệnh trở nên nặng nề và phức tạp hơn.

Do đó, vệ sinh là một nội dung quan trọng cần chú ý trong chăm sóc bệnh nhân quai bị hàng ngày mà người thực hiện chăm sóc bệnh cần nhớ. Những điểm cần chú ý về vấn đề vệ sinh người bệnh quai bị kể đến như:

- Bệnh nhân cần được tắm rửa hàng ngày bằng nước sạch với nhiệt độ thích hợp (nên tránh tắm bằng nước lạnh vì dễ khiến cơn đau tăng lên).

- Thay quần áo hằng ngày cho bệnh nhân, quần áo sử dụng cần phải đảm bảo sự thoáng mát và thoải mái cho người bệnh.

- Đối với các bệnh nhân bị quai bị thể viêm tuyến nước bọt mang tai, bệnh nhân cần phải được vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, sử dụng các loại thuốc sát khuẩn để súc miệng theo đúng y lệnh của bác sĩ.

Trong chăm sóc bệnh nhân quai bị, phải đảm bảo vệ sinh cho bênh nhân bằng các biện pháp tắm rửa thường xuyên, súc miệng,... (Ảnh: Internet)

4. Chế độ vận động cho bệnh nhân mắc bệnh quai bị

Hầu như tất cả người bệnh quai bị đều được khuyến cáo nên hạn chế vận động để tránh các nguy cơ biến chứng do bệnh gây nên.

Đặc biệt, đối với các bệnh nhân bị quai bị thể viêm tinh hoàn nếu vận động nhiều trong thời gian tinh hoàn đang viêm thì rất dễ gây nên tình trạng tổn thương tinh hoàn, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau.

Do đó, đối với bệnh nhân mắc thể bệnh này ngoài việc được khuyến cáo hạn chế vận động thì bệnh nhân còn được khuyên nên sử dụng các loại quần lót ôm để giữ chặt tinh hoàn tránh gây tổn thương tinh hoàn trong quá trình vận động.

5. Cách ly bệnh nhân quai bị đúng cách

Chúng ta cần biết rằng, bệnh quai bị là bệnh do nguyên nhân virus gây nên, có thể lây lan dễ dàng từ người sang người, nhất là đối với những người chưa được tiêm chủng, chưa từng mắc bệnh,... Vì thế, thực hiện nghiêm túc các biện pháp cách ly người bệnh là điều quan trọng cần nhớ trong chăm sóc bệnh nhân quai bị.

- Người bệnh quai bị cần được nằm phòng riêng, thoáng mát có thể tận dụng ánh sáng mặt trời, cần được vệ sinh và sát trùng thường xuyên để tiêu diệt virus có trên bề mặt.

- Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần nghỉ học, nghỉ làm và không đến những nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

- Khi tiếp xúc với bệnh nhân, người chăm sóc trực tiếp cần đeo khẩu trang để phòng chống lây nhiễm bệnh qua các giọt bắn đường hô hấp mà người bệnh tiết ra khi nói chuyện, ho, hắt hơi,...

Đeo khẩu trang y tế khi chăm sóc bệnh nhân quai bị để tránh bị lây bệnh (Ảnh: Internet)

- Các vật dụng vệ sinh cá nhân của bệnh nhân cần được xử lý riêng, sát trùng đúng cách và không phơi phóng chung với các vật dụng khác.

- Nếu chưa được tiêm chủng hay chưa từng mắc bệnh quai bị, người chăm sóc bệnh nhân quai bị cần được tiêm phòng vaccine quai bị sớm trong 72 tiếng đồng hồ để tránh nguy cơ bị lây bệnh từ bệnh nhân.

6. Bệnh nhân quai bị khi nào cần nhập viện?

Nếu tình trạng bệnh của bệnh nhân không có các dấu hiệu nặng, không có các yếu tố nguy cơ cao thì bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị bệnh quai bị, theo dõi và tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, việc bệnh chuyển biến nặng là điều rất khó để dự đoán trước một cách chính xác hoàn toàn, và lúc này điều cần thiết là phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức để được xử trí và điều trị thích hợp, tránh các nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bệnh nhân quai bị nên được đưa đến bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu sau đây:

- Sốt cao liên tục, sốt cao khó hạ với thuốc hạ sốt và các biện pháp hạ sốt thông thường.

- Một bên hoặc hai bên tinh hoàn của bệnh nhân cảm thấy đau, da vùng bìu đỏ bóng, tinh hoàn sưng to,...

- Bệnh nhân đau đầu nhiều, rối loạn tri giác.

- Đau bụng, nôn mửa nhiều.

Trên đây là một số các hướng dẫn cơ bản cần nhớ khi chăm sóc bệnh nhân quai bị. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến điều trị và chăm sóc bệnh nhân quai bị, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được sự giải đáp chính xác và đầy đủ nhất.

QN

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/6-buoc-trong-lap-ke-hoach-cham-soc-benh-nhan-quai-bi-41202126513421323.htm