6 biểu hiện thể lực kém, cơ thể cần vận động

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người từ 18 - 64 tuổi cần 150 phút vận động thể chất với cường độ vừa phải hoặc 75 phút vận động cường độ mạnh hơn mỗi tuần.

Thể dục, vận động mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giúp hạ huyết áp cao, ngăn ngừa bệnh tim mạch, cải thiện suy nhược tinh thần, giảm đau do các bệnh mãn tính,…

Chạy bộ trên máy cũng giúp rèn luyện nhịp tim

Khi thể trạng không tốt, chúng ta cần xây dựng chế độ thể dục, vận động để tăng cường sức bền và sự khỏe mạnh của cơ thể. Nếu có các biểu hiện sau đây, có nghĩa là sức khỏe bạn đang không tốt và bạn cần vận động nhiều hơn.

1. Thở gấp với các hoạt động không đòi hỏi nhiều sức lực

Bạn cảm thấy tim đập nhanh sau khi bước lên vài bậc thang. Điều này có nghĩa là hệ tim mạch của bạn đang đòi hỏi cung cấp máu đến các cơ (trong đó có cơ tim). Sự gắng sức thể chất này cho thấy bạn hiện không khỏe mạnh.

Thông thường, hệ tim mạch của chúng ta thích ứng với các đòi hỏi thể lực tăng cường đặt lên nó. Người có sức khỏe tốt có khả năng duy trì nhịp hô hấp và nhịp tim gần về mức cơ bản, tức ít hơn 20 nhịp thở/ phút và nhịp tim ít hơn 100 lần/ phút.

Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tăng dần mức vận động thể chất mỗi ngày. Cụ thể, bạn có thể tăng mức độ thường xuyên và cự ly đi bộ mỗi ngày; sau đó áp dụng các hình thức rèn luyện tăng cường độ và nhịp tim theo thời gian. Bạn có thể cưỡi xe đạp, chạy bộ trên máy.

2. Đau lưng khi đứng thẳng

Bạn cảm thấy đau ở vùng lưng khi đứng xếp hàng chờ thanh toán ở siêu thị - đây là dấu hiệu cơ lưng và các bắp cơ lưng bị yếu.

Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tăng cường hoạt động cho vùng lưng và cánh tay, thực hiện động tác gập người hoặc tập động tác căng cơ tư thế rắn hổ mang (cobra position) trong yoga.

3. Cánh tay bị đau khi bắt, ném

Cảm thấy đau vùng cánh tay khi bắt hoặc ném (bóng), trong các môn thể thao là dấu hiệu các cơ này đang không khỏe mạnh nên khiến cử động của vùng vai bị giới hạn.

Do vậy, trước khi chơi thể thao hay vận động, bạn cần khởi động bằng động tác xoay vai, xoay nửa thân trên trong khoảng 30 - 60 giây.

4. Tim đập nhanh

Khi ngồi yên một chỗ, nếu nhịp tim nhanh bất thường thì có thể do lo lắng, ngủ không đủ giấc, ăn không ngon miệng,…

Khi sức khỏe kém, cơ thể phải hoạt động vất vả hơn để tạo ra sự lưu thông trong cơ thể, khiến tim đập nhanh hơn bình thường. Khi đó, bạn cần thường xuyên vận động, thể dục để giúp cải thiện nhịp tim nghỉ; tiến hành các bài tập rèn luyện nhịp tim ít nhất 2 - 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút. Có thể vận động tăng nhịp tim bằng cách tập aerobic, chạy bộ, cưỡi xe đạp,…

5. Thường xuyên bị chấn thương

Nếu bạn thường xuyên bị chấn thương ở vùng vai, đầu gối, lưng,… đây có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu sức lực, độ dẻo dai.

Bạn cần tăng cường vận động toàn thân bằng kế hoạch tập thể chất có tích hợp rèn luyện nhịp tim và sức mạnh. Tăng cường nhịp tim và tăng cường kích hoạt endorphin cho não qua luyện tập thể lực sẽ giúp bạn có năng lượng vận động, thêm sức mạnh và sức bền.

6. Đau kéo dài sau khi luyện tập thể chất

Sau khi vận động, cơ thể thường có cảm giác đau nhức, kéo dài trong khoảng thời gian từ 24 - 48 giờ vì thể dục tác động đến các mô cơ trong cơ thể; các cơ sau khi “bị xé toạt” sẽ tái tạo mạnh mẽ hơn. Nếu biểu hiện đau vẫn tồn tại sau 48 giờ tập luyện - điều này có nghĩa bạn đang luyện tập quá sức của cơ thể.

Tuy vậy, bạn không nên bỏ thể dục. Hãy bắt đầu lại bằng những bài tập nhẹ hơn, ít gây ra sự can thiệp mạnh vào các cơ; tập các bài căng cơ mỗi ngày hoặc tập với ống lăn foam roll từ 5 - 10 phút mỗi ngày.

Đức Hòa
(theo Men’s Health)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//yhocsuckhoe/2020/07/19/3a5091/