5GAT dễ ăn đạn nếu được dùng để tấn công

Theo The War Zone, trong trường hợp máy bay không người lái 5GAT được sử dụng cho nhiệm vụ tấn công, nguy cơ nó bị bắn hạ bởi Iran là rất lớn.

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa thực hiện chuyến bay thử đầu tiên với mục tiêu bay tàng hình - máy bay không người lái (UAV) 5GAT. Chuyến bay được thực hiện ở khu vực thử nghiệm Dugway ở Utah. Trước khi chính thức cất cánh, 5GAT đã nhiều lần thử nghiệm thành công trên mặt đất.

Chương trình phát triển phát triển mục tiêu bay chiến đấu thế hệ 5 đã được khởi động từ năm 2008. Một số dự án tiềm năng đã nhận được nguồn tài trợ từ Lầu Năm góc. Nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có dự án nào được hiện thực hóa thành các sản phẩm thực tế.

5GAT thực hiện chuyến bay đầu tiên.

5GAT thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Hiện mới chỉ có công ty quân sự Sierra Technical Services đã công bố nguyên mẫu đầu tiên với định danh 5GAT và phương án này đang được Không quân Mỹ cân nhắc sử dụng.

Nguyên mẫu mục tiêu bay 5GAT sử dụng nguyên tắc khí động cánh delta (tam giác) đơn giản. Mục tiêu bay này đã chứng minh đặc tính khí động học tối ưu trong bài thử nghiệm vừa qua.

Giáo sư Giáo sư Stephen Brand thuộc Học viện Kỹ thuật Không quân Mỹ cho biết, đội ngũ chuyên viên phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-22 Raptor đang tham gia giai đoạn hoàn thiện cuối cùng của mục tiêu bay 5GAT.

Thông số của 5GAT được công bố bao gồm: trọng lượng 4,4 tấn, sải cánh rộng 7,7m và tốc độ bay cận âm (Mach 0.95). Nó có thể bay lên độ cao 14km và thời gian bay đạt khoảng 90 phút.

Nhà sản xuất Sierra Technical Services đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm mặt đất của nguyên mẫu mục tiêu bay 5GAT và đã có chuyến bay thử thành công đầu tiên.

Theo yêu cầu của Không quân Mỹ, Sierra Technical Services sẽ phải chế tạo ít nhất 2 mẫu thử 5GAT để đánh giá và thử nghiệm. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, mục tiêu bay mới này sẽ sớm được đưa vào trang bị.

Dù mục đích phát triển 5GAT chỉ làm mục tiêu bay nhưng theo giới quân sự Mỹ, cũng giống như QF-16, rất có thể 5GAT còn có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công và trinh sát khi cần.

Với nguyên mẫu và trọng lượng được công bố, máy bay này có thể mang được khoảng 600kg vũ khí các loại trong nhiệm vụ tấn công. Đặc biệt, chiếc UAV cũng được phát triển kiểu module và có thể dễ dàng tích hợp thêm mấu treo vũ khí bên dưới thân.

Khi làm nhiệm vụ trinh sát, 5GAT có thể dễ dàng được tích hợp những hệ thống trinh sát tối tân không thua kém máy bay trinh sát chuyên dụng.

Với thiết kế áp dụng công nghệ tàng hình cùng khả năng hoạt động gần như không phát ra tiếng động, 5GAT có thể thực hiện những nhiệm vụ tấn công và do thám mà một số UAV khác không thể.

Mặc dù vậy, chuyên gia của tờ Air Recognition thừa nhận, trong trường hợp 5GAT được sử dụng vào nhiệm vụ tấn công và được điều đến Trung Đông, chiếc UAV này cũng sẽ không thể hiện được nhiều hơn chiếc MQ-9 Raaper - dòng máy bay tấn công không người lái mạnh nhất hiện nay của Mỹ từng bị Iran bắn hạ và áp chế nhiều lần.

Chỉ trong cuối năm 2019, đã có ít nhất 2 chiếc MQ-9 bị bắn hạ khi hoạt động trên chiến trường Libya. Cũng trong năm này, ít nhất 4 chiếc máy bay loại này bị Iran tấn công áp chế thành công khi hoạt động tại Iraq và Syria.

Hình ảnh về loạt bị hạ gục lần lượt đã được các bên công bố. Và trong tất cả những lần bị tấn công, Mỹ đều tuyên bố máy bay gặp các vấn đề về kỹ thuật chứ không liên quan gì đến việc bị bắn hạ.

Nguồn tin này cho rằng, nếu MQ-9 có thể dễ dàng bị bắn hạ và áp chế như vậy thì 5GAT có có thể tác chiến khi tiến hành các hoạt động tại Iran. Bởi trên thực tế, MQ-9 được sản xuất với những công nghệ tối tân hơn nhiều so với 5GAT.

Trong đó có radar AESA. Hệ thống radar này có mặt trên MQ-9 là giúp nó tránh phải những va trạm đường không, đây là một vấn đề lớn với các UAV khi nhà sản xuất muốn chúng hoạt động được trong khu vực dân sự mà vẫn tuân thủ quy định của quốc tế.

Không những vậy, radar AESA còn làm tăng sự nguy hiểm cho MQ-9 rất nhiều, điển hình là tăng cường khả năng tìm kiếm mục tiêu mặt đất, phát hiện các mối đe dọa trên không hay thậm chí là lần tìm hệ thống gây nhiễu của đối phương.

MQ-9 còn được trang bị thêm nhiều nanh vuốt mới gồm: tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tên lửa chống radar AGM-88 HARM.

Về lý thuyết, với gói trang bị này, MQ-9 của Mỹ có thể tấn công đối đất, đánh chặn trên không và đủ sức đối phó với những hệ thống phòng không tối tân hàng đầu hiện nay bằng vũ khí chuyên dụng mang theo.

Tuy nhiên, khi thực chiến, chúng đã dễ dàng bị bắn hạ với số lượng lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến chuyên gia của Air Recognition cho rằng, 5GAT thê thảm hơn cả MQ-9 một khi chúng xuất hiện trong vai trò chiến đấu đối phó với Iran.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/5gat-de-an-dan-neu-duoc-dung-de-tan-cong-3420897/