5G sẽ đóng góp 961 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu

Đây là kết quả nghiên cứu về tác động kinh tế, xã hội của 5G đối với nền kinh tế toàn cầu do Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA) thực hiện.

Thế giới ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của 5G

Chiều 11/10, Hội nghị ASEAN về 5G diễn ra ngay sau Phiên toàn thể khai mạc Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 (Việt Nam International Digitak Week - VIDW2022).

Hội nghị ASEAN về 5G là sáng kiến của Việt Nam được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018 nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm thảo luận phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Yew Liang Cheng - Giám đốc RedHat khu vực ASEAN. (Ảnh: Trọng Đạt)

Yew Liang Cheng - Giám đốc RedHat khu vực ASEAN. (Ảnh: Trọng Đạt)

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Yew Liang Cheng - Giám đốc RedHat khu vực ASEAN cho biết, tính đến tháng 6/2022, 70 quốc gia trên thế giới đã triển khai với tổng cộng 1 tỷ người dùng 5G, nhanh hơn rất nhiều so với 3G và 4G. Ông Yew Liang Cheng cho rằng, trong cuộc chơi 5G, Việt Nam có nhiều cơ hội nếu biết cách đi tắt đón đầu.

Theo ông Yishen Chan - Giám đốc phụ trách phổ tần khu vực Châu Á Thái Bình Dương của GSMA, 5G được thiết kế để phục vụ cho nhiều kịch bản sử dụng khác nhau. 5G cũng đòi hỏi yêu cầu về băng thông, tần số lớn hơn nhiều so với 3G và 4G.

Yishen Chan - Giám đốc phụ trách phổ tần khu vực Châu Á Thái Bình Dương của GSMA. (Ảnh: Trọng Đạt)

Đầu năm nay, nghiên cứu về tác động kinh tế, xã hội của 5G do GSMA thực hiện cho thấy, vào năm 2030, 5G sẽ đóng góp thêm 961 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu. Điều này chứng tỏ tầm ảnh hưởng của 5G. Do đó, việc phân bổ tần số dành cho 5G đóng vai trò rất quan trọng.

Chuyên gia của GSMA cho rằng, các chính phủ phải đảm bảo việc có sẵn dải tần số dành cho 5G để phân bổ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính phủ không nên coi mức phí cấp phép băng tần là công cụ để gia tăng nguồn thu ngân sách. Thay vì vậy nên phân bổ băng tần ở thời điểm phù hợp với mức giá hợp lý thúc đẩy sự phát triển.

Xu thế triển khai 5G tại các nước ASEAN

Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Điều này có thể trở thành hiện thực là nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ.

Theo ông Lê Thái Hòa - Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT Việt Nam), 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới đây. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng dần. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông. (Ảnh: Trọng Đạt)

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu,... và đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số có kết nối 5G.

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều nước ASEAN cũng cho thấy sự quan tâm trong việc phát triển 5G.

Là quốc gia triển khai 5G sớm trong khu vực, ông Wan Reza - Phụ trách Văn phòng 5G của Bộ Thông tin Truyền thông Malaysia cho biết, từ năm 2018, nước này đã nhận ra tiềm năng của 5G như một nhân tố thay đổi cuộc chơi, thúc đẩy kinh tế phát triển. Ở thời điểm đó, Malaysia đã thành lập cơ quan để thúc đẩy sự phát triển của 5G.

Malaysia tiến hành thử nghiệm 5G lần đầu vào tháng 12/2021. Mức độ bao phủ 5G tại đây tăng từ 5.8% năm 2021 lên 36% năm 2022. Quốc gia này đặt mục tiêu tăng độ bao phủ 5G lên 80% vào năm 2023-2024 và 90% trong giai đoạn 2025-2029.

Thái Lan cho biết đã nghĩ đến 5G từ sớm nhưng chậm triển khai do đại dịch. (Ảnh: Trọng Đạt)

Một quốc gia khác là Thái Lan đã thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi và thử nghiệm 5G ở nhiều băng tần khác nhau. Thái Lan cũng có lộ trình triển khai 5G nhưng gặp khó khăn bởi sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mức độ phủ sóng 5G tại thủ đô Bangkok đã lên tới 99,23%.

Theo đại diện cơ quan quản lý thông tin và truyền thông Brunei, quốc gia này đã xây dựng một tổ đặc trách về phát triển 5G thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có các thử nghiệm pháp lý về sandbox, phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học thí điểm theo dõi, giám sát từ xa, ứng dụng CNTT... Việc thử nghiệm dự kiến bắt đầu vào 18/11 tới.

Lào đang cân nhắc bài học từ các quốc gia để triển khai 5G. (Ảnh: Trọng Đạt)

Với Lào - một quốc gia nằm ngay sát Việt Nam, đại diện Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào cho biết, nước này đang cân nhắc bài học từ các quốc gia để triển khai 5G.

Lào đã cấp phép cho 2 nhà mạng để thử nghiệm 5G. Tuy vậy, chỉ có khoảng 5% thiết bị viễn thông tương thích với 5G, 95% còn lại tương thích 4G. Do đó, cần một khuôn khổ giúp giải quyết vấn đề tương thích thiết bị để thúc đẩy 5G.

Tất cả các nước ASEAN đều có chung nhận định về việc 5G sẽ đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế trong khu vực; việc triển khai 5G được xem là bệ phóng thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số ở nhiều nước.

Trọng Đạt

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/5g-se-dong-gop-961-ty-usd-cho-nen-kinh-te-toan-cau-5003041.html