59 tác phẩm xuất sắc được trao Giải báo chí 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2024

Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Sáng 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, giải nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam

Theo Ban tổ chức, năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi của bốn loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Ban giám khảo chọn được 81 tác phẩm vào chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của bốn loại hình để trao giải.

Với loại hình báo điện tử, chất lượng khá đồng đều, có nhiều loạt bài công phu. Bài dự thi được trình bày hiện đại, phong phú dưới dạng Mega Story, Emagazine, Longform với đầy đủ các loại hình: text, ảnh, video, đồ họa.

Đặc biệt, năm nay có sự xuất hiện của một số bài Podcast mang đến yếu tố mới lạ. Các tác phẩm có tính phát hiện, tính thực tiễn; đề cập đến các vấn đề về chế độ, chính sách cho nhà giáo, học phí, thu-chi trong trường học; gương người tốt, việc tốt; hợp tác quốc tế trong giáo dục; an toàn trường học; giữ gìn ngôn ngữ dân tộc; nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, cách làm giúp học sinh khó khăn, giáo dục học sinh khuyết tật,…

Đối với loại hình báo in, các vấn đề giáo dục được phản ánh rất phong phú; trong đó nổi bật liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ trong trường học, phân luồng học sinh, hướng nghiệp, dạy học tích hợp, tâm lý học đường, gương người tốt việc tốt… Nhiều tác phẩm phản biện chính sách, phân tích chuyên sâu để phản ánh những chủ điểm của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện.

Loại hình Phát thanh-Truyền hình cũng gia tăng số lượng, chất lượng tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự thi được đầu tư bài bản, công phu, có sự sáng tạo trong cách thể hiện khiến cho tác phẩm dễ xem, dễ nghe hơn. Nội dung đề cập đến những chủ trương lớn như: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa; biên chế giáo viên, thiếu giáo viên; chuyển đổi số; đào tạo tiến sĩ; đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; văn hóa ứng xử học đường,...

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Đỗ Thị Thu Hằng nhận xét: Chất lượng các tác phẩm dự thi khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức. Các tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.

Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; những tấm gương người tốt, việc tốt; tấm lòng cao cả, sự cống hiến hết mình của người thầy. Trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện “gieo chữ” ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.

Thông qua các tác phẩm báo chí, chúng ta thấy được sự dấn thân của phóng viên để những tấm gương về nhà giáo, những giá trị tốt đẹp mà giáo dục mang lại được lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Đồng hành với Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” được 7 năm, Giám đốc phụ trách Đào tạo kiêm Trưởng khoa, Trường Đại học Anh Quốc-Việt Nam (BUV), ông Jason MacVaugh chia sẻ: Chúng tôi vô cùng tự hào khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của giải thưởng, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng các tác phẩm tham dự.

Với hơn 800 tác phẩm dự thi, Giải báo chí năm nay đã phản ánh sinh động và đa chiều bức tranh giáo dục Việt Nam. Các tác phẩm đã thể hiện tầm nhìn sâu sắc về những vấn đề then chốt của ngành, từ đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đến những câu chuyện cảm động về các thầy cô giáo nơi vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo của các nhà báo trong việc phản ánh những thách thức của ngành giáo dục trong bối cảnh mới được đánh giá rất cao.

Năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nhận các tác phẩm bằng tiếng Việt ở 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình; được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2023 đến ngày 5/9/2024.

Một tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được trao Giải đặc biệt (được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngoài ra, mỗi loại hình có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích; cùng với đó là 2 nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.

Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2024 sẽ được tổ chức vào sáng 16/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Quỳnh Nguyễn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/59-tac-pham-xuat-sac-duoc-trao-giai-bao-chi-vi-su-nghiep-giao-duc-viet-nam-nam-2024-post844856.html