55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tanzania: Từ bạn bè truyền thống đến đối tác tiềm năng

LTS. Báo Thế giới & Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Tanzania Nguyễn Kim Doanh nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tanzania(14/02/1965-14/02/2020).

Đại sứ Nguyễn Kim Doanh giới thiệu cà phê Việt Nam với Thủ tướng Tanzania Kassim Majaliwa. (Nguồn: ĐSQ)

Tanzania là một quốc gia nằm ở sườn Đông châu Phi với tên gọi nghe có vẻ xa xôi đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam lại biết đến Tanzania thông qua tác phẩm Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro của nhà văn lừng danh Ernest Hemingway, qua cuộc sống hoang dã của các khu bảo tồn tự nhiên được chiếu trên nhiều kênh truyền hình quốc tế.

Năm 2020, Việt Nam và Tanzania kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (14/02/1965-14/02/2020). Trải qua hơn năm thập kỷ, quan hệ hai nước đã chuyển dần từ bạn bè truyền thống sang đối tác hợp tác tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, cả song phương và đa phương.

Tình anh em trong gian khó

Dù thuộc hai châu lục khác nhau, Việt Nam và Tanzania cùng chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong lịch sử dựng xây dựng và phát triển đất nước. Cả hai nước đều hướng ra đại dương phía Đông của châu Á và châu Phi; cùng chung vận mệnh đấu tranh chống ngoại xâm trong hàng ngàn năm lịch sử; cùng thoát khỏi ách đô hộ thực dân, đế quốc trong thời hiện đại; chia sẻ các nguyên tắc chung về quyền tự quyết, quyền độc lập, quyền chọn bạn… của Phong trào Không liên kết (NAM) và cùng có xuất phát điểm phát triển đất nước theo đường hướng xã hội chủ nghĩa.

Với chủ trương và quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, với nguồn lực và tiềm năng hợp tác, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước được hun đúc và thử thách trong 55 năm qua sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại và đầu tư, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của hai khu vực và hai châu lục.

Việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ ít lâu sau khi Cộng hòa Thống nhất Tanzania ra đời (26/4/1964) phản ánh rõ nét tinh thần ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Năm 1966, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Dar es Salaam trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt. Việt Nam đã chủ động thúc đẩy quan hệ với Tanzania thông qua việc cử đoàn thăm Tanzania khá sớm như đoàn Đặc phái viên Chủ tịch nước (1968 và 1979), Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình (1970), Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ (1973) và Bộ trưởng Võ Đông Giang (1982)... Qua các chuyến thăm này, Việt Nam và Tanzania đã thật sự trở thành những người anh em, bạn bè chân thành, vượt qua giới hạn về khoảng cách địa lý.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Việt Nam luôn trân trọng tình cảm đặc biệt, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu về vật chất và tinh thần của Chính phủ và nhân dân Tanzania anh em dành cho Việt Nam trong những thời điểm khó khăn của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước trước đây.

Ngày nay, cả hai nước đều đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân, củng cố an ninh quốc phòng, mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế lên hàng đầu. Quan hệ chính trị có độ tin cậy cao, đặc biệt là quan hệ tốt đẹp giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cách mạng Tanzania (CCM) cũng như việc duy trì các cuộc tiếp xúc, trao đổi thường xuyên giữa hai nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở tất cả các cấp đã và đang tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại hai nước.

Khai thác tiềm năng cùng phát triển

Nhìn tổng thể, đầu tư và thương mại là điểm sáng nhất trong quan hệ hai nước hiện nay và cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, trong đó Viettel Tanzania (Halotel) là dự án đầu tư kiểu mẫu và hợp tác nông nghiệp là lĩnh vực nhiều tiềm năng. An ninh quốc phòng tuy là lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước nhưng có nhiều dư địa để mở rộng.

Gặp gỡ doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Tanzania, tháng 7/2019 . (Nguồn: ĐSQ)

Về đa phương, hai nước đều là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế có quan hệ hợp tác với nhau, tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau, có tiếng nói chung tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc.

Kế thừa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương tốt đẹp trong những năm qua, Việt Nam và Tanzania cần củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác hơn nữa để khai thác tối đa tiềm năng của mỗi nước, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Việc Việt Nam chủ trương tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi, trong đó Tanzania là tiền đề quan trọng để hai nước triển khai hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực.

Về chính trị, việc hai bên duy trì tiếp xúc và trao đổi thường xuyên ở tất cả các cấp, nhất là cấp cao sẽ giúp nâng cao hiểu biết và độ tin cậy chính trị, tạo đà chuyển biến hợp tác mạnh mẽ. Các cơ chế hợp tác liên Chính phủ và liên Bộ cần được triển khai hiệu quả để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đất nước. Tanzania có thể xem xét cử Lãnh sự Danh dự hoặc mở Văn phòng hợp tác kinh tế - văn hóa Tanzania tại Việt Nam nhằm tiến đến mở Cơ quan đại diện ngoại giao Tanzania tại đây. Hai nước đóng vai trò cầu nối hiệu quả để mỗi nước mở rộng quan hệ với khu vực của nhau, tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Về kinh tế, hai bên cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư; đa dạng hóa các mặt hàng trao đổi giữa hai nước khi hiện nay cán cân thương mại đang nghiêng về phía Tanzania với việc Việt Nam nhập khẩu mặt hàng chính là hạt điều thô; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu, khảo sát thị trường và tăng cường hợp tác giữa các hiệp hội ngành nghề hai nước để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp; thiết lập cơ chế thanh toán hợp lý và an toàn giữa doanh nghiệp hai nước; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp của nhau…

Hiện nay, Tanzania xác định một số lĩnh vực ưu tiên phát triển hơn như năng lượng, hóa chất, tài nguyên thiên nhiên (nghề cá và lâm nghiệp), xây dựng và bất động sản, tư vấn quản trị, y tế và giáo dục, các dự án định hướng xuất khẩu…

Tanzania hiện nhập khẩu trên 4.000 mặt hàng từ 181 nước với kim ngạch nhập khẩu khoảng 7,5 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Tanzania gồm máy móc nông nghiệp, phân bón và thuốc trừ sâu, nguyên vật liệu công nghiệp, thiết bị vận tải và phụ tùng, xăng dầu và các chế phẩm xăng dầu, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tanzania gồm khoáng sản (vàng, đá quý, kim cương, than đá…), hạt điều, cà phê, sợi bông, trà, sợi sisal, thuốc lá, đinh hương…

Thủ đô Dar es Salaam của Tanzania. (Nguồn: Getty)

Các ngành kinh tế chủ lực của Tanzania gồm nông nghiệp, du lịch, đánh bắt thủy hải sản, lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất hàng hóa và năng lượng. Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với nền kinh tế Tanzania khi Tanzania sở hữu nhiều danh thắng độc đáo gồm đảo du lịch Zanzibar, đỉnh núi Kilimanjaro cao nhất châu Phi, di chỉ khảo cổ nôi của loài người Olduvai Gorge, công viên quốc gia Serengeti nổi tiếng với mùa thú di cư hàng năm, miệng núi lửa Ngorongoro trải rộng hàng chục km… Nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên của Tanzania tại Ấn Độ Dương và nhiều hồ nước ngọt nội địa lớn rất phong phú nhưng chưa được khai thác nhiều do đội tàu đánh bắt còn thô sơ và nhỏ lẻ. Khai khoáng là ngành thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Tanzania với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đầu tư khai thác vàng, kim loại cơ bản, kim cương, đá tanzanite và các loại đá quý khác, khí ga tự nhiên, than đá…

Về đa phương, năm 2020 Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trước mắt, hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp, chia sẻ quan điểm và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, nhất là đối với các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích chung của các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC)…

Môi trường đầu tư của Tanzania đã và đang được cải thiện trong 30 năm qua. Chính phủ Tanzania đã tiến hành nhiều cải cách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư nước ngoài, miễn thuế VAT đối với vốn đầu tư, giảm thuế nhập khẩu... Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đang vấp phải một số khó khăn và rào cản khi đầu tư vào Tanzania như cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu điện, thiếu nước, trình độ phát triển công nghiệp thấp, nhiều rủi ro về độ ổn định và tính minh bạch của chính sách, việc tuân thủ pháp luật của chính quyền địa phương, nguồn cung và hệ thống phân phối kém, lao động tay nghề thấp, khác biệt văn hóa...

Nguyễn Kim Doanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/55-nam-quan-he-ngoai-giao-viet-nam-tanzania-tu-ban-be-truyen-thong-den-doi-tac-tiem-nang-109463.html