55 năm không bệnh nhờ ăn gạo lứt

Cô Nguyễn Thị Cúc ăn gạo lứt theo thực dưỡng từ năm 1963 và từ đó đến giờ luôn vui vẻ, khỏe mạnh, không hề bị bất kỳ bệnh gì.

Trải qua gần 55 năm rồi, cô chẳng uống thuốc nào cả, kể cả khi sanh, bác sỹ cho thuốc nhưng cô không uống. Cả xã hội mà mọi người đều không bệnh như cô thì lợi lạc biết chừng nào. Để được vui khỏe, đơn giản chỉ ăn thực dưỡng. Cô sinh năm 1944 và hiện đang ở Quận 7, Tp Hồ Chí Minh.

Cô Nguyễn Thị Cúc

Khi còn là nữ sinh của Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh ở Huế, một trong những trường lớn và cổ kính của nước ta, cô may mắn gặp được phương pháp thực dưỡng. Cô thích đọc sách và một hôm ghé hiệu sách, thấy quảng cáo phương pháp tiết thực và chữa bệnh không dùng thuốc nên cô mua sách về nghiên cứu và thực hành theo. Lúc đó, cô không có bệnh gì cả mà chỉ đơn giản là thích các phương pháp tự nhiên. Hơn nữa, ăn gạo lứt tiết kiệm được nhiều tiền. Càng ăn gạo lứt, cô thấy càng khỏe do đó càng thích. Lúc đó, cô ăn 90-100% gạo lứt với tối đa 10% rau củ (cách ăn số 7 và số 6) cho đến năm 1967. Khi cô có chồng năm 1968, cô ăn rộng hơn theo chồng nhưng vẫn giữ nền tảng thực dưỡng.

Khi sinh con, những người con của cô đều được nuôi theo thực dưỡng, lấy gạo lức làm thức ăn chính. Cô sinh 5 người con trai và 1 người con gái và nuôi rất dễ dàng. Cô nói nhờ ăn theo thực dưỡng, tất cả con của cô đều ngoan hiền, học giỏi, năm nào cũng nhận phần thưởng và thi đậu vào nhiều trường đại học cùng lúc.

Việc sanh nở của cô rất dễ dàng và nhanh chóng. Mỗi lần sanh, dĩ nhiên là có đau bụng như chỉ đau nhẹ, không hề lo lắng. Thời gian từ lúc có dấu hiệu sanh đến lúc sanh khoảng 10 tiếng đối với lần sinh đầu, còn những lần sanh sau thì ngắn hơn nhiều. Lên bàn sanh khoảng 5-3 phút là sanh xong. Cân nặng của những người con của cô lúc mới sanh khoảng 3kg-3,2kg. Khi con bị bệnh, cô thường tự chữa bằng cách điều chỉnh các món ăn. Nhờ hạt gạo lứt mà cô nuôi 6 người con nhẹ nhàng và ít tốn kém, không tốn tiền mua thuốc, không cần đi học thêm.

Lúc các con của cô còn nhỏ, gia đình thường xuyên ăn cơm với tương và mè. Đây là những món cơ bản luôn có trong nhà. Khi có tiền mới mua thêm thức ăn khác. Ngày xưa, cô hay làm nước tương. Trong quá trình làm tương, ủ meo là rất khó.

Chế độ ăn hiện tại của cô nằm trong khoảng số 6 và số 7, đa phần là cơm lứt, nhai nhuyễn từ 50-100 lần cho mỗi miếng ăn. Buổi chiều tối cô chỉ ăn một chén cơm lứt với muối mè. Cô không hề thèm những thức ăn khác. Cô đi đâu xa cũng mang theo các thức ăn của thực dưỡng như cơm lứt nắm, cốm lứt, bún gạo lức và chọn những món ăn có tại địa phương mà hợp với thực dưỡng.

Thấy cô ăn gạo lứt, nhiều người cho rằng như thế là ăn khổ cực. Cô bảo cô không thấy cực mà thấy vui nữa là khác. Người có ốm nhưng ai đổi mập cô không đổi vì mập mà bệnh thì không tốt. Huyết áp của cô thường ổn định ở số đo 120/80 mặc dù năm nay cô đã 73 tuổi. Đây là chỉ số huyết áp của thanh niên.

Cô nói: “Gạo lức rất hay, ăn rất ngon. Ăn gạo lứt sẽ giúp thông minh, làm cho con người trở về thiên nhiên, sống có đạo lý, mang đầy đủ đức hạnh “Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín” của nhà nho. Cô thấy rằng thực dưỡng cho sức khỏe khang kiện, trí óc minh mẫn và làm cho cuộc sống thịnh vượng lên, không gặp tại nạn, ít thăng trầm, có nhiều may mắn trong cuộc đời.”

Hiện tại, cô cảm thấy lúc nào cũng vui. Từ khi ăn gạo lức, cô không biết buồn phiền là gì cả. May mắn gặp được phương pháp thực dưỡng, thật tuyệt vời. Tu nhiều kiếp mới gặp được thực dưỡng. Người ta có gặp, nhưng không giữ được, ăn vài bữa cũng bỏ hoặc ăn không nghiêm túc, thậm chí bị bệnh rồi cũng không chịu ăn. Ăn gạo lứt giúp cô hiểu đạo Phật và thực hành đạo dễ hơn. Ăn gạo lứt là thuận với tự nhiên, làm thân tâm nhẹ nhàng, trong sáng, thanh tịnh. Cô nói lý thuyết của tiên sinh Ohsawa rất hay, hợp với đạo lý làm người.

Khi ăn thực dưỡng thường có những phản ứng thải độc xảy ra như nổi mẩn ngứa trên da, tiêu chảy, sốt... tỳ theo từng bệnh. Phản ứng thải độc là tất yếu và cần thiết.

Theo cô, khi ăn số 7 nên ăn thêm với muối mè. Mè có đủ protein, lipid và glucid sẽ làm cơ thể điều hòa hơn.

Được hỏi tại sao hiện nay người ta bệnh nhiều và bệnh nặng. Cô trả lời thứ nhất do ăn uống sai trái. Thực phẩm hiện tại độc hại nhiều quá, không biết làm sao để cải thiện được. Chỉ còn cách ít ăn hoặc không ăn mới tránh được thực phẩm nhiễm hóa chất này. Thứ hai do tư tưởng vọng động nhiều quá, không dừng lại một chỗ, tham đủ thứ.

Vì biết thực dưỡng có lợi rất nhiều nên cô sẵn sàng hướng dẫn cho bất kỳ ai muốn ăn gạo lứt. Nhiều người ở gần nhà cô cũng ăn theo gạo lứt khi thấy cô luôn khỏe mạnh, không bao giờ bị ốm đau. Đám cháu nội cháu ngoại của cô mà bị bệnh liền nhờ cô chữa bệnh cho. Cô đã hướng dẫn nhiều người thoát khỏi bệnh tật nhờ theo thực dưỡng.

Cách nay gần 10 năm, một cô bé ở Buôn Mê Thuột bị ung thư đáy lưới và bệnh viện yêu cầu mổ. Cô bé không mổ mà ăn gạo lức theo hướng dẫn của cô và đã hết bệnh. Bây giờ cô bé ấy đã trở thành người mẹ của 2 đứa con.

Một trường hợp khác là bạn cô bị mất ngủ, đau bao tử, tay run không cầm viết được, viêm khớp đến nỗi không có cảm giác khi mang dép. Sau một thời gian ăn thực dưỡng các bệnh này không còn nữa.

Cô nói thực dưỡng giúp ích nhiều cho xã hội, nhẹ cho y tế, bớt người bệnh. Như cô đây, con cái không phải lo về chuyện bệnh tật của cô. Một người nằm bệnh viện thì phải mất ít nhất hai người khác nữa để lo chăm sóc: một ở với bệnh nhân và một chạy lui chạy tới bệnh viện.

Theo cô, ở lứa tuổi nào ăn thực dưỡng cũng được. Đối với trẻ em, nên cho ăn rộng một chút vì tuổi đang lớn. Thực dưỡng giúp tăng trưởng sức khỏe, trí phán đoán, trí tuệ và trí nhớ. Trong 3 năm cấp 3, cô đều học giỏi và được nhận phần thưởng. Ăn gạo lứt, người đi học sẽ có trí nhớ tốt, người lập gia đình sẽ giữ được hòa khí trong gia đình, người lớn tuổi giữ được sức khỏe tốt.

Cô khuyên: “Khi ăn gạo lứt, phải ăn một cách vui vẻ, ăn một cách ham thích, ăn thấy sung sướng, ăn thấy ngon thì thức ăn mới là thần dược, nhiệm màu. Chứ ăn mà bắt buộc, ăn mà hay thèm những món khác thì sẽ không có kết quả. Những người mới bắt đầu nên ăn nghiêm túc và nhai kỹ. Nhai kỹ có hiệu quả chữa bệnh cao. Trước khi theo thực dưỡng phải đọc sách thực dưỡng như Tân Dưỡng Sinh, Zen Và Dưỡng Sinh, Vui Sống Tự Nhiên…”

Cô nói những người bạn cùng đi tập thể dục với cô, người nào cũng mập, tròn trịa nhưng người nào cũng mang theo người một bịch thuốc, lúc nào cũng phải nhớ uống thuốc. Họ luôn khoe ăn cái này ăn cái kia và khoe luôn sự hiểu biết của mình về thuốc. Không phải là bác sĩ mà biết nhiều về thuốc là người nhiều bệnh.

Cô đúc kết thành 9 lời khuyên dành cho mọi người:

Ăn chậm, nhai kỹ.

Ăn ít, nói ít.

Chiều ăn nhẹ hoặc không ăn.

Giữ tâm thanh tịnh.

Thường xuyên nuốt nước bọt.

Làm việc hết sức nhưng không cố gắng quá sức.

Yêu thương mọi người, mọi loài.

Giữ khiêm tốn, tha lỗi lầm.

Tiết kiệm trong mọi lĩnh vực.

Và 3 lời khuyên dành cho người bệnh:

3 tháng nghiêm ngặt,

3 năm dè dặt,

Suốt đời đạm bạc.

Trước đây, cô là giáo viên cấp 2 và máu mê đọc sách luôn tuôn chảy trong cô. Cô cũng là người yêu thơ. Cô sáng tác nhiều bài thơ và sau đây là bốn bài thơ trong số đó, thể hiện tâm hồn của cô: lúc nào cũng thơ ngây như tự nhiên, vui như mùa xuân và an lạc như mặt đất.

PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH

Phương pháp dưỡng sinh thật diệu kỳ

Giản đơn hiệu nghiệm khó so bì

Trật tự bao trùm khắp vũ trụ

Chữa lành tất cả bệnh nan y

Âm Dương điều hòa chân thiện mỹ

Nguyên Lý Vô Song thật đáng ghi

Tự do hạnh phúc công bình thật

An vui tự tại Thuyết Vô Vi.

***

TỊNH ĐỘ LÀ ĐÂY

Giữ bước chân chánh niệm

Đi trong cõi ta bà

Từng bước gió mát thổi

Từng bước sen nở hoa.

Chân bước miệng mỉm cười

Cỏ lá hoa mừng vui

Đất hôn chân nhè nhẹ

Âu yếm không muốn rời.

Có gì đâu mà vội

Cứ thông thả thảnh thơi

Vững chãi và an lạc

Cõi tịnh độ đây rồi.

***

XUÂN

Trăm hoa đua nở đón xuân sang

Pháo xuân đã nở rộn trong lòng

Hương xuân phảng phất mùi hoang dã

Rượu xuân nồng ấm nét thư nhàn

Thơ xuân sực nức mùi kim cổ

Ý xuân đầm thắm khắp nhân gian

Tình xuân một thoáng hồn lai láng

Vui xuân chẳng kể mấy thiều quang.

***

TỰ THUẬT

Lần nữa sen tàn cúc nở hoa

Đông qua xuân lại đã ra già

Con còn thơ dại đòi nghiêng bút

Chồng mãi văn chương nét mực nhòa

Kiếp trước vụng tu nay phải chịu

Gian nan để hưởng kiếp sau mà

Mặc ai là lụa ai nhung gấm

Áo vải đơn sơ giữ nếp nhà.

Đông y sỹ Đặng Ngọc Viễn

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/55-nam-khong-benh-nho-an-gao-lut-post208444.html