55% hay 4% đại dương?

Một nghiên cứu cho rằng con người đang khai thác cá trên 55% diện tích đại dương. Cùng dữ liệu đó, một nghiên cứu khác phản bác rằng việc đánh bắt cá chỉ diễn ra trên 4% diện tích đại dương. Vì sao có mâu thuẫn này?

Đánh cá ở mức độ nào là bền vững? Loài cá nào đang bị tận diệt? Chúng sinh sống trong môi trường như thế nào? Chúng có khả năng phục hồi không? - .Ảnh: NHẬT HỒNG.

Các tàu bè đi lại trên biển cả đều có thiết bị thu phát sóng định vị, liên tục phát đi thông tin về tọa độ, tốc độ và mã hiệu tàu lên vệ tinh. Hệ thống này nguyên thủy được dùng để dẫn đường tàu bè, ngăn ngừa các vụ va chạm nhau, nhưng tổ chức phi lợi nhuận Giám sát Đánh cá Toàn cầu (GFW) do Oceana, SkyTruth và Google đồng sáng lập đã thu thập dữ liệu từ hệ thống rồi dùng các công cụ học máy của Google để làm chuyện khác. Họ lọc ra các loại tàu bè đánh cá khác nhau rồi vạch lại đúng bản đồ đánh bắt, thả lưới của tất cả tàu thuyền đánh cá trên thế giới.

Một nhóm nghiên cứu của GFW dẫn đầu bởi ông David Kroodsma đã lượng hóa hoạt động đánh bắt này bằng cách chia đại dương thành 160.000 ô vuông, mỗi ô có cạnh trải dài chừng nửa độ vĩ độ với diện tích chừng 3.100 cây số vuông. Số liệu năm 2016 cho thấy chừng 55% các ô này có hoạt động đánh bắt cá, tổng diện tích đại dương có hoạt động của con người đánh bắt hải sản bằng bốn lần diện tích mặt đất dùng trong nông nghiệp. Công trình nghiên cứu này được công bố vào tháng 2-2018, được đăng tải trên nhiều báo với tít tựa gây giật mình: Đến một nửa diện tích đại dương đã được khai thác cá trên quy mô công nghiệp.

Nhà nghiên cứu Ricardo Amoroso thuộc đại học Washington cũng tìm cách theo dõi hoạt động đánh cá toàn cầu từ lâu, nhưng khi thấy các tít tựa này ông nghĩ tỷ lệ 55% là quá sai thực tế. Cũng may là dữ liệu thô được GFW công bố công khai nên ông và các đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu lại. Đầu tháng 9-2018 họ công bố công trình nghiên cứu riêng của mình, khẳng định việc đánh bắt cá công nghiệp chỉ diễn ra trên 4% diện tích đại dương.

Vấn đề ở đây là cách chia đại dương thành nhiều ô nhỏ; chia như GFW theo ông Amoroso là quá lớn, trên một diện tích cỡ bằng tỉnh Ninh Thuận, chỉ cần có một con tàu đánh cá thả lưới xem như toàn ô đó được xếp vào diện tích có khai thác cá. Nhóm của ông Amoroso chia đại dương thành các ô nhỏ hơn, cạnh chỉ bằng 0,1 độ vĩ độ, diện tích xuống còn 123 cây số vuông thì phát hiện hoạt động đánh cá chỉ xảy ra trên 27% diện tích. Nếu chia nhỏ hơn nữa, còn 0,01 độ với diện tích 1,23 cây số vuông - cỡ bằng một khu phố - thì chỉ 4% diện tích đại dương có khai thác cá.

Ông Kroodsma phản bác, cho rằng không thể chọn diện tích ô đo đếm một cách chính xác. Lấy ví dụ loại tàu đánh cá bằng lưới rà, chúng dùng loại lưới lớn thả sát đáy biển để đánh bắt các loại hải sản nằm ở tầng đáy. Làm sao tính được diện tích biển bị chúng càn quét nếu không tính hết lộ trình lưới rà khắp nơi? Với loại tàu này, dùng ô nhỏ để tính toán là không chính xác.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu khác bên ngoài hai nhóm này lại nghĩ khác. Rashid Sumaila thuộc Đại học British Columbia chuyên nghiên cứu khía cạnh kinh tế của ngành đánh cá nói: “Cho dù khu vực tác động trực tiếp thực sự gần với con số 4% hơn là 55%, tác động lan tỏa của ngành đánh cá lên hệ sinh thái lan rộng ra 55% hay cao hơn nữa trên tổng diện tích đại dương. Nó giống viên đạn. Mặc dù khu vực bị tác động bởi viên đạn là rất nhỏ, ảnh hưởng lên toàn cơ thể là rất lớn”.

Cũng không thể đánh giá lợi hại của việc đánh cá tràn lan bằng việc xác định địa điểm đánh cá, thay vào đó phải trả lời các câu hỏi sâu hơn: Đánh cá ở mức độ nào là bền vững? Loài cá nào đang bị tận diệt? Chúng sinh sống trong môi trường như thế nào? Chúng có khả năng phục hồi không? Trả lời các câu hỏi này thì có những phương pháp nghiên cứu khác như giả lập các mô hình sinh thái hơn là điều tra tọa độ đánh bắt cá.

Đó là đối với giới khoa học, còn với công chúng với giới làm chính sách, thông điệp truyền thông rất quan trọng. Chẳng hạn khi nói nông nghiệp chiếm diện tích nhỏ hơn diện tích khai thác cá, người ta sẽ suy luận tiêu thụ thịt heo hay thịt bò là tốt cho môi trường hơn là tiêu thụ hải sản - một điều chưa chắc đã đúng. Ngược lại, khăng khăng cho rằng chỉ 4% diện tích đại dương đang bị khai thác cá, công chúng dễ hiểu nhầm tài nguyên cá còn rất lớn, cứ đánh bắt thoải mái trong khi nạn tận diệt cá là một thực tế không thể chối cãi.

Hiện nay diện tích đại dương được liệt vào khu vực hạn chế đánh bắt hải sản, thậm chí cấm hẳn chỉ chiếm 7% tổng diện tích. Mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 30% đến năm 2030 là một mục tiêu đầy tham vọng, khó khả thi. Vì thế, không nên để công chúng hiểu nhầm đến 96% đại dương là còn hoang sơ, chưa khai thác.

Nguyễn Phan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279196/55-hay-4-dai-duong.html