'54% doanh nghiệp phải chi trả phí bôi trơn là con số rất cao'

'Tỷ lệ 58% doanh nghiệp cho rằng cán bộ khi giải quyết thủ tục hành chính còn nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp phải chi trả phí bôi trơn là con số rất cao' ... là phát ngôn ấn tượng được BizLIVE ghi nhận tuần qua.

Ảnh minh họa.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có khả thi?: Lo “thất thế” trước hàng không giá rẻ

Giá vé đường sắt tốc độ cao hiện đang được tính toán ở mức 70 - 75% so với giá vé máy bay trung bình. Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại với các chặng ngắn, đường sắt cao tốc khó lòng cạnh tranh được với hàng không giá rẻ vốn liên tục được khuyến mãi.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định về mặt chiến lược, một đất nước phát triển không thể thiếu sự góp mặt của hệ thống đường sắt cao tốc. Ngoài tác động trực tiếp về mặt giao thông, hệ thống đường sắt cao tốc còn tác động tổng thể đến phát triển kinh tế xã hội với các hiệu quả gián tiếp.

“Đường sắt tốc độ cao có ưu thế là khối lượng vận chuyển rất lớn, sau năm 2030 khi nhu cầu vận chuyển gấp 2 - 3 lần hiện nay, sẽ không phương tiện nào cạnh tranh được với đường sắt về khả năng vận chuyển khối lượng lớn, đặc biệt trong dịp lễ tết”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói. (Xem tiếp)

Chủ tịch VCCI: “54% doanh nghiệp vẫn phải dùng phí bôi trơn”

Theo báo cáo từ VCCI, toàn bộ các chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong PCI 2018 đã có sự cải thiện so với năm trước đó.

Trước tiên, hiện tượng “tham nhũng vặt” – chi phí bôi trơn nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép trong năm 2018 đã giảm so với trước. Mức độ phổ biến của hiện tượng này giảm từ mức 66,3% doanh nghiệp cho biết phải trả phí bôi trơn trong năm 2015 xuống còn 54,8% trong năm 2018.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, mặc dù đã có những tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính nhưng theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp họ vẫn phải chi trả chi phí không chính thức và phí bôi trơn.

“Tỷ lệ 58% doanh nghiệp cho rằng cán bộ khi giải quyết thủ tục hành chính còn nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp phải chi trả phí bôi trơn là con số rất cao đòi hỏi chúng ta phải tìm biện pháp mạnh mẽ làm hạn chế hiện tượng này”, ông Lộc nói. (Xem tiếp)

Phó Thủ tướng: Có thể kiểm soát lạm phát ở mức 3,3 - 3,9%

Hôm 28/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả điều hành giá quý I/2019 và cập nhật tình hình, đề xuất các giải pháp điều hành trong những tháng còn lại của năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhận định, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội trên tinh thần chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho xã hội. Không chỉ vậy, các bộ, ngành phải tính toán điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ công y tế, giáo dục theo tín hiệu của thị trường. (Xem tiếp)

Gói 5.000 tỷ liệu có đủ lực đẩy lùi "tín dụng đen"?

Trước thực trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp như hiện nay, Chính phủ chỉ đạo phải triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, nếu người dân tiếp cận được tín dụng qua kênh chính thức khi có nhu cầu vốn, với thủ tục, hồ sơ đơn giản thì sẽ không phải tìm đến tín dụng đen.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đẩy lùi tín dụng đen là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay, tuy nhiên, làm sao để giải pháp này được thực hiện hiệu quả lại là điều đáng bàn.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, việc triển khai chương trình 5.000 tỷ là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen… Bản chất của gói tín dụng này nhằm hỗ trợ, bổ sung lượng tín dụng giá rẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu vay chính đáng. (Xem tiếp)

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/54-doanh-nghiep-phai-chi-tra-phi-boi-tron-la-con-so-rat-cao-3500369.html