510 triệu lao động nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch

Có gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã nhận định như vậy trong bản báo cáo nhanh "COVID-19 và thế giới việc làm" công bố hôm qua 30-6.

ILO cảnh báo tổn thất về số giờ làm việc trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 tồi tệ hơn nhiều so với dự báo. Trong khi đó, khả năng phục hồi trong 6 tháng cuối năm hầu như không chắc chắn, không đủ để đưa quay lại mức trước đại dịch, ngay cả với kịch bản tích cực nhất.

Cụ thể, tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý II năm 2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian. Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7% (tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian) báo cáo trước đó.

Đáng chú ý, ILO cũng chỉ ra rằng lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Điều này có nguy cơ hủy hoại một số tiến bộ khiêm tốn về bình đẳng giới đã đạt được trong những thập kỉ gần đây và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới liên quan đến lao động.

Sản xuất là 1 trong 4 lĩnh vực khiến lao động nữ bị thiệt hại nặng nề do đại dịch. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Sản xuất là 1 trong 4 lĩnh vực khiến lao động nữ bị thiệt hại nặng nề do đại dịch. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN

Đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng đến lao động nữ do lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất.

Cụ thể, có gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu hiện đang làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên.

Đồng thời, phụ nữ cũng chiếm số đông trong công việc giúp việc gia đình, lĩnh vực y tế và công tác xã hội. Do đó họ phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị mất thu nhập hay lây nhiễm bệnh và ít có khả năng được hưởng bảo trợ xã hội.

Sự phân công công việc chăm sóc không được trả lương không đồng đều vốn đã tồn tại từ trước đại dịch đã trở nên tồi tệ hơn trong khủng hoảng và càng trầm trọng hơn khi trường học và các dịch vụ chăm sóc bị đóng cửa.

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO cho rằng những quyết định mà chúng ta lựa chọn lúc này sẽ có tác động trong nhiều năm tới, đến năm 2030 và lâu hơn nữa. Mặc dù các quốc gia đang trải qua những giai đoạn khác nhau của đại dịch và còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta cần nỗ lực gấp đôi nếu muốn vượt qua cuộc khủng hoảng này và để thế giới trở nên tốt đẹp hơn giai đoạn trước khi nó bắt đầu xảy ra.

Người đứng đầu ILO cho biết tuần tới ILO sẽ triệu tập Hội nghị cấp cao toàn cầu về COVID-19 và Thế giới Việc làm bằng hình thức trực tuyến. “Tôi hi vọng các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động sẽ tận dụng cơ hội này để trình bày và lắng nghe những ý tưởng sáng tạo, trao đổi những bài học kinh nghiệm và xây dựng được những kế hoạch cụ thể để cùng nhau thực hiện một công cuộc phục hồi chú trọng tạo nhiều việc làm, bao trùm, công bằng và bền vững. Tất cả chúng ta phải cùng nhau đối diện với thách thức xây dựng một tương lai việc làm tốt đẹp hơn”, Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/510-trieu-lao-dong-nu-bi-anh-huong-nang-ne-boi-dai-dich-921629.html