51 năm Sơn Mỹ và khát vọng vì hòa bình

51 năm đã trôi qua, chưa ai quên Sơn Mỹ. Một trăm năm sau và có thể cả ngàn năm nữa, biến cố Mỹ Lai có lẽ cũng không thể nhòa đi trong kí ức nhân loại.

Cách đây 51 năm, sáng 16/3/1968, tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, các đơn vị lính Lục quân Mỹ đã thảm sát 504 thường dân vô tội tay không vũ khí. Trong đó có 182 phụ nữ (17 chị đang mang thai), 173 trẻ em, 60 cụ già và 89 trung niên; 247 ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn gia súc gia cầm bị giết chết, lương thực mùa màng bị đốt sạch phá sạch...

Đông đảo cán bộ, nhân dân và các em học sinh, những nạn nhân và gia đình đã về dự lễ dâng hương.

Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới về tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam và đã tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lượt Việt Nam ngay trên đất Mỹ và thế giới.

Những người yêu chuộng hòa bình

Hàng chục năm qua, cứ vào giữa tháng 3 hằng năm, những người yêu chuộng hòa bình trên khắp nơi trên thế giới lại về Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (nay là TP. Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi, nơi xảy ra vụ thảm sát 504 thường dân để cầu mong linh hồn các nạn nhân được siêu thoát, cầu mong hòa bình và giúp đỡ người dân Sơn Mỹ vươn lên trong cuộc sống.

Mike trong trang phục áo dài, khăn đóng đứng dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ tấu bài “Cầu nguyện”, tiếng vĩ cầm của ông lại vang lên như lời tạ tội, sự xám hối, cầu nguyện cho những người đã nằm xuống

Ông Roy Mike Poehm là cựu binh Mỹ, đóng quân ở Củ Chi, Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) năm Mậu Thân - 1968. Đây cũng là thời điểm xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai - Sơn Mỹ, thảm sát 504 thường dân vô tội.

Tuy không trực tiếp tham gia chiến trận ở Sơn Mỹ, nhưng khi biết sự thật kinh hoàng của vụ thảm sát Sơn Mỹ vào ngày 16/3/1968, ông đã nhận ra sự tàn khốc của cuộc chiến phi nghĩa, gây đau thương mất mát cho người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Suốt 26 năm qua, Mike Boehm đều đặn trở lại Mỹ Lai mỗi dịp tưởng niệm vụ thảm sát. Mike trong trang phục áo dài, khăn đóng đứng dưới chân tượng đài Khu chứng tích Sơn Mỹ tấu bài “Cầu nguyện” trước vong linh 504 thường dân vô tội như lời tạ tội, sự xám hối, cầu nguyện cho những người đã nằm xuống, với thông điệp không để nơi nào còn xảy ra nỗi đau như ở Mỹ Lai.

“Chúng tôi chỉ biết rằng giúp đỡ các bạn, giúp đỡ những nạn nhân. Mỗi lần đến là mỗi lần nung nấu một ý nghĩ phải làm gì đó cho Sơn Mỹ. Tôi làm được gì tôi có thể làm được, mong hàn gắn vết thương chiến tranh trên mảnh đất đau thương, nghèo khó này”, Mike Boeh xúc động.

Từ 1994 đến nay, Tổ chức Madison Quaker, Inc (MQI) do Mike Boeh làm Giám đốc đã quyên góp, hỗ trợ để giúp hàng ngàn phụ nữ nghèo tại Quảng Ngãi với 17 chương trình tín dụng, xây dựng 3 khu phòng học, 120 ngôi nhà tình thương, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam… Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, vượt qua những đau thương mất mát mà họ đã trải qua trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.

“Chúng tôi đã làm được điều đó, nhưng vẫn còn nhỏ bé với những gì mà họ cần chúng tôi giúp đỡ. Tôi xem lại hình ảnh tôi chụp năm 1968, nay Mỹ Lai thay đổi, trẻ con lúc đó nay trở thành người lớn. Những đưa trẻ bây giờ đi học ở trường chúng tôi xây, điều đó làm chúng tôi hạnh phúc. Khi nào tôi còn khỏe, tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ họ. Ở Việt Nam có rất nhiều phụ nữ nghèo cần hỗ trợ. Điều đó thôi thúc tôi đồng hành cùng với họ. Tôi rất xúc động và cảm ơn các bạn đã ghi nhận những đóng góp nhỏ bé của tôi với Phụ nữ Việt Nam. Tôi đã đến với phụ nữ Việt Nam trong 26 năm qua và mong muốn các bạn tạo điều kiện để tôi tiếp tục đồng hành trong 26 năm nữa với nhiều việc làm ý nghĩa hơn”, Mike chia sẻ.

Hàng năm cứ đến ngày đại giỗ Sơn Mỹ, Billy Kelly - một cựu lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, một cựu binh Mỹ vì hòa bình, thành viên của Tổ chức Madison Quarker, Inc lại đến Sơn Mỹ đặt bên tượng đài Sơn Mỹ 504 hoa hồng cầu mong cho 504 linh hồn siêu thoát.

Billy Kelly cùng các tổ chức quốc tế tham gia các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo nơi đây, giúp họ xoa dịu, hàn gắn những vết thương trong quá khứ, cả nổi đau thể xác lẫn tinh thần.

Đã nhiều lần cùng Billy về thăm Sơn Mỹ, tôi luôn đọc thấy trong mắt ông sự hối hận, dằn vặt của lương tâm về một cuộc chiến tranh phi nghĩa và lòng yêu thương, khâm phục đối với người dân Sơn Mỹ. Tôi hỏi Billy về 504 bông hồng dâng lên 504 người đã khuất. “Đấy là việc làm nhỏ nhoi của tôi cho đến khi tôi qua đời, cầu mong cho 504 linh hồn siêu thoát. Và, quan trọng hơn là mong màu xanh hòa bình luôn trường tồn mãi mãi ”, Billy xúc động trả lời.

Từ năm 1997 đến nay, ông đã 20 lần về Sơn Mỹ để tưởng niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát. Mỗi lần đến Sơn Mỹ, Mike, Billy thường xuyên đi bộ khắp các xóm làng, gặp gỡ nhiều người, đến thăm nhiều gia đình, gặp gỡ nhân nhiều nhân chứng của vụ thảm sát. Những giọt nước mắt ân hận, lời xin lỗi muộn màng của những cựu chiến binh Mỹ đã làm vơi đi nỗi đau trong lòng đồng bào Sơn Mỹ.

Nhưng năm nay, Billy Kelly không về thăm Sơn Mỹ, tôi thầm nghĩ, có lẽ thời gian đã làm cho Billy Kelly già yếu…

Xúc động trước việc làm của Mike, Billy, nhiều tổ chức, cá nhân nhân đạo, từ thiện khắp nơi trên thế giới đã đến Sơn Mỹ sẻ chia để cầu mong cho linh hồn các nạn nhân được siêu thoát, thế giới không còn chiến tranh, nhân loại được sống trong hòa bình và giúp đỡ người dân Sơn Mỹ vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Tưởng niệm 51 năm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát

Sáng 16/3, dưới chân tượng đài chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 51 năm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát (16/3/1968 - 16/3/2019).

Lãnh đạo tỉnh, các Sở ban ngành trong tỉnh Quảng Ngãi dâng hương tưởng niệm.

Đông đảo cán bộ, nhân dân và các em học sinh, các tổ chức quốc tế, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, những nạn nhân và gia đình đã về dự lễ dâng hương.

Các đại biểu dự lễ và cán bộ, nhân dân, học sinh trên địa bàn xã Tịnh Khê cùng đại diện các tổ chức quốc tế, thân nhân các nạn nhân đã dâng hoa tưởng nhớ hương hồn các nạn nhân của vụ thảm sát.

Hải Yến

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/51-nam-son-my-va-khat-vong-vi-hoa-binh-post26323.html