500 ngày và hơn nữa…

Sau hàng chục năm kiên trì nỗ lực phòng chống tai nạn do bom mìn sót lại sau chiến tranh, đến năm 2017, Quảng Trị chỉ xảy ra 2 vụ và năm 2018 là năm đầu tiên ghi nhận không có vụ tai nạn bom mìn nào.

Sau hàng chục năm kiên trì nỗ lực phòng chống tai nạn do bom mìn sót lại sau chiến tranh, đến năm 2017, Quảng Trị chỉ xảy ra 2 vụ và năm 2018 là năm đầu tiên ghi nhận không có vụ tai nạn bom mìn nào. Năm 2019 cũng đã đi gần nửa chặng đường, và kỷ lục tạm thời trên vẫn tạm thời giữ vững. Bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi, cống hiến thầm lặng của nhiều lực lượng chức năng, tổ chức phi chính phủ cần mẫn trả lại từng mét vuông “đất sạch” trên 80% diện tích đất nhiễm bom mìn nặng trong hành trình dự tính cần đến 300 năm, Quảng Trị vẫn còn nhiều câu chuyện khiến ai nấy khiếp sợ, trước khi nhận ra may mắn “tử thần” đã ngó lơ cho những kẻ liều mạng.

Kiểm tra quả bom trước khi hủy nổ tại rừng Tân Mỹ, xã Hải Lệ.

Kiểm tra quả bom trước khi hủy nổ tại rừng Tân Mỹ, xã Hải Lệ.

Vụ việc diễn ra mới đây nhất là vào tháng 5-2019. Nguyễn Văn C. (29 tuổi) và Nguyễn Q. (45 tuổi, đều cư trú xã Hải Phú, H. Hải Lăng) đi rà phá phế liệu chiến tranh ở khu vực rừng tại thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị). Cả hai phát hiện 1 quả bom tại khoảnh 2A, tiểu khu 816. Quả bom sau đó được xác định là loại M- 117 nặng 340kg, còn nguyên ngòi nổ đầu ký hiệu M 904 và ngòi nổ đuôi M 905. Với kinh nghiệm nhiều năm rà phá phế liệu, cả hai đoán bên trong quả bom trước mặt hẳn chứa hơn 170kg thuốc nổ. Tính nhẩm mỗi kg bán được giá cũng 200 ngàn đồng, đã đẩy sự liều lĩnh lên cao hơn, thổi bay những phút chần chừ, ý định thối lui của hai người đàn ông quê lúa. Sẵn búa, đồ nghề, cả hai thống nhất cưa bom để lấy thuốc nổ. Từng giây trôi qua chậm rãi theo từng hành động thận trọng, sợ hãi cũng dần theo mồ hôi thấm rịn ra ngoài. Họ thinh lặng, căng thẳng tập trung vào công việc, một phần sợ mất mạng, nhưng có nỗi lo khác: sợ bị phát hiện. Nhưng C. và Q. đã bị lực lượng CA thị xã Quảng Trị phối hợp với CAX Hải Lệ bắt quả tang. Lúc đó là sáng 9-5-2019. Tiếng cưa, tiếng búa ngừng lại, kết thúc cuộc đùa giỡn với tử thần.

Lùi lại thời gian trong năm 2018, tại địa bàn H.Vĩnh Linh, ông Trần Hải T. ( 53 tuổi, trú xã Vĩnh Sơn, H. Vĩnh Linh) cũng đi rà phế liệu và phát hiện quả bom dài gần 1,5m ở rừng tràm xã Vĩnh Sơn. Thay vì báo lực lượng chức năng xử lý, người đàn ông này đào lên rồi di chuyển cất giấu, sau đó lén lút tháo lấy thuốc nổ. May mắn vượt qua “cửa tử”, thì người này dính lao lý khi đưa số thuốc nổ đi tiêu thụ. Bản án sơ thẩm 8 năm tù tuyên phạt cho hành vi phạm tội mà người này cố chấp thực hiện. Còn nhớ trước đó, tại địa bàn H. Gio Linh, một nhóm người dân ven biển đã góp tiền mua máy rà phế liệu và phát hiện bom sót lại sau chiến tranh dưới độ sâu hơn 5m. Do đào thủ công tốn thời gian, dễ bị phát hiện nên cả nhóm thuê máy múc đến xúc đất rồi tời lên giữa đêm khuya. Khi quả bom được đặt lỏng chỏng trên thùng xe tải, hướng đi nơi cất giấu thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ... Và đây là một số trong rất nhiều vụ án liên quan đến thuốc nổ mà các đơn vị CA, Biên phòng Quảng Trị đã phát hiện và xử lý những năm qua.

Những vụ tương tự gây nhức nhối, bức xúc như trên vẫn thi thoảng diễn ra và mọi lời giải thích trở thành bao biện, khó chấp nhận. Bởi với người dân Quảng Trị, câu “Hãy tránh xa bom mìn” là thường trực và hơn ai hết họ chứng kiến tận mắt, đau thương mất mát của hơn 8.500 nạn nhân bom mìn tính từ năm 1975.

Trưng bày, tuyên truyền về phòng tránh bom mìn nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Hình ảnh, hoạt động tuyên truyền phòng tránh bom mìn đến từng nhà, từng thôn bản, đến từng lớp học... thấm sâu trong tâm trí mỗi người. Sau hàng chục năm khắc phục hậu quả chiến tranh, Quảng Trị đã hợp tác hiệu quả với tổ chức quốc tế triển khai các dự án rà phá bom mìn; là tỉnh đầu tiên có Trung tâm Hành động bom mìn và cũng là địa phương đầu tiên phối hợp thành lập được hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn quản lý trực tuyến. Các lực lượng chức năng, tổ chức phi chính phủ cũng đã nhận được hàng ngàn nguồn tin báo từ người dân khi phát hiện vật liệu nổ, để từ đó cất bốc, thu gom xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đau lòng xảy ra. Hàng ngàn nạn nhân và gia đình được hỗ trợ, vươn lên sau biến cố, nghịch cảnh. Giờ đây, sau những tiếng vang trời ở các bãi hủy nổ là thở phào, là sung sướng vì đã dần bớt đi được hiểm họa.

Quảng Trị hiện đang hướng đến mục tiêu năm 2025 là tỉnh đầu tiên trong cả nước “an toàn” không chịu tác động của bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Tại lễ mít-tinh phòng chống bom mìn đầy ấn tượng diễn ra vào tháng 4- 2019 vừa qua, ông Hoàng Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh cũng đã bày tỏ cảm ơn và mong muốn, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh tại địa phương thời gian tới.

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_206923_500-ngay-va-hon-nua-.aspx