'50 sắc thái': Tình yêu chiếm hữu, độc hại núp dưới vỏ bọc đạo đức

Khi cả thế giới lên án những gã đàn ông dùng quyền lực để lạm dụng tình dục nữ giới, bộ phim diễm tình vẫn ca ngợi tình yêu của tỷ phú kiểm soát từng bước đi, hơi thở của vợ mình.

Trailer 50 sắc thái tự do (Fifty Shades Freed) Phần cuối cùng trong loạt phim về mối tình đầy nhục dục giữa Anastasia Steele và Christian Grey.

Không chỉ đến phần cuối 50 sắc thái tự do (Fifty Shade Freed), mà trong toàn bộ loạt phim 3 phần, 50 sắc thái đã liên tục bị chỉ trích vì lý do tương tự. Loạt phim bị cho là đã đưa ra một thông điệp hai mặt, đạo đức giả về mối quan hệ giữa tình yêu và quyền lực, giữa ép buộc và đồng thuận trong tình yêu.

Lãng mạn hóa một tình yêu độc hại, lỗi thời

Theo Hollywood Reporter, thông điệp cũ mòn này đáng ra đã thuộc về thời quá khứ và không thể nào chấp nhận trong một Hollywood ngày càng tôn trọng sự đa dạng và quyền con người như hiện nay.

Dù ở góc nhìn nào, mối quan hệ giữa tỷ phú giàu có, quyền lực, đẹp trai Christian Grey và nữ biên tập viên có ngoại hình, gia cảnh bình thường Anastasia Steele vẫn là một mối quan hệ mang tính chất lạm dụng, kiểm soát bởi quyền lực. Và toàn bộ loạt phim, cũng như loạt sách gốc cùng tên, đã lãng mạn hóa, hào nhoáng hóa mối quan hệ này.

-----

“ "Thật phi lý khi vẫn tồn tại một bộ phim lãng mạn hóa mối quan hệ bất bình đẳng giữa đàn ông thích kiểm soát và phụ nữ chỉ biết phục tùng"”

- Variety

-----

Mặc dù vậy, cả loạt phim lẫn loạt sách cũng đều thất bại trong việc che giấu bản chất nói trên.

Lật lại thời điểm ra mắt của 50 sắc thái. Bộ sách gốc ra tập đầu vào năm 2011, làm mưa làm gió khắp thế giới với hàng trăm triệu bản bán ra.

Còn phim chuyển thể ra phần đầu vào năm 2015, gây sốt không kém bộ sách với doanh thu toàn cầu gần đạt 1 tỷ USD.

Như vậy, 50 sắc thái phần nào may mắn khi cả sách và phim đều ra mắt "trót lọt" trước khi rộ lên phong trào chống lạm dụng tình dục ở Hollywood nói riêng và xã hội Mỹ nói chung.

Đến tận năm 2017, Hollywood mới được thức tỉnh về vấn nạn lạm dụng tình dục khi bê bối của nhà sản xuất Harvey Weinstein vỡ lở. Tiếp đó là hai phong trào #MeToo và Time's Up diễn ra cả trên mạng lẫn trong đời thực.

Hình tượng nữ giới phục tùng, để đàn ông kiểm soát mọi mặt của cuộc sống đã lỗi thời. Ảnh: Universal Pictures.

Thực tế đó khiến các chủ đề về tình dục trong điện ảnh, đặc biệt là khố dâm và bạo dâm (BDSM) như trong 50 sắc thái đều trở nên cấm kị. May mắn cho loạt phim, đến lúc này nó cũng vừa khép lại và kiếm bộn tiền sau nhiều năm tung hoành.

Mặc dù vậy, cho đến tập phim cuối, 50 sắc thái vẫn tồn tại giữa hai thái cực yêu ghét của khán giả, đặc biệt bị giới phê bình ghét cay ghét đắng và cũng là đối tượng chỉ trích của các nhà hoạt động xã hội. Làn sóng chỉ trích diễn ra từ năm 2011, từ tập sách đầu tiên đến nay chưa hề dứt mà càng mạnh mẽ hơn.

Variety viết: "5 tháng sau phong trào #MeToo, tập cuối của 50 sắc thái ra rạp, và hình ảnh phục tùng của nhân vật nữ chính Ana Steele do Dakota Johnson chính là ví dụ hoàn hảo cho thời đại này".

Tờ báo nhấn mạnh mới chỉ năm 2015 thôi, những cuộc tranh luận xoay quanh 50 sắc thái vẫn còn là: bạo dâm, khổ dâm và cách thực hiện đúng, các cảnh nóng có đủ gợi cảm không, nhân vật Christian Grey của Jamie Dornan đẹp trai và quyến rũ đến mức nào...

Nhưng nay là năm 2018, và chủ đề đã thay đổi. 2018 là thời điểm để lột trần sự lạc hậu và độc hại của loạt phim này.

Nữ chính Ana Steele nhận khá nhiều "gạch đá" vì hình tượng "bánh bèo". Ảnh: Universal Pictures.

"Trong một thế giới nơi cuối cùng những hành vi lạm dụng phụ nữ cũng được thảo luận một cách sâu sắc, thật hoang đường khi vẫn tồn tại một bộ phim lãng mạn hóa mối quan hệ bất bình đẳng giữa một người đàn ông quyền lực, thích kiểm soát và một phụ nữ trẻ chỉ biết phục tùng", Hollywood Reporter chỉ ra.

Sự đạo đức giả của 50 sắc thái được vạch ra ở chỗ "miễn là các hành động không vi phạm pháp luật và được kẻ phục tùng chấp thuận, chúng ổn về mặt đạo đức". "Đó là cách lý giải vô cùng lỗi thời về việc lạm dụng bằng quyền lực", Hollywood Reporter khẳng định.

Dùng tiền và quyền chi phối tình yêu: Tàn tích lạc hậu

Sự chiếm hữu, kiểm soát của Christian đối với Ana được thể hiện vô số lần trong loạt phim bằng những tình tiết và lời thoại bị giới phê bình chê là sống sượng, thô thiển nhưng lại được phim ca ngợi như thể rất đàn ông và quyến rũ.

Cụ thể, Christian cho mình quyền kiểm soát toàn bộ thân thể và tinh thần của Ana, kiểm soát mọi đường đi nước bước và hoạt động của cô, theo nghĩa đen. Anh luôn có tai mắt khắp nơi để báo cáo Ana đang ở đâu, làm gì. Anh xông thẳng đến tận văn phòng trách cứ Ana vì chưa đổi tên trong email sang họ Grey.

Khi bước vào mối quan hệ với Christian, Ana chỉ được phép chơi với rất ít bạn bè. Hầu hết mối quan hệ của cô xoay quanh những người thân của anh. Khi họ đi nghỉ trăng mật trên một bãi biển khỏa thân, Christian nhất quyết bắt Ana mặc đồ bơi vì không muốn người đàn ông nào ngắm nghía cô.

Nam chính Christian Grey có nhiều điểm giống một bạo chúa nhưng đẹp trai, giàu có nên được tha thứ. Ảnh: Universal Pictures.

Trong loạt phim, nhân vật phản diện Jack Hyde được tạo ra như một kẻ bị ám ảnh với Ana và luôn theo dõi, từng định lạm dụng tình dục cô và tấn công Christian. Nhưng điều nghịch lý, theo Hollywood Reporter, là khán giả tìm thấy khá nhiều điểm chung trong tính cách của Jack và Christian, người luôn tỏ ra lo lắng bảo vệ Ana.

Chẳng hạn, Christian dùng tiền mua lại công ty xuất bản nơi Ana làm việc, biến mình thành "sếp của sếp của sếp" của cô, dùng quyền lực của một doanh nhân thành đạt để gây sức ép sa thải Jack. Đó là biểu hiện rõ nhất của việc lạm dụng sức mạnh của tiền và quyền ngay trong thứ gọi là tình yêu.

Về phía Ana, sau đó, sự nghiệp của cô thăng tiến. Điều này mang một thông điệp là phụ nữ nếu cần leo lên trong sự nghiệp thì nên cặp với sếp - một điều chẳng mấy tiến bộ, nếu không nói là đã quá lỗi thời.

Hollywood Reporter cho rằng các hành vi của nam chính Christian và nam phản diện Jack về bản chất chẳng khác là bao: đều dùng quyền lực để chiếm lấy người mình yêu thích.

Nhưng Christian được chấp nhận, coi như thần tượng vì Ana chấp thuận anh ta, còn Jack bị coi là kẻ phạm pháp đáng ghê tởm vì không được chấp thuận.

Nam phản diện Jack Hyde hành xử chẳng khác nào nam chính diện Christian Grey, trừ việc không được nữ chính yêu. Ảnh: Universal Pictures.

Mối quan hệ của Christian và Ana cũng được E.L. James, tác giả bộ sách gốc và các nhà làm phim chuyển thể rêu rao như một tình yêu đích thực, giúp Christian vượt qua quá khứ đen tối và đưa Ana đến với thế giới nhục dục đầy hấp dẫn của chồng.

Nhưng nếu nhìn về bản chất, đó là sự gán ghép đầy khiên cưỡng và thiếu thực tế. "Loạt phim là tàn tích của một thời quá khứ nhiều vấn đề bất cập hơn cả những gì mà các nhà phê bình từng nghĩ đến", Hollywood Reporter chốt lại.

Mi Ly

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/50-sac-thai-tinh-yeu-chiem-huu-doc-hai-nup-duoi-vo-boc-dao-duc-post819167.html