50% người làm văn phòng mắc chứng đau lưng, đau cổ

Người làm văn phòng với các thói quen ngồi nhiều, ít vận động, làm việc với máy tính nhiều đang có nguy cơ gặp các vấn đề lớn về sức khỏe.

Tại Lễ thành lập Hội Vật lý trị liệu Việt Nam ngày 20/1, bà Lê Thanh Vân - Phó Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam cho biết, bà và các cộng sự vừa làm một điều tra nhỏ về sức khỏe trên 1000 nhân viên văn phòng. Kết quả cho thấy, khoảng 50% nhân viên gặp các vấn đề: đau lưng, cong vẹo cột sống, đau vai gáy, vẹo cổ, cằm vươn ra phía trước do nhìn màn hình máy tính nhiều. Ngoài ra, nhiều người bị đau cổ tay cho đánh máy, bấm con chuột vi tính.

Một bài tập của vật lý trị liệu

"Các vấn đề này nếu không được phục hồi bằng vật lý trị liệu, đồng thời thay đổi các thói quen làm việc, tăng cường các bài tập phù hợp thì đến một ngày người bệnh sẽ bị đau lưng đến mức không chịu đựng được, sụt đĩa đệm xương sống, cong vẹo cột sống... Như vậy năng suất lao động sẽ giảm, chất lượng cuộc sống của các cá nhân cũng giảm sút" - bà Vân nhận định.

Theo ông Trần Văn Dần - Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam, vật lý trị liệu là một cho biết, vật lý trị liệu là các dịch vụ được cung cấp bởi người vật lý trị liệu dùng cho cá nhân và cộng đồng để phát triển, duy trì và khôi phục khả năng vật động và các hoạt động chức năng tối đa trong cuộc đời.

"Vật lý trị liệu có thể giúp một em bé vừa chào đời có dị tật cong vẹo chân, cổ do bị chèn ép trong bào thai, có thể giúp trẻ khắc phục tật cong vẹo cột sống do ngồi học sai tư thế, giúp người trưởng thành khắc phục chứng đau lưng, đau vai gáy do bệnh nghề nghiệp hoặc người già khỏi đau khớp, đau xương... Ngoài ra, vật lý trị liệu có thể giúp người bệnh nằm lâu ngày tránh bị xẹp phổi, người mổ sau chấn thương bị cứng khớp các bài tập phục hồi, nâng cao sức khỏe" - ông Dần nhấn mạnh.

Ông Dần cho biết, dù vật lý trị liệu rất quan trọng đối với đời sống con người, tuy nhiên hiện nay vai trò của nhân viên vật lý trị liệu chưa được đánh giá đúng. Các bệnh viện phía Nam đã có các khoa Vật lý trị liệu, nhưng ở ngoài Bắc, vật lý trị liệu nằm lẫn "đâu đó" trong khoa Phục hồi chức nắng, mặc dù, vật lý trị liệu có thể dùng nâng cao sức khỏe cho người khỏe mạnh đang có nguy cơ, chứ không chỉ dùng cho người bệnh.

Phương pháp can thiệp của vật lý trị liệu là các tác nhân vật lý không sử dụng thuốc như vận động liệu pháp, rèn luyện chức năng tại chỗ, trị liệu bằng tay, bằng điện... "Vật lý trị liệu chú trọng đến ngăn ngừa khiếm khuyết, giảm chức năng, khuyết tật và chấn thương bằng cách nâng cao và duy trì sức khỏe", ông Dần nhấn mạnh.

Ông Dần cũng cung cấp, hiện, cả nước có khoảng 3.000 nhân viên vật lý trị liệu.

Tuấn Kiệt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/song-khoe/50-nguoi-lam-van-phong-mac-chung-dau-lung-dau-co-949675.html