50 năm trước, con người lần đầu bước chân sang một thế giới khác

Neil Armstrong và Buzz Aldrin là những người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969, sau chuyến đi 3 ngày trên tàu Apollo 11 trong dự án tiêu tốn gần 30 tỷ USD của Mỹ.

Đây là hình ảnh tên lửa Satum V mang theo tàu con thoi Apollo 11 cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, đảo Merritt, bang Florida, Mỹ, ngày 16/7/1969. Đây là chuyến bay có người lái thứ năm được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện với mục đích vô cùng đặc biệt: đưa con người chinh phục Mặt Trăng. Ảnh: NASA.

Đây là hình ảnh tên lửa Satum V mang theo tàu con thoi Apollo 11 cất cánh từ Trung tâm vũ trụ Kennedy, đảo Merritt, bang Florida, Mỹ, ngày 16/7/1969. Đây là chuyến bay có người lái thứ năm được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện với mục đích vô cùng đặc biệt: đưa con người chinh phục Mặt Trăng. Ảnh: NASA.

Tàu Apollo 11 cần tới 3 ngày để đưa 3 nhà du hành vũ trụ người Mỹ là Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins tới Mặt Trăng, vệ tinh duy nhất của Trái Đất. Tàu Apollo 11 hạ cánh tại địa danh có tên Sea of Tranquility (Biển Tĩnh lặng) vào ngày 20/7/1969. Trong ảnh, phi hành gia Buzz Aldrin đứng bên quốc kỳ Mỹ cắm trên Mặt Trăng. Ảnh: NASA.

Trong ảnh là dấu chân của một phi hành gia trên Mặt Trăng. Trò chuyện với người dân Mỹ theo dõi trực tiếp sự kiện khi đó, phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng đã có câu nói bất hủ: "Đây là bước đi nhỏ bé của một người, nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại". Ảnh: NASA.

Hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã dành hai tiếng rưỡi thực hiện nhiệm vụ khám phá, chụp hình và thu thập mẫu vật trên bề mặt của Mặt Trăng để mang về Trái Đất, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Miêu tả về khung cảnh Mặt Trăng, phi hành gia Buzz Aldrin gọi đó là "sự hoang vu tráng lệ". Ảnh: NASA.

Cuộc đổ bộ Mặt Trăng của Apollo 11 được tường thuật trực tiếp và phát sóng trên toàn cầu. Khoảng 600 triệu người trên khắp thế giới theo dõi trực tiếp khoảnh khắc nhóm phi hành gia người Mỹ đặt chân lên Mặt Trăng qua truyền hình. Ảnh: NASA.

Nhà du hành Neill Armstrong nghỉ ngơi bên trong tàu Apollo 11. Ông mất vào năm 2012 ở tuổi 82. Ảnh: NASA.

Nhà du hành Buzz Aldrin trong tàu Apollo 11. Ảnh: NASA.

Sau thành công của nhiệm vụ Apollo 11, Mỹ tiếp tục thực hiện 5 chuyến bay khác đưa con người tới Mặt Trăng. Tổng cộng, 12 phi hành gia đã đặt chân lên Mặt Trăng, mang về 382 kg đá phục vụ nghiên cứu. Ảnh: NASA.

Các thành viên NASA ở Trung tâm Vũ trụ Houston ăn mừng sự thành công của nhiệm vụ khi tàu Apollo 11 đưa 3 phi hành gia trở về Trái Đất an toàn ngày 24/7/1969. Ảnh: NASA.

Khoảng 40.000 nhân viên chính thức, cùng hơn 350.000 nhân viên hợp đồng, đã được NASA huy động phục vụ kế hoạch đưa Apollo 11 lên Mặt Trăng. Chương trình Apollo phục vụ đưa người lên Mặt trăng từ 1960 tới 1973 tiêu tốn của Mỹ 28 tỷ USD, tương đương 288,1 tỷ USD trong giai đoạn hiện nay. Trong ảnh là nhà du hành Michael Collins trên tàu Apollo 11. Ảnh: NASA.

Phi hành gia Buzz Aldrin chuẩn bị bước những bước đầu tiên trên Mặt Trăng. Hình ảnh được phi hành gia Neil Armstrong ghi lại ngày 20/7/1969. Ảnh: NASA.

Sau những thành công của dự án Apollo, tầm quan trọng của nó trong mắt các chính trị gia Mỹ nhanh chóng giảm dần. Chương trình đắt đỏ này bị chấm dứt vào năm 1972, khi Mỹ chắc chắn Liên Xô, đối thủ trực tiếp trong Chiến tranh Lạnh, không có khả năng thực hiện những bước tiến tương tự. Ảnh: NASA.

Dự án Apollo từ thập niên 1960 đã tạo ra một tổ hợp công nghệ vũ trụ mà người Mỹ vẫn sử dụng cho tới ngày nay. Các trung tâm của NASA như Trung tâm Không gian Marshall ở Alabama, Trung tâm Vũ trụ Stennis ở Mississippi và cơ sở lắp ráp Michoud ở Louisiana đều được xây dựng cho chương trình Apollo, và vẫn tiếp tục chế tạo tên lửa cho NASA. Chúng giúp tạo ra hàng nghìn việc làm, đóng góp hàng tỷ USD vào nền kinh tế địa phương. Ảnh: NASA.

Vượt qua "cái bóng Apollo" là thách thức lớn nhất của NASA trong nửa thế kỷ qua. Mục tiêu hiện tại của Nhà Trắng là duy trì ưu thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, thu hoạch nguyên liệu trên Mặt Trăng và hỗ trợ ngành công nghiệp thương mại không gian. Chính quyền hiện tại của Tổng thống Trump cũng khuyến khích NASA đẩy nhanh tốc độ cho những dự án. Trong ảnh, bộ phận hạ cánh của tàu Apollo 11 đưa 3 phi hành gia đáp xuống vùng biển gần Hawaii ngày 24/7/1969. Ảnh: NASA.

Các nhà du hành vũ trụ Mỹ lần đầu gặp lại người thân sau khi trở về từ Mặt Trăng tại căn cứ không quân Ellington, Mỹ. Ảnh: NASA.

Duy Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/50-nam-truoc-con-nguoi-lan-dau-buoc-chan-sang-mot-the-gioi-khac-post968959.html