50 năm trọn nghĩa vẹn tình

Năm nay, Đại tá Phạm Khang, cựu phi công Trung đoàn 919 (nay là Đoàn bay 919, Tổng công ty hàng không Việt Nam) và bà Cao Thị Lan, nữ pháo thủ Đại đội pháo cao xạ Triệu Thị Trinh, tỉnh đội Thanh Hóa (nay là Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) kỷ niệm 50 năm ngày nên duyên vợ chồng. Qua bao khó nhọc cho đến khi tuổi xế chiều ông bà mới được hưởng niềm vui gia đình trọn vẹn.

 Hạnh phúc tuổi già của ông bà Phạm Khang-Cao Thị Lan.

Hạnh phúc tuổi già của ông bà Phạm Khang-Cao Thị Lan.

Ngôi làng Mân Chung, xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa là nơi ông bà có những năm tháng tuổi thơ gắn bó. Ngày còn ở quê, gia đình hai bên đều nghèo khó. Hằng ngày trên cánh đồng làng hai người vẫn thường chăn trâu cắt cỏ, bắt tép lội bùn. Năm 1959, chàng thanh niên Phạm Khang lên đường nhập ngũ huấn luyện phi công. Đến năm 1967 cô gái Cao Thị Lan cũng xung phong vào bộ đội. Những bức thư thời chiến hai người viết vội trao gửi nơi mưa bom bão đạn coi đó là sợi dây gắn bó chất chứa bao nỗi nhớ niềm thương. Tình đồng hương, đồng chí cứ lớn dần cho đến năm 1970 cả hai quyết định xây dựng mái ấm gia đình. Chuyện cưới hỏi giữa những năm bom đạn chiến tranh vô cùng gian nan. Anh Khang là phi công ở đơn vị thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Dù hai gia đình đã định ngày giờ hôn lễ, nhưng cứ hễ chuẩn bị lên đường lại có việc đột xuất phải trực tại sân bay. Phải đến lần thứ 3 anh mới tranh thủ về được Thanh Hóa. Khi đó ở quê đã chuẩn bị sẵn mọi việc, tất cả các thủ tục đều được giản tiện. 3 ngày ở nhà cưới vợ trôi qua nhanh chóng, anh Khang trở lại đơn vị.

Khi đơn vị giải thể thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp trên, chị Lan xuất ngũ chuyển về làm nhân viên kế toán phụ trách cửa hàng bách hóa Hàm Rồng (Thanh Hóa). Tiếng là vợ chồng nhưng thời gian gần gũi chẳng được là bao. Người vợ trẻ một mình ở quê nhà còn anh phi công Phạm Khang mải miết bên những cánh bay vào Nam ra Bắc. 10 năm xây dựng gia đình nhưng anh chị chưa được nghe tiếng khóc trẻ thơ. Thương người vợ trẻ vò võ một mình, anh Khang quyết định đưa vợ ra Hà Nội, xin làm nhân viên nấu cơm trong đơn vị. Đây là một quyết định rất khó khăn khi phải ly hương, từ bỏ công việc thuận lợi là cửa hàng trưởng bách hóa có tiếng của tỉnh. Nhưng vì gia đình, chị quyết tâm theo chồng ra Bắc chấp nhận làm công việc vất vả. Để giải tỏa những áp lực từ gia đình hai bên cũng như dư luận xung quanh, anh chị quyết định nhận con nuôi. Có thành viên mới, vợ chồng có thêm niềm vui trong cuộc sống để rồi 5 năm sau sinh được người con trai kháu khỉnh. Hành trình 15 năm vất vả, cả hai đều cố gắng vượt qua để có được “trái ngọt” hạnh phúc. Nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác lại có ngoại hình khá, chị Lan được cấp trên lựa chọn vào đội tiếp viên nhưng anh Khang chủ động xin rút phần vì công việc thường xuyên phải đi xa, phần vì vợ chồng cùng công tác sẽ khó làm việc. Do vậy, anh chấp thuận để vợ về công tác tại Trường Mầm non Chim Én-nơi chăm sóc con em cán bộ nhân viên trong đơn vị.

Năm 1990, Đoàn bay 919 rút về Bộ Giao thông-Vận tải, ông Phạm Khang cũng xin nghỉ hưu. Tuy vậy, cuộc sống của ông bà vẫn chưa hết khó khăn. Con cái sinh muộn nên vẫn cần bàn tay chăm sóc, nuôi dưỡng. Còn ông Khang, tuổi cao sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, phát sinh nhiều bệnh do di chứng thời trẻ bị chấn thương cột sống khi nhảy dù. Hằng tháng, ông phải sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị. Nguy hiểm nhất là căn bệnh huyết áp rối loạn lúc nên lúc xuống thất thường. Biết ông sức khỏe yếu, trong người lại mang nhiều bệnh tật nên bà Lan thường xuyên ở bên săn sóc. Từ bữa ăn giấc ngủ của ông đều có bàn tay bà nâng đỡ. Cả 4 lần ông bị tai biến, tưởng như thập tử nhất sinh nhưng bà đều bình tĩnh xử lý, kịp thời đưa ông đi điều trị. Có những đợt nằm viện kéo dài, bà không quản vất vả ngày đêm ở bên nâng giấc, bón cho ông từng thìa cháo, hớp nước không phiền lụy đến con cái.

50 năm làm vợ, khi thì xa cách, có lúc chịu nhiều thiệt thòi tủi thân, nhưng bà Lan vẫn luôn dành tình yêu và thái độ trân trọng nhất mực với ông Khang. Bà cảm phục sự chân thành sâu nặng nghĩa tình của ông. Bởi ông Khang có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều phụ nữ nhưng vẫn thủy chung trở về bên người vợ gắn bó từ thời gian khó nơi quê nhà. Có những thời điểm, vợ chồng hiếm muộn con cái nhưng ông không hề nghĩ chuyện “rẽ ngang” mà luôn động viên bà với tâm niệm cả hai cùng cố gắng thì hạnh phúc sẽ mỉm cười.

Giờ đây khi tóc bạc da mồi, tuổi già xế bóng, ông bà vẫn luôn sánh bước bên nhau bù đắp những ngày xa cách, cùng hưởng niềm vui sum vầy bên con cháu.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/50-nam-tron-nghia-ven-tinh-612215