50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019): Bác Hồ với Thanh Hóa

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tỉnh Thanh luôn giữ vị thế chiến lược quan trọng. Với tầm nhìn bao quát và sâu sắc, khi cùng với Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định phát động toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vị thế chiến lược của Thanh Hóa có thể trở thành hậu phương vững mạnh, ngăn chặn được những cuộc tấn công lấn chiếm của thực dân Pháp; đồng thời tỉnh Thanh có thể đảm đương trách nhiệm cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến để đánh Pháp thắng lợi.

Ảnh minh họa.

Bởi vậy, ngay sau ngày phát động toàn quốc kháng chiến, ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên trước khi Người lên Chiến khu Việt Bắc. Buổi sáng, Người nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh ở Rừng Thông (Đông Sơn). Buổi chiều, Bác gặp gỡ các đại biểu nhân sĩ, trí thức, phú hào tại nhà làm lúa của Đỗ Hùng (Phủ Hùng, gần Núi Một). Buổi tối, Bác nói chuyện với đồng bào thị xã Thanh Hóa tại nhà Bác Cổ (nay là địa điểm Công ty CP Phát hành sách Thanh Hóa). Trong các buổi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh, Người đã đề cập đến những vấn đề rất quan trọng về chủ trương kháng chiến và kiến quốc, về công tác cán bộ. Người phân tích sâu sắc những vấn đề quan trọng của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh mà nhân dân ta đang tiến hành. Trên cơ sở đó, Người đã giao cho Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, làm hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến. Đối với Thanh Hóa, nhiệm vụ xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu gắn liền với nhiệm vụ xây dựng địa bàn chiến lược, vị thế chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng quan tâm chỉ đạo, đôn đốc và khích lệ thực hiện từ lúc mở đầu toàn quốc kháng chiến cho tới khi miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng CNXH, chống Mỹ cứu nước.

Bác đã chỉ đạo Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu thì phải “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm, người nào cũng biết chữ, người nào cũng biết đoàn kết yêu nước”. Đồng thời Bác cũng chỉ ra cách làm: Dựa vào dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân, phải xây dựng được tinh thần tự lực, tự cường, không ỉ lại Chính phủ... Để xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, đoàn thể, chính quyền phải biết tổ chức và phát động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, dạy cho dân biết chữ. Cán bộ là khâu quyết định tổ chức vận động nhân dân làm nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, vì vậy trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã nhấn mạnh đến vị trí, tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng. Bác yêu cầu người cán bộ cách mạng phải là đầy tớ trung thành của dân, đồng thời Bác cũng đề nghị dân phải giúp đỡ, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Đáp lại lòng mong mỏi, tin yêu, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của, đảm bảo hậu cần cho tiền tuyến lớn và là căn cứ, chỗ dựa vững chắc cho các cơ quan Trung ương, Khu III, Khu IV, các đại đoàn quân chủ lực Việt Nam, các đơn vị Pa Thét Lào, các đơn vị bộ đội tình nguyện giúp bạn Lào và hàng chục vạn đồng bào tản cư.... Những đóng góp to lớn của quân và dân Thanh Hóa vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được Trung ương Đảng, Chính phủ ghi nhận, được Bác Hồ khen ngợi khi Người về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (từ ngày 13 đến 14-6-1957): “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Trong lần về thăm Thanh Hóa vào tháng 6-1957 và tháng 12-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi, biểu dương Thanh Hóa đã đạt được nhiều tiến bộ trong sản xuất, chiến đấu, phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng chính quyền nhân dân, trở thành hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Thanh Hóa đã xây dựng được nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, trong giáo dục, y tế. Đồng thời, Người cũng chỉ ra những mặt thiếu sót, khuyết điểm mà Thanh Hóa cần khắc phục để trở thành tỉnh kiểu mẫu. Khi về thăm Sầm Sơn, Người nói: “Nếu nơi đây có một hệ thống du lịch khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”. Đến thăm, nói chuyện tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ VI, Bác căn dặn “các cô, chú phải bàn thiết thực để thi đua thế nào cho nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chống được lãng phí, thi đua giữa nhà máy này với nhà máy khác”, “nhà máy phải giúp đỡ hợp tác xã cải tiến nông cụ và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa. Phải giúp đỡ có kế hoạch, từ đầu đến cuối, giúp có thủy có chung”...

Lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng Người về thăm Thanh Hóa năm 1961, Bác đã đến thăm Nhà máy cơ khí Thanh Hóa, HTX Thành Công, HTX nông nghiệp Yên Trường (Yên Định)... Nói chuyện với đồng bào, cán bộ, Người đã chỉ ra mục đích của sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta và nhân dân ta đang tiến hành rất cụ thể “Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho nhân dân”, “Muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội thì nhân dân ta phải nâng cao tinh thần làm chủ”, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Người yêu cầu các cấp lãnh đạo phải lãnh đạo cụ thể hơn nữa, đi sâu, đi sát hơn nữa, đối với mọi việc phải có biện pháp cụ thể hơn nữa. Người chỉ đạo phải coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ; phát huy vai trò xung phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên; phát triển sản xuất, đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động... “làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Những tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thanh Hóa thật sâu rộng. Hầu hết các lĩnh vực đều được Người đề cập và cho những ý kiến chỉ đạo quý báu. Những kết quả mà đảng bộ, quân và dân tỉnh Thanh đạt được đều được Người theo dõi, biểu dương, khen ngợi, động viên kịp thời. Bên cạnh đó Người cũng nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế Thanh Hóa cần phải khắc phục, vì một “Thanh Hóa kiểu mẫu” như Người mong muốn. Sự mong muốn của Bác đối với Thanh Hóa lúc sinh thời đã, mãi và sẽ là nguồn sức mạnh động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vượt lên khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh giàu, đẹp, thành tỉnh kiểu mẫu, như sinh thời Bác đã căn dặn.

Việt Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-1969-2019-bac-ho-voi-thanh-hoa/105502.htm