50 năm sau khi Mỹ lên Mặt Trăng, TQ gần đuổi kịp trong cuộc đua vũ trụ

Theo một chuyên gia, chương trình không gian của Trung Quốc hiện tại có lẽ chỉ còn chậm hơn Mỹ từ 10 đến 15 năm về mặt công nghệ.

Năm mươi năm trước, khi các phi hành gia trên tàu Apollo 11 trở thành những người đầu tiên đặt chân Mặt Trăng, chương trình không gian của Trung Quốc vẫn chưa thể phóng một vệ tinh nào.

Cuộc chạy đua không gian khốc liệt giữa Mỹ và Liên Xô khiến cho chương trình vũ trụ của Bắc Kinh được đánh giá là tụt hậu 40 năm, và phải đến năm 2003, nước này mới lần đầu tiên đưa người vào không gian.

Song trong những năm gần đây, khi Trung Quốc ngày càng giàu có và hùng mạnh hơn, chương trình không gian của họ cũng phát triển nhanh chóng, theo CNN.

Hình ảnh tàu đổ bộ Hằng Nga 4 trên Mặt Trăng được chụp từ xe tự hành Ngọc Thố 2, khi Trung Quốc đưa tàu lên vùng tối Mặt Trăng hồi đầu năm nay. Ảnh: AFP.

Hình ảnh tàu đổ bộ Hằng Nga 4 trên Mặt Trăng được chụp từ xe tự hành Ngọc Thố 2, khi Trung Quốc đưa tàu lên vùng tối Mặt Trăng hồi đầu năm nay. Ảnh: AFP.

Thành tích đáng nể

Với hàng tỷ đô-la được đầu tư bởi chính phủ, Bắc Kinh đã phóng các phòng thí nghiệm không gian và vệ tinh lên quỹ đạo, và thậm chí trở thành quốc gia đầu tiên đưa vệ tinh lên vùng tối của Mặt Trăng.

Các công ty tư nhân Trung Quốc cũng đang đầu tư nghiên cứu vũ trụ và các công nghệ liên quan. Vụ phóng vệ tinh tư nhân thành công đầu tiên của nước này diễn ra hồi tháng 5/2018.

Bắc Kinh thậm chí còn có những tham vọng lớn hơn, với việc khởi động các chương trình đưa phi hành gia lên Mặt Trăng và sau đó là Sao Hỏa.

"Trung Quốc đơn giản là lớn hơn tất cả các nước khác - họ có nhiều nhân sự hơn, nhiều kỹ sư hơn, nhiều nhà khoa học hơn", ông Blaine Curcio, nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường công nghiệp vũ trụ Orbital Gateway Consulting, có trụ sở tại Hong Kong, nhận định.

"Hàm ý ở đây là, nếu họ (Trung Quốc) tiếp tục cải thiện và nhân rộng, họ nhiều khả năng sẽ trở thành cường quốc (không gian) hàng đầu vào một thời điểm nào đó. Vấn đề chỉ là thời gian".

Khi cuộc đua vũ trụ bắt đầu vào cuối những năm 1950, lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông từng tuyên bố: "Chúng ta cũng sẽ tạo ra những vệ tinh".

Chỉ mất hơn 10 năm để Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên - Đông Phương Hồng 1 - vào ngày 24/4/1970, thời kỳ cao điểm hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Do các hoạt động nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian này, thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai đã đưa chương trình không gian vào lực lượng quân đội để bảo vệ nó, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã.

Được hỗ trợ bởi cải cách kinh tế từ thập niên 1980, chương trình không gian của Trung Quốc phát triển thầm lặng cho đến khi nước này lần đầu tiên đưa người vào vũ trụ năm 2003. Kể từ đó, Bắc Kinh đã đưa 6 phi hành gia vào vũ trụ và phóng 2 phòng thí nghiệm không gian vào quỹ đạo của Trái Đất.

Phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 quay trở lại Trái Đất trong một vụ phá hủy có kiểm soát hôm 19/7, sau khi đã vượt quá thời gian sử dụng dự kiến 2 năm của nó.

Trong thời gian hoạt động, Thiên Cung 2 đã thực hiện 14 nhiệm vụ và trở thành nơi lưu trú cho một nhóm phi hành gia, những người đã tham gia vào sứ mệnh không gian dài nhất của Trung Quốc kéo dài 33 ngày.

Năm 2013, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga đổ bộ thành công lên Mặt Trăng, sau khi xe tự hành Ngọc Thố 1 đáp xuống vệ tinh của Trái Đất.

Bắc Kinh còn làm tốt hơn thế vào năm 2019, khi xe tự hành Ngọc Thố 2 hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng, một thành tích mà Jim Bridenstine, nhà quản lý tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), ca ngợi là "lần đầu tiên của nhân loại và một thành tích ấn tượng".

Nhiệm vụ chính của Ngọc Thố 2 là nghiên cứu và khám phá một khu vực trước đây chưa từng được nhân loại chạm tới, và trả lời câu hỏi liệu các hố của Mặt Trăng có nước hoặc các nguồn tài nguyên khác hay không.

Tàu Hằng Nga 4 được phóng lên không gian hồi tháng 12/2018 với nhiệm vụ đổ bộ xuống vùng tối của Mặt Trăng và đưa xe tự hành Ngọc Thố 2 đi thám hiểm khu vực này. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trong một tuyên bố, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết cuộc đổ bộ đã "mở ra một chương mới trong hành trình khám phá Mặt Trăng của loài người".

Nó cũng cho thấy công nghệ vũ trụ của Trung Quốc đã tiến bộ như thế nào.

Cuộc đua bạc tỷ

Không có số liệu chính thức về đầu tư của Trung Quốc vào thăm dò vũ trụ, nhưng công ty tư vấn Euroconsult ước tính con số này vào khoảng 5,8 tỷ USD cho năm 2019.

Số tiền này chỉ bằng khoảng một phần tư ngân sách 22,6 tỷ USD mà NASA yêu cầu quốc hội năm 2020. Mặc dù có cách biệt về số tiền tài trợ, nhưng tham vọng vũ trụ của Trung Quốc không nhỏ hơn so với Mỹ.

Không gian là thứ được chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 như một lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, đặc biệt là các chuyến thám hiểm không gian sâu và đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, chính phủ nước này đang đặt mục tiêu cải thiện năng lực nghiên cứu vũ trụ thông qua việc phóng các vệ tinh và phòng thí nghiệm không gian mới, cũng như ký các thỏa thuận thăm dò không gian với nhiều đối tác, bao gồm Pakistan.

Kiến trúc sư chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc, ông Ngô Vĩ Nhân, từng nói hồi tháng 3 năm nay rằng chính phủ Trung Quốc sẽ phóng tàu thăm dò Sao Hỏa vào năm 2020. Bắc Kinh cũng có kế hoạch đưa một trạm vũ trụ cố định lên không gian vào năm 2022.

Thậm chí Trung Quốc còn có kế hoạch sơ bộ để trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đưa người lên Mặt Trăng, có thể vào thập niên 2030. Điều này nghe có vẻ đầy tham vọng, nhưng nhà phân tích Curcio cho rằng Trung Quốc đang phát triển rất đều đặn trong các kế hoạch không gian của họ.

"Nếu bạn nhìn vào những gì họ đã nói cách đây 10 năm... họ đang đạt được những mục tiêu đó", ông Curcio cho biết.

Và không chỉ là cuộc chơi riêng của chính phủ. Lấy cảm hứng từ câu chuyện SpaceX của tỷ phú Elon Musk, ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân của Trung Quốc nay đã lên tới 60 công ty. OneSpace trở thành công ty tư nhân đầu tiên của nước này phóng thành công tên lửa đẩy vào năm 2018 - chiếc OS-X cao 9 mét được phóng đi từ một trung tâm ở phía tây bắc đất nước - dù công ty này mới chỉ thành lập được 3 năm.

OneSpace là nhà sản xuất tên lửa đẩy tư nhân đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

"Hiện tại ở Trung Quốc có môi trường thuận lợi. Mọi người rất tích cực và đam mê về hàng không vũ trụ còn chính phủ thì hỗ trợ và hướng dẫn chúng tôi. Trung Quốc chắc chắn sẽ bắt kịp và vượt qua chương trình không gian của Mỹ", ông Mã Siêu, chủ tịch của OneSpace cho biết.

Trung Quốc không đơn độc trong việc cố gắng đẩy nhanh chương trình không gian của họ. Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản đã thành công trong việc đưa tàu tự hành lên tiểu hành tinh Ryugu trong một phần của nghiên cứu về sự hình thành của Hệ Mặt Trời. Ấn Độ trong khi đó đang tiến rất gần đến việc trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh trên Mặt Trăng.

Song chỉ có Mỹ và Trung Quốc là đang tích cực cố gắng đưa người lên Mặt Trăng trong tương lai gần, gợi lại những hình ảnh trong quá khứ của cuộc cạnh tranh thời Chiến tranh Lạnh giữa Washington và Moscow. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu NASA đưa người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024.

Chuyên gia Curcio cho rằng theo ước tính của ông, chương trình không gian của Trung Quốc hiện tại có lẽ chỉ còn chậm hơn Mỹ từ 10 đến 15 năm về mặt công nghệ.

"Họ đã bắt kịp khá nhanh", ông nói.

Sơn Trần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/50-nam-sau-khi-my-len-mat-trang-tq-gan-duoi-kip-trong-cuoc-dua-vu-tru-post968932.html