50 năm Ngã ba Đồng Lộc: Đổi mới trên quê hương anh hùng từng nhuốm máu và hoa!

Đã 50 năm đi qua, Ngã Ba Đồng Lộc vẫn là địa chỉ đỏ cho hàng triệu con người tìm về vinh quang quá khứ. Một ngã ba muôn đời tỏa sáng chân lý 'Không có gì quý hơn độc lập và tự do', tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc.

Ngã 3 Đồng Lộc ngày hôm nay.

Ngã 3 Đồng Lộc ngày hôm nay.

Hành hương về địa chỉ đỏ

Cuộc hẹn hò lịch sử 50 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc đang xích lại gần. Dường như nhắc đến cái tên Ngã ba Đồng Lộc, ai cũng bồi hồi xúc động và tự hào.

Bao nhiêu chàng trai, cô gái phơi phới tuổi xuân đã ngã xuống mảnh đất này hóa thành những bông hoa bất tử. Những đồng đội của họ trở về sau chiến tranh bây giờ đã bước vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng mỗi lần nhắc tới “địa chỉ đỏ” này nước mắt ai cũng nhòa lệ.

Nữ anh hùng La Thị Tám, người con gái đứng trên đài quan sát đỉnh núi Mòi “đếm từng loạt bom rơi” tâm sự: “Chúng tôi chỉ có mục tiêu lớn nhất lúc đó, hãy bằng mọi giá đảm bảo cho mạch máu giao thông được thông suốt. Bởi chỉ cần mươi phút tắc nghẽn, xe có thể bị cháy vì bom đạn Mỹ ném, quân lương và hàng hóa sẽ bị thiêu trụi, nên lúc đó chẳng ai sợ cả, dẫu có chết cũng thấy thanh thản vô cùng ”.

Tôi đứng trên tháp chuông Đồng Lộc cao vợi, từ tháp chuông này nhìn bốn phía Đồng Lộc mênh mông xanh. Màu xanh rất riêng bầu trời Can Lộc, màu xanh rất riêng của đồi thông Đồng Lộc. Dưới chân những đồi thông xanh ấy, là làng nối làng, ruộng nối ruộng trải dài. Một tiếng chuông ngân, từ tháp chuông ngã ba này, đã trở thành tiếng chuông thiêng sâu lắng giữa không gian và thời gian. Nhịp chuông dài, cầu nguyện cho Mười cô gái thanh niên xung phong – Mười vầng trăng trinh nữ, cùng với trăm chiến sĩ và thanh niên xung phong đã ngã xuống Ngã ba Đồng Lộc an giấc ngàn thu.

Những ai về với Đồng Lộc hãy cùng ngước lên tượng đài chiến thắng để soi lại mình. Soi lại những nụ cười tươi rói, và ấm áp nghĩa tình đồng đội, soi lại một thời áo khét mùi đạn bom, đầu tóc cháy sém vì nắng lửa. Dường như, tri ân quá khứ, tri ân những người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đã thành ý thức tự nguyện trong mỗi người dân Việt Nam. Chính vì thế, khách đến ngã ba và thăm khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc đều thầm lặng như mạch suối tìm về nguồn cội.

Khi hoa dâng trên mộ chí càng dày, mỗi người ở từng thế hệ khác nhau, càng hiểu thêm giá trị ngã ba nhuốm máu này. Năm mươi năm đi qua, tại khu lưu niệm và phòng trưng bày truyền thống, mọi người đã lặng ngắm từng kỷ vật nhỏ, lật lại từng trang sách, xem lại từng bài báo cũ, lại thấy hình ảnh sáng ngời của 10 nữ anh hùng TNXP: La Thị Tám, Uông Xuân Lý, Nguyễn Tiến Tuẩn, Nguyễn Tri Ân và bao nhiêu tấm gương dũng sĩ.

Quên sao được Ngã ba Đồng Lộc, một điểm nút giao thông quan trọng bậc nhất mà kẻ địch tìm mọi cách bao vây, chốt chặn. Để hòng làm tắc nghẽn huyết mạch này, không lực của đế quốc Mỹ đã dùng đủ loại bom, huy động hàng loạt máy bay tối tân nhất, để biến Ngã ba Đồng Lộc thành “ túi bom” khổng lồ nhất hành tinh.

Người cựu chiến binh Lê Chí Kiên, trên ngực vẫn còn chói ngời huân huy chương, đưa bàn tay khô ráp bắt tay tôi, bàn tay ông còn hừng hực sức nóng của chiến sự năm nào.

Ông Kiên kể lại với tôi rằng: “Lúc tôi tới Ngã ba Đồng Lộc là cậu lính pháo mới 21 tuổi, bây giờ đã ngoài tuổi bảy mươi. Nhưng không bao giờ quên được sự ác liệt, tang tóc với niềm tin chiến thắng mãnh liệt tại “tọa độ lửa” này. Chú cứ tính thử xem, bình quân mỗi tháng chúng đến thả bom 28 ngày. Có ngày phản lực của đế quốc Mỹ nhào tới 103 lần và thả 800 quả bom, thì đá cũng bị xay thành bột, chứ chưa nói ngô, lúa trên đồng. Chỉ tính riêng tháng 5 năm 1968, chúng đã thả xuống Đồng Lộc gần 5 vạn quả bom. Thế nhưng dân Đồng Lộc vẫn bám trụ, sát cánh hợp đồng chiến đấu cùng với lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội pháo cao xạ Trung đoàn 210, với tinh thần “ xe chưa qua nhà không tiếc”.”.

Nghe ông Kiên kể đến đây, tôi lại thấy nước mắt ông giàn dụa, khi nghĩ về vinh quang quá khứ, khi nghĩ về đồng đội mình. Với 148 ngày đêm, các khẩu pháo cùng vươn nòng lên trời cao “giăng lưới lửa vây lũ giặc trời”. Mỗi lần máy bay của đế quốc Mỹ bốc cháy, là mỗi lần tiếng reo hò của quân dân vang trời, dậy đất. Nhưng chiến thắng nào của chiến tranh, mà chẳng phải đánh đổi bằng sự hy sinh mất mát, 122 đồng chí, đồng đội cũ của cựu chiến binh Lê Chí Kiên đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Các anh đã tạc vào núi Hồng sông La “bức tượng vàng” thế kỷ.

Càng bị quân và dân ta liên tục tiến công và lập công giòn giã, đế quốc Mỹ càng đau điếng và không trừ một thủ đoạn, âm mưu nào. Xã Đồng Lộc và các xã phụ cận Trung Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc đâu đâu cũng dày đặc những hố bom tội lỗi của kẻ thù. Riêng xã Đồng Lộc đã chịu đựng nhiều đau thương mất mát với 403 người chết, 192 người bị thương và hàng trăm ngôi nhà đã cháy thành than. Đáng thương nhất, trong một buổi chiều tháng 2 năm 1968, tại trường cấp 1 xã Đồng Lộc, đế quốc Mỹ đã mang bom sát hại 12 em học sinh lớp 3, khi các em đang ngồi nghe cô giáo giảng bài tại lớp.

Nỗi đau cứ chồng lên nỗi đau, nhưng quân và dân nơi đây không chịu khuất phục trước kẻ thù, tâng tầng lớp lớp nhân dân đã trở thành “lũy thép” vững chắc cho các lực lượng cùng tiến bước. Hàng ngàn người dân đã băng mình, đến những nơi nóng bỏng nhất. Họ huy động mọi vật dụng, để làm thông đường cho xe qua.

Khi xe gặp sự cố, họ băng mình vào lửa, giải tỏa lương thực, vũ khí, hàng tiếp vận đến địa điểm an toàn. Nhiều gia đình đã tự nguyện đưa thương binh về chăm sóc. Nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn làm kho, mở đường tránh, làm trạm cứu thương... Càng thiếu thốn càng giàu lòng cưu mang, đùm bọc. Chính ngã ba anh hùng này, thắp sáng ngọn lửa lương tri thời đại từ những hành động đẹp như thế.

Đường lên tháp chuông ở Ngã 3 Đồng Lộc.

Đồng Lộc xanh lên từ đất lửa

Từ Ngã ba Đồng Lộc, về thăm lại xã Đồng Lộc, chắc những người đã từng đội mưa bom, bão đạn thời ấy sẽ không khỏi ngạc nhiên.

Những ngọn đồi cằn trơ sỏi đá, chi chit hố bom năm xưa, bây giờ đã lợp kín những mùa hoa trái.

Ông Trần Đình Hưng (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lộc) tâm sự: “Chúng tôi là những người cán bộ hậu sinh. Nhưng đều hiểu được rằng sau chiến tranh xã Đồng Lộc, phải đương đầu với nhiều thử thách cam go. Những tàn dư chiến tranh để lại cho quê hương Đồng Lộc thật nặng nề. Chính lúc này, nhân dân nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, với phương châm “hãy tự cứu lấy mình trước”.

Mảnh đất làm ăn, không được “thiên thời- địa lợi - nhân hòa” ưu ái thì tất cả mọi người đều biết đồng cam cộng khổ, để mảnh đất này phải “thơm lúa, thơm hoa”. Xã Đồng Lộc với diện tích hơn 1875 ha, nhưng để chinh phục đất đai, biến những vùng đất hoang trở thành hàng hóa, thành cây có giá trị kinh tế cao, là cả một cuộc cách mạng lớn của toàn xã hội. Cách mạng về thủy lợi, về giao thông nông thôn, về giống mới... Những cái mới đến cùng một lúc, đối với người dân Đồng Lộc trong hoàn cảnh ấy, thật muôn vàn khó khăn. Nhưng dù "lực bất tòng tâm”, nhưng Đồng Lộc quyết không để tụt hậu trước xu hướng đi lên tất yếu của thời đại.

Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc Phan Hưng cho biết: Từ năm 1976 – 1979, xã Đồng Lộc mở đầu mũi “đột phá” quy hoạch lại đất đai, thôn xóm, cải tạo đồng ruộng. Việc “phẩu thuật” và “chỉnh hình” cho đất, phải kiên nhẫn tới 3 năm ròng, mới lành lặn vết thương. Thực hiện cơ chế khoán ruộng, giao đất cho nông dân, nhiều gia đình phấn khởi, phát huy nguồn lực sáng tạo, để xóa hẳn cơ chế cũ, sau bao năm kìm hãm. Khi người dân được phát huy quyền làm chủ, cuộc tiến công vào mặt trận “xóa đói giảm nghèo”, do địa phương phát động, càng được nhân dân hào hứng làm theo.

Để giúp cho nông dân Đồng Lộc và các xã phụ cận có đủ nước tưới cho lúa, huyện Can Lộc đã tập trung chỉ đạo xây dựng công trình thủy lợi Cửa Thờ - Trại Tiểu, với trữ lượng 19 triệu m3 nước, đủ nước tưới cho 190ha lúa. Năm 1997, xã Đồng Lộc là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Can Lộc, từ sản xuất 2 vụ lúa chuyển sang 3 vụ lúa... Đồng Lộc lặng thầm và bền bỉ trong làm kinh tế. Mỗi một thập kỷ đi qua, cấp ủy và chính quyền xã Đồng Lộc, đều đúc rút bài học kinh nghiệm, nhìn rõ những mặt mạnh, mặt yếu và hoạch định mục tiêu cụ thể cho chặng đường mới.

50 năm đi qua, với sự hội nhập tư duy mới và công nghệ mới kỹ thuật số, xã Đồng Lộc càng sáng lên gam màu bức tranh quê. Một điều, nhân dân phấn khởi nhất, đó là “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo, Đảng giao cho dân “mở” đã thành công. Hiện nay, tổng sản lượng lương thực toàn xã đạt hơn 3145 tấn, bình quân đầu người 590kg, thu nhập gần 23 triệu/người/năm. Đi khắp 9 thôn, từ Tân Hương đến Kiến Thành, đâu đâu cũng thấy đường bê tông hóa. Dân râm ran bàn chuyện sản xuất chăn nuôi, chuyện xây dựng nông thôn mới. Chuyện đấu thầu đất, mở trang trại, chuyện khoanh vùng nuôi dê, nuôi trâu bò, chuyện cải tạo đất, làm vườn mẫu.

Đâu chỉ có chuyện làm kinh tế, Đồng Lộc đang lấy kinh tế làm “điểm tựa” để tất cả văn hóa, giáo dục, y tế cùng vận hành, cùng phát triển. Không vui sao được, khi chúng tôi tới thăm Trường tiểu học Đồng Lộc và Trường trung học cơ sở Đồng Lộc, trường nào cũng đạt chuẩn, đơn vị nào cũng đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến.

Đúng đất Đồng Lộc đã nuôi dưỡng niềm tin và nghị lực cho thế hệ trẻ này, bằng sự hy sinh vô giá của những người đi trước.

Một ngã ba anh hùng đã nhuộm bằng xương máu của bao nhiêu người con trong cả nước và nhân dân xã Đồng Lộc, đã anh dũng hy sinh, để cho những đoàn xe ngày đêm vượt mưa bom bão đạn nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Ngã ba đã làm nên những chiến công hiển hách, tô thắm thêm trang sử dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Ngã 3 Đồng Lộc, tháng 4/2018

Bút ký của Phan Thế Cải

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/50-nam-nga-ba-dong-loc-doi-moi-tren-que-huong-anh-hung-tung-nhuom-mau-va-hoa-post265490.info