50 năm đào tạo đại học - chặng đường vẻ vang của Học viện An ninh nhân dân

1 Học viện An ninh nhân dân (ANND) - tiền thân là Trường Huấn luyện công an thành lập ngày 25-6-1946. Ðể đáp ứng yêu cầu của chính quyền cách mạng non trẻ, hơn 23 năm liên tục, Trường đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn cán bộ công an phục vụ kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc.

Ngày 9-10-1969, thực hiện chủ trương của Ðảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an, sau khi chuẩn bị các điều kiện cần thiết, Bộ Công an và Học viện (lúc đó là Trường Công an Trung ương) đã tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo đại học công an đầu tiên của ngành (Khóa D1). Ðây là dấu mốc lịch sử hết sức quan trọng nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược, sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và của nhà trường đưa giáo dục - đào tạo của ngành công an hội nhập cùng hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của nhà trường.

Trải qua nửa thế kỷ tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học, Học viện ANND đã đào tạo hàng chục nghìn sĩ quan An ninh nhân dân có trình độ về lý luận, nghiệp vụ, pháp luật, có bản lĩnh chính trị và phẩm chất cần thiết đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Ðến nay, nhiều cựu học viên của Học viện ANND đã trưởng thành và đạt nhiều thành tích qua thực tiễn công tác, trở thành nguồn cán bộ chất lượng cao cho ngành công an và cho một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Nhiều đồng chí đã và đang giữ những trọng trách quan trọng của Ðảng, Nhà nước và ngành công an, gần 200 cựu học viên của Học viện được phong quân hàm cấp Tướng, được phong tặng danh hiệu Giáo sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng LLVTND.

2 Trong những năm qua, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Ðảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an về công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân, Học viện luôn chủ động, tích cực trong nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế của công tác giáo dục đại học và thực tiễn công tác, chiến đấu. Hệ thống các ngành, chuyên ngành, loại hình đào tạo trình độ đại học được hoàn thiện, mở rộng và ngày càng
phát triển. Chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp đào tạo thường xuyên được đổi mới theo hướng khoa học, hiệu quả và bám sát thực tiễn. Hoạt động phối hợp, liên kết trong đào tạo trình độ đại học giữa Học viện với Công an các đơn vị, địa phương, với các cơ sở giáo dục - đào tạo ở trong nước và quốc tế ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ðội ngũ cán bộ, giảng viên thường xuyên được quan tâm, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và không ngừng lớn mạnh. Công tác xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, các yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo được chú trọng theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa môi trường giáo dục, đào tạo của Học viện.

3 Phát huy truyền thống quý báu của nhà trường, tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên Học viện trong các thời kỳ luôn đoàn kết, chủ động, tích cực trong công tác chuyên môn với tinh thần, trách nhiệm cao. Ðội ngũ nhà giáo của Học viện luôn nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những tấm gương sáng về nhân cách, trí tuệ, hết mình cho sự nghiệp "trồng người". Những cống hiến của các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công nhân viên, học viên nhà trường đã vun trồng và bồi đắp nên truyền thống, danh tiếng của Trường C500 Anh hùng.

Với những đóng góp liên tục, to lớn trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung và công tác đào tạo trình độ đại học nói riêng, Học viện đã được Ðảng, Nhà nước và ngành công an trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Sao Vàng, Huân chương Ðộc lập, hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất và hai Danh hiệu "Ðơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang".

Qua chặng đường 50 năm đào tạo trình độ đại học, Học viện đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu:

Thứ nhất, phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị của Ðảng, của ngành, chủ trương, quy định của Nhà nước về giáo dục, đào tạo, bám sát yêu cầu của thực tiễn chiến đấu, nhiệm vụ cách mạng để xác định mục tiêu đào tạo phù hợp. Trên cơ sở đó, có định hướng, xây dựng nội dung chương trình đào tạo, xác định phương châm, phương pháp đào tạo cũng như xây dựng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm thực hiện tốt mục tiêu đề ra.

Thứ hai, bên cạnh đào tạo nghề, Học viện luôn xác định rõ mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, giàu tính nhân văn; giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức người cán bộ công an nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên uy tín của nhà trường. Ðồng thời, luôn chủ động tiếp nhận những ý kiến phản hồi về môi trường học tập và nghiên cứu khoa học tại Học viện từ học viên và công an các đơn vị, địa phương để có những điều chỉnh kịp thời đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đối với công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường theo chủ trương "Lý luận đi đôi với thực tiễn, Học đi đôi với hành".

Thứ ba, thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả áp dụng phương pháp giảng dạy, chỉ ra những thành tựu cũng như những hạn chế để đề ra phương hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả giảng dạy cho những năm tiếp theo. Chủ động đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học ở tất cả các hình thức đào tạo, trình độ đào tạo của Học viện theo hướng tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực; đa dạng hóa hình thức, mô hình học tập; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy.

Thứ tư, quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức tốt, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, có phong cách, lề lối làm việc khoa học, tích cực; từng bước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường giáo dục dành cho học viên, tiếp cận ngày càng tốt hơn với công nghệ dạy học tiên tiến, hiện đại.

Thứ năm, chủ động phối hợp với công an các đơn vị, địa phương trong việc tổng kết, triển khai các chuyên đề nghiệp vụ, báo cáo thực tế, biên soạn tài liệu dạy học, xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo… trong đó ưu tiên phối hợp trong đào tạo các học phần thực hành, giúp học viên có điều kiện vận dụng lý luận vào thực tiễn, làm quen môi trường thực tế. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác đào tạo với các đối tác quốc tế như: cử giảng viên, học viên tham gia các chương trình, đề án đào tạo ở các nước phát triển do Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Công an tổ chức. Trên cơ sở đó, tiếp thu những thành tựu tiên tiến trong giáo dục - đào tạo trình độ đại học để nghiên cứu, áp dụng hiệu quả trong công tác đào tạo trình độ đại học của Học viện ANND.

Tự hào với những thành tựu trong 50 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học cho lực lượng công an và cho xã hội, tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, công nhân viên Học viện ANND nguyện luôn đoàn kết, vững chí, bền lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững và phát huy tốt truyền thống của Học viện ANND - C500 Anh hùng.

Thiếu tướng, PGS, TS LÊ VĂN THẮNG

Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41820602-50-nam-dao-tao-dai-hoc-chang-duong-ve-vang-cua-hoc-vien-an-ninh-nhan-dan.html