50 năm Chiến thắng Đồng Lộc: Nghẹn ngào trước bức thư gửi mẹ của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần

Trong mưa bom bão đạn, cận kề giữa sự sống và cái chết, những nữ TNXP anh dũng tuổi đôi mươi vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Trước ngày hy sinh, Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần vẫn viết thư gửi về cho mẹ với những lời yêu thương, sâu sắc. 50 năm sau, khi đọc lại những dòng chữ ấy, không ít người nghẹn ngào và xúc động rơi nước mắt.

Những ngày tháng 7 lịch sử, cả nước hướng về những anh hùng, liệt sỹ, thương binh đã hy sinh xương máu và tính mạng của mình để bảo vệ quê hương, đất nước, làm nên những chiến thắng vẻ vang, oanh liệt của dân tộc.

Cũng trong những ngày này, Ngã ba Đồng Lộc là một trong những điểm đến dâng hương, tưởng niệm của đồng bào. 50 năm đã trôi qua, cảnh vật, con người ở đây đang đổi khác từng ngày, song những kỷ vật, chiến tích mà các chị - những cô gái mới tuổi đôi mươi - để lại như những minh chứng rõ nhất cho những ngày tháng khốc liệt nhất.

Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần hy sinh khi mới 24 tuổi

Đứng trước tấm bia đá khắc bức thư gửi mẹ của Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần viết ngày 19/7/1968, chị Nguyễn Thị Nhàn - Chi Hội trưởng chi Hội Phụ nữ xóm 9 (xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh) - không khỏi xúc động và lén lau những giọt nước mắt. Khi các chị nữ TNXP căng mình chiến đấu ở “túi bom” Đồng Lộc thì thế hệ như chị Nhàn chưa ra đời. Nhưng qua các câu chuyện lịch sử, qua những kỷ vật mà các nữ anh hùng để lại, chị Nhàn như cảm nhận đầy đủ về những ngày tháng oanh liệt, những con người anh hùng nơi đây.

Cách đây 50 năm, ngày 19/7/1968, khi cơn mưa bom vừa ngớt, đồng đội đang tranh thủ nghỉ cho lại sức thì Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần dành chút thời gian bình yên ít ỏi đó để viết thư về cho mẹ. Đó là bức thư cuối cùng mà người con gái dan dạ, bản lĩnh ấy viết về cho mẹ. Bởi chỉ 5 ngày sau, chị cùng 9 đồng đội đã mãi mãi nằm lại sau loạt bom khốc liệt. Cả 10 cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đã mãi mãi nằm lại ở ngã ba lịch sử.

Thế hệ trẻ xúc động khi đọc bức thư mà chị Tần gửi mẹ

Ngày nay, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc bức thư được trang trọng khắc lên bia đá và bất kỳ người nào khi đọc đều không khỏi xúc động, khâm phục, tự hào về ý chí chiến đấu, lòng dũng cảm vượt lên hy sinh gian khổ, tinh thần lạc quan cách mạng của chị Võ Thị Tần cũng như của cả một thế hệ thanh niên xung phong trong những năm tháng hào hùng nhưng cũng nhiều mất mát, thương đau đó.

Những ngày tháng 7 của 50 năm sau, mặc cho những cơn mưa như trút, mặc cho ảnh hưởng của cơn bão Sơn Tinh, dòng người vẫn lặng lẽ nghiêng mình trước anh linh của những nữ TNXP khi đến viếng các cô ở Ngã ba Đồng Lộc.

Đây là bức thư cuối cùng chị Tần gửi cho mẹ. Bởi 5 ngày sau, chị cùng 9 đồng đội đã mãi nằm lại ở ngã ba lịch sử

Mẹ! Mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá! Con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”, mới đọc đến đây thôi nhiều người đã phải dừng lại lấy tay lau nước mắt. Giữa những trận bom khốc liệt, chị vẫn kiên cường, dũng cảm, không lo sợ cho sự sống chết của bản thân mà chỉ lo nghĩ về mẹ, một lòng thương nhớ người mẹ nơi miền quê.

Tình cảm là vậy, lo lắng cho mẹ như vậy, nhưng chị Tần cũng như bao người trẻ tuổi khác, vẫn không quên thì thầm “khoe” với mẹ về những chiến công của chị và đồng đội. “Mẹ ơi! Chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa, con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc Mỹ kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc, với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa”.

Với ông Võ Công Tứ, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích Đồng Lộc, thì bức thư còn thể hiện sự hồn nhiên, yêu đời mang khí thế hào hùng của lực lượng thanh niên xung phong hồi đó: “Thời điểm cao trào nhất, Ngã ba Đồng Lộc có 16 ngàn người tham gia chiến đấu để mạch máu giao thông thông suốt. Bức thư đã thể hiện sự dũng cảm sẵn sàng chiến đấu, lý tưởng cách mạng, không sợ hy sinh gian khổ, khó khăn vất vả, lạc quan giữa chiến trường, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp”.

Trong thư, chị Võ Thị Tần viết: “Trời sẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến. Chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sỹ lái xe anh dũng. Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, chắc là mẹ lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”.

Đã không ít lần đến với Ngã ba Đồng Lộc, nhưng mỗi lần đến lại cho chúng tôi những cảm xúc khác nhau. Kính cẩn dâng hương trước anh linh các chị - những người đã dành cả thanh xuân - để chiến đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, chị Lê Thị Linh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bồi hồi chia sẻ, mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng cho thế hệ trẻ em hôm nay khi nhìn vào tấm gương và sự hy sinh của các chị.

“Chúng ta được sống trong hòa bình, độc lập thì không bao giờ được phép quên những ngày tháng khốc liệt nhưng anh hùng đó, sự hy sinh anh dũng của các chị, các anh hùng liệt sỹ để chúng ta có được như hôm nay”, chị Lan xúc động nói.

Chị Tần cùng 9 đồng đội ở độ tuổi mười tám, đôi mươi đã mãi mãi nằm cạnh nhau sau khi làm nên Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại

50 năm nhìn lại, đọc lại, ngẫm nghĩ lại từng câu chữ trong bức thư mà chị Tần gửi mẹ, có thể thấy rằng nó đã vượt lên ý nghĩa của một bức thư, lời tâm sự thông thường của con gái gửi về mẹ. Bức thư còn là tình cảm, quyết tâm, ý chí mà thế hệ trẻ như chị Tần gửi thế hệ đi trước và lời nhắn nhủ tới những thế hệ mai sau. Dù trong đau thương, mất mát, cận kề giữa sự sống và cái chết, nhưng tinh thần lạc quan, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ thì luôn còn mãi.

Đến Đồng Lộc những ngày lịch sử, thế hệ sau như chúng tôi khó có thể ngăn được những giọt nước mắt, nhưng đó là nước mắt của tự hào, của sự ngưỡng mộ về một thế hệ anh hùng, những người con anh hùng, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho chiến thắng chung của dân tộc, làm nên huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc.

Hà Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/50-nam-chien-thang-dong-loc-nghen-ngao-truoc-buc-thu-gui-me-cua-tieu-doi-truong-vo-thi-tan-post45828.html