50 lá đơn từ chức và ngày cuối năm hỗn loạn của chính quyền TT Trump

Vài ngày trước Giáng sinh, Washington có một ngày hỗn loạn trước sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và nguy cơ đóng cửa chính phủ.

Sau hai năm cầm quyền của Tổng thống Trump, chính trường Mỹ dường như không có ngày nào yên ổn. Rất nhiều sự kiện đã diễn ra giống như chương trình hài kịch thực tế không hồi kết. Chi tiết mới nhất trong bộ phim dài tập này là sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, một trong những quan chức nội các hiếm hoi được đánh giá cao bởi cả giới truyền thông cũng như hai phê Dân chủ và Cộng hòa.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đang trì hoãn thông qua một kế hoạch ngân sách của thượng viện vì nó không hỗ trợ chi phí xây dựng bức tường ở tuyến biên giới với Mexico, khiến cho chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Hạn cuối để Nhà Trắng và quốc hội tìm được sự đồng thuận về vấn đề này là vào ngày 21/12.

Ông Mattis bỏ cuộc

Vào những ngày đầu tháng 1/2017, khi Tổng thống Trump vừa nhậm chức được vài tuần, AP công bố một thôngtin thú vị với nhiều người khi tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, hai vị tướng 4 sao của quân đội trước đó, đã thỏa thuận xếp lịch trình công du nước ngoài sao cho luôn có một trong hai người ở lại Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức đồng nghĩa với việc trong nội các của ông Trump không còn lại tướng lĩnh quân đội nào. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức đồng nghĩa với việc trong nội các của ông Trump không còn lại tướng lĩnh quân đội nào. Ảnh: Getty

Nhưng chưa đầy một năm sau, cả ông Kelly và ông Mattis đều đã xác định ngày rời khỏi nội các của Tổng thống Trump. Quyết định từ chức của Bộ trưởng Mattis được đưa ra để phản đối việc ông Trump rút quân đội Mỹ khỏi Syria và giảm bớt 7.000 lính ở Afghanistan.

Ông Mattis được cho là rất không hài lòng với quyết định rút quân khỏi Syria, ông và các quan chức khác của Lầu Năm Góc đã từ chối phát biểu ủng hộ quyết định này mặc dù có yêu cầu từ Nhà Trắng.

Tờ New York Times dẫn nguồn tin cho biết ông Mattis đến Nhà Trắng vào chiều ngày 20/12 với lá đơn từ chức đã được viết sẵn, tuy nhiên vị tướng này, trong một nỗ lực cuối cùng, vẫn cố gắng thuyết phục tổng thống thay đổi quyết định được đưa ra một ngày trước đó.

Tổng thống Trump chấp nhận lá đơn, nhưng cự tuyệt lời đề nghị của ông Mattis. Sau khi trở lại Lầu Năm Góc, ông Mattis cho in lá đơn từ chức của mình ra 50 bản và phân phát chúng đi khắp tòa nhà.

Vụ việc của Bộ trưởng Mattis là lần đầu tiên một quan chức cấp cao trong nội các từ chức do mâu thuẫn với tổng thống về vấn đề an ninh quốc gia kể từ năm 1980. Khi đó Ngoại trưởng Cyrus Vance từ chức do phản đối kế hoạch giải cứu con tin Mỹ ở Iran của Tổng thống Jimmy Carter.

Tuy nhiên Bộ trưởng Mattis từ chức không phải để phản đối một sự kiện riêng rẽ, ông quyết định rời vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc do bất đồng với cách tiếp cận với các vấn đề thế giới của Tổng thống Trump, trong đó đặc biệt là sự lạnh nhạt với các đồng minh truyền thống.

Thượng nghị sĩ bang Virginia Mark Warner, thành viên số một của đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, nhận định việc ông Mattis từ chức là điều "đáng sợ". Ông Warner cũng mô tả tướng Mattis là "hòn đảo vững chắc giữa những hỗn loạn trong nội các của ông Trump".

Một số thành viên đảng Cộng hòa cũng thể hiện quan điểm tương tự. Thượng nghị sĩ Ben Sasse bang Nebraska cho biết: "Hôm nay là ngày buồn của nước Mỹ vì Bộ trưởng Mattis là người đưa ra những lời khuyên mà tổng thống cần được nghe".

Ông Mattis được cho là bất đồng với Tổng thống Trump trong cách tiếp cận các vấn đề quốc tế, đặc biệt là chính sách ngoại giao với các đồng minh lâu năm. Ảnh: Reuters.

Chính phủ có khả năng đóng cửa

Giáng sinh sắp đến gần nhưng có thể một bộ phận viên chức nhà nước Mỹ sẽ được nghỉ sớm sau khi Tổng thống Donald Trump từ chối thông qua dự thảo ngân sách của thượng viện, vì không được cấp kinh phí xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

"Bức tường" là từ ngữ ông Trump nhắc tới rất nhiều lần trong chiến dịch tranh cử, và đã từng có thời điểm ông tuyên bố Mexico sẽ trả tiền xây dựng bức tường này. Nhưng sau 2 năm kể từ ngày bước vào Nhà Trắng, kế hoạch này của tổng thống đang ngày càng trở nên xa vời.

Tổng thống rất muốn bức tường được xây dựng, dù là chỉ một phần vì điều này sẽ giúp ông có được sự ủng hộ tiếp tục của những người bảo thủ, tạo điều kiện để ông quay trở lại Nhà Trắng vào năm 2020. Trong những ngày gần đây, một số nhân vật bảo thủ trong đó có người dẫn chương trình Ann Coulter của kênh Fox News đã chỉ trích ông Trump vì chưa thực hiện được lời hứa của mình.

Vào ngày 19/12, thượng viện soạn thảo và thông qua một kế hoạch ngân sách khẩn cấp để chính phủ có thể hoạt động đến ngày 8/2/2019. Trong kế hoạch này không có kinh phí cho bức tường biên giới của ông Trump, khiến cho tổng thống sẽ phải tìm cách có được kinh phí cho bức tường vào năm sau, và đó là điều gần như không thể vì lúc đó đảng Dân chủ sẽ nắm Hạ viện.

Nếu ông Trump không phê duyệt kế hoạch khẩn cấp này vào tối thứ sáu 21/12, 9 bộ trong chính phủ Mỹ sẽ phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến 420.000 viên chức nhà nước. Bên cạnh đó, các vườn thú và công viên quốc gia do chính phủ quản lý cũng sẽ không tiếp nhận khách tham quan.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan vừa có bài phát biểu chia tay rất cảm xúc vào ngày 19/12, chia sẻ sự thất vọng của ông với khung cảnh chính trị hiện tại ở Mỹ. Ảnh: AP.

Trong một nỗ lực cuối cùng khi vẫn còn là phe đa số ở Hạ viện, các thành viên hàng đầu đảng Cộng hòa trong đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đề xuất việc chi thêm 5,7 tỷ USD cho kế hoạch bức tường biên giới, với hi vọng nó sẽ ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa.

Hạ viện thông qua đề xuất này với số phiếu khá sít sao (217-185) nhưng vấn đề là nó sẽ phải tiếp tục được thông qua ở thượng viện. Đảng Cộng hòa mặc dù là phe đa số nhưng chỉ có 51 trên 100 ghế ở đây, và để khoản tiền bổ sung được thông qua, cần có ít nhất 60 phiếu ủng hộ.

Khả năng nó được thông qua gần như là không thể, vì phe Dân chủ tỏ ra rất cứng rắn trong vấn đề này. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo Dân chủ ở thượng viện cho biết: "Thật là xấu hổ khi tổng thống, người đang đưa đất nước đến sự hỗn loạn, lại tiếp tục lên cơn giận dỗi và làm ảnh hưởng đến những người vô tội".

"Cơn giận dỗi của ông Trump có thể sẽ khiến chính phủ đóng cửa, nhưng nó sẽ không giúp ông ấy có được bức tường đâu", ông Schumer tuyên bố đanh thép trong cuộc họp báo ở Điện Capitol.

Sự hỗn loạn ở Washington đã khiến thị trường tài chính phản ứng tiêu cực, giá cổ phiếu và các chỉ số đi xuống. Trong thời điểm gần đến Giáng sinh, khi người dân Mỹ có giai đoạn di chuyển bận rộn nhất trong năm, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và các hệ thống kiểm soát không lưu sẽ hết kinh phí hoạt động. Những nhân viên của cơ quan này sẽ bị chậm lương và những khách du lịch đến các vườn quốc gia sẽ phải sắp xếp lại kế hoạch của mình.

Quốc Thăng
(theo New York Times)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/50-la-don-tu-chuc-va-ngay-cuoi-nam-hon-loan-cua-chinh-quyen-tt-trump-post902342.html