50% đơn vị chưa ban hành định mức gây khó cho quản lý tài sản công

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã chính thức có hiệu lực được hơn 1 năm. Cho đến nay, các văn bản hướng dẫn luật cơ bản đã được ban hành đầy đủ và đi vào cuộc sống. Song, một số vấn đề phát sinh trong triển khai đã được nhìn nhận và cần thiết phải có giải pháp xử lý kịp thời trong thời gian tới.

Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 16/5/2019.

Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 16/5/2019.

Cơ sở pháp lý đã cơ bản đầy đủ

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Cho đến nay, ngoại trừ nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện các dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), các văn bản hướng dẫn Luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan ban hành đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện.

Đã có 11 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công; có 6 bộ, ngành và 15 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; 3 bộ, ngành và 5 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Để triển khai thi hành luật, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 26 văn bản, bao gồm: 14 nghị định của Chính phủ, 1 nghị quyết của Chính phủ, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 8 thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính…

Tuy nhiên, theo ông La Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Vẫn còn khoảng 50% bộ, ngành, địa phương chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Nguyên nhân chủ yếu do các bộ chuyên ngành như: Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các Bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền; trong đó, một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành dễ dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Bộ Y tế là một trong các đơn vị chậm trễ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Ảnh: internet.

Để tiếp tục triển khai Luật trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương để thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của Luật;...

Ngoài ra, cũng cần khẩn trương ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê.

Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xử lý kịp thời nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện từ khâu lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa sai phạm; tăng cường công tác giám sát của cộng đồng.

Ông Nguyễn Hữu Quang:

“Bộ Tài chính, là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công, chỉ đạo các cơ quan ban ngành và địa phương triệt để thực hiện các quy định của luật để các nội dung của luật đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.”

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Đồng hành cùng ban soạn thảo từ khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công mới bắt đầu dự thảo, ông Nguyễn Hữu Quang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá: Đây là văn bản luật hết sức quan trọng, không chỉ bởi vì luật kế thừa và giải quyết các tồn tại của Luật Quản lý tài sản nhà nước 2008, mà còn luật hóa các nội dung mới trong Hiến pháp 2013.

Theo ông Quang, điều này đã đảm bảo tất cả các loại tài sản công đều phải được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật. Việc phân loại rõ ràng tài sản công theo các nhóm quy định trong luật còn đảm bảo việc sử dụng, quản lý tài sản theo các nguyên tắc định sẵn, từ đó, tài sản được sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phục vụ cho việc quản lý nhà nước và là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại 1 năm Luật đi vào thực tiễn, ông Quang cho rằng: Để đảm bảo các quy định của luật được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa, Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền về phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công; tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó đặc biệt là tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý nhà nước về tài sản công; tăng cường phổ biến, tuyên truyền về quản lý, sử dung tài sản công; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/50-don-vi-chua-ban-hanh-dinh-muc-gay-kho-cho-quan-ly-tai-san-cong-104904.html