50 cặp đôi khuyết tật được tổ chức lẽ cưới tập thể

Chiều ngày 27/12 đã diễn ra lễ Hằng thuận tập thể cho 50 cặp khuyết tật lần 2 đã diễn ra tại chùa Giác Ngộ, Quận 10, TP HCM.

Chừng minh buổi lễ, có TT. Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ, cùng TT. Thích Nhật Thiện - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban trị sự GHPGVN Q. 10, Phó Trụ trì chùa Giác Ngộ, TT. Thích Nhật Bình – Phó Trụ trì chùa Giác Ngộ, cùng chư Tôn đức Tăng tại Ban trị sự Phật giáo các quận, chư Tăng bổn tự chùa Giác Ngộ. Bên cạnh đó, có sự góp mặt của Ban điều hành Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, cùng quý Phụng sự viên chùa Giác Ngộ đã nhiệt tâm hộ trì sự kiện.

Toàn cảnh lễ Hằng thuận 50 cặp đôi khuyết tật.

Toàn cảnh lễ Hằng thuận 50 cặp đôi khuyết tật.

Nói về ý nghĩa của Lễ Hằng thuận tập thể này, TT. Thích Nhật Từ chia sẻ: Lễ Hằng thuận là nghi thức lễ cưới được tổ chức tại chùa. “Hằng thuận” là kỹ năng sống hòa thuận, tâm đầu ý hợp, cùng chia sẻ trách nhiệm và hạnh phúc trong hôn nhân.

Thượng tọa còn cho biết: “Các buổi lễ Hằng thuận được tổ chức tại chùa Giác Ngộ trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tiếp xúc với người khuyết tật có tham dự lễ, họ thiết tha mở lời là không biết có được làm một buổi lễ cưới ở chùa thật trang nghiêm như thế không? Trong khi kinh phí không đủ.

Từ đó, chúng tôi thật sự ưu tư về việc này, sau khi cùng bàn bạc với Ban điều hành Quỹ ĐPNN và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, chúng tôi quyết định lên kế hoặch tổ chức buổi lễ hằng thuận tập trung, nhằm mang lại niềm hạnh phúc cho các cặp đôi người khuyết tật. Điều này cũng thể hiện tinh thần từ bi của đức Phật đã dạy”.

Trao nhẫn cưới

Được biết, 50 đôi tham dự Lễ Hằng thuận đến từ 3 vùng miền như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, với 4 dân tộc và theo 4 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, không theo tôn giáo. Mỗi cặp đôi được hỗ trợ 1 cặp nhẫn cưới vàng, tiền mặt chúc mừng 10.000.000 đồng, hoa cầm tay, ảnh cưới, bộ áo dài cưới v.v...

Tại buổi lễ, TT. Thích Nhật Từ đương vi chủ lễ cùng chư Tăng đạo tràng Phật tử chùa Giác Ngộ đã tụng kinh chúc phúc cho 50 cặp đôi có đời sống vợ chồng hạnh phúc, gia đình được bình an, vĩnh kết đồng tâm quy về Phật Pháp.

Ca khúc chúc mừng hạnh phúc

Trước đó, trong buổi sáng sau khi hoàn tất công đoạn trang điểm, làm tóc, mặc lễ phục, chụp ảnh cưới tại chánh điện, 50 đôi vợ chồng được Ban tiếp lễ, phụng sự viên hỗ trợ di chuyển sang công viên Hòa Bình. Tại đây, các cặp cô dâu - chú rể được giao lưu, chụp ảnh cưới tập thể và tham gia diễu hành xe xích lô từ công viên Hòa Bình, qua các tuyến đường như: Sư Vạn Hạnh, Ngô Gia Tự, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn...

Nửa cuối thế kỷ 20, xe xích lô là một biểu tượng của sự sang trọng và chỉ có người giàu mới ngồi lên phương tiện này. Còn ngày nay, xe xích lô luôn là phương tiện mà người nước ngoài lựa chọn khi đến Việt Nam. Có thể nói, diễu hành tập thể bằng xe xích lô là một là một cách giúp các cặp đôi quay lại sự sung túc, đủ đầy trong cuộc sống của những năm thuộc các thập niên trước. Bởi lẽ, cuộc đời của họ đã bao giờ được đủ đầy, sung túc.

Buổi diễu hành bằng xe xích lô kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. 50 cặp cô dâu - chú rể được dạo qua các con đường lớn nhất của Sài Gòn để nhìn ngắm Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập - các biểu tượng của thành phố. Những đám cưới truyền thống được tái hiện lại qua hình ảnh chiếc áo dài cổ truyền, chiếc xích lô và các góc phố phường, cùng cảm xúc chân thật của đám cưới.

Cuộc diễu hành có sự pha lẫn của nụ cười và nước mắt. Nụ cười của 50 cặp vợ chồng, họ cười vì lần đầu tiên trong cuộc đời cảm nhận rõ ràng hai chữ “hạnh phúc”. Nước mắt của những người đi đường, những người đạp xích lô, và cả các phụng sự viên, họ khóc vì vui mừng trước sự hạnh phúc của 50 cặp đôi khuyết tật.

Vũ Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doi-song/50-cap-doi-khuyet-tat-duoc-to-chuc-le-cuoi-tap-the-d114010.html