50% các ngân hàng Việt Nam đã xây dựng Kho dữ liệu tập trung

Được coi là 'dầu mỏ mới', là nguồn cung cấp năng lượng cho chuyển đổi số, đến nay Việt Nam đã có 50% các ngân hàng đã xây dựng Kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các Hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro,...

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Thông tin vừa được Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đưa ra tại Hội thảo “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính” do Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp với Học Viện Ngân hàng tổ chức sáng nay - 29/9.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, khảo sát này do NHNN thực hiện vào tháng 9/2020.

Phó Thống đốc cũng cho biết, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và chính sách phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho mọi lĩnh vực ngành nghề trong nền kinh tế có thể chủ động trước những tác động to lớn của CMCN 4.0.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 (Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị).

Trong đó, Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu tại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Nghị quyết xác định một trong các nhiệm vụ là “tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó bao gồm lĩnh vực tài chính- ngân hàng”.

Ý thức được vấn đề đó, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn chủ động trong việc tiếp cận các nghiên cứu, xây dựng chính sách, tạo điều kiện để ứng dụng sức mạnh của dữ liệu trong công tác quản lý và phát triển các sản phẩm dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng quá trình xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức như: có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng...

“Các ý kiến tại Hội thảo sẽ là cơ sở để hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý dữ liệu ở tầm quốc gia nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính nói riêng; lựa chọn được các công nghệ, mô hình và giải pháp kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với ngành ngân hàng Việt Nam, để từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; tạo nền tảng thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN4.0, hướng đến sự phát triển vững mạnh, hiện đại của ngành ngân hàng trong tương lai...” – Phó Thống đóc Nguyễn Kinh Anh nhấn mạnh.

Dữ liệu và quản trị dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế. Đối với ngành ngân hàng tài chính, một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số thì quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu có thể trở thành tài nguyên mới cho phát triển kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của tổ chức Gartner, dự kiến năm 2021, các tổ chức lớn sẽ đưa dữ liệu vào danh mục Bảng cân đối kế toán và quản lý dữ liệu như những tài sản của tổ chức. Chính vì vậy, việc ý thức rằng dữ liệu là là tài sản chiến lược, có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh, cần phải được quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ.

Thnah Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/50-cac-ngan-hang-viet-nam-da-xay-dung-kho-du-lieu-tap-trung-546323.html