50.000 năm trước, tác nhân gây bệnh sốt rét đã từ khỉ đột lây sang người

Việc các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng từ xa xưa, tác nhân gây bệnh sốt rét đã có thể từ khỉ đột (gorillas) châu Phi lây nhiễm sang người nhờ gien rh5, khiến Plasmodium có thể xâm nhập vào các tế bào hồng cầu của con người. Phát hiện này sẽ giúp phát triển loại vắc xin ngừa sốt rét nhắm vào gien rh5.

Khỉ đột châu Phi (gorillas) - Ảnh : Getty Images

Khỉ đột châu Phi (gorillas) - Ảnh : Getty Images

TheoBBC, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 50.000 năm trước, do hậu quả của một tình huống hiếm hoi, tác nhân gây bệnh sốt rét đã có thể lây nhiễm từ khỉ đột (gorillas) châu Phi sang người.

Ngày nay, hơn 200 triệu người mắc bệnh sốt rét mỗi năm, chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hơn 400 nghìn bệnh nhân tử vong. Dân châu Phi và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh sốt rét. Muỗi truyền bệnh, còn sinh vật đơn bào từ chi Plasmodium gây bệnh. 5 đại diện của chi này là nguy hiểm cho con người gồm Plasmodium vivax, Plasmodium falciparum, Plasmodium ovale, Plasmodium knowlesi và Plasmodium malariae. Có tới 90% trường hợp sốt rét là do Plasmodium falciparum. Tổng cộng, chi này bao gồm hơn 200 loài. Tất cả chúng là ký sinh trùng của động vật có xương sống, sử dụng muỗi làm vật chủ trung gian. Có Plasmodium sống trong máu của loài bò sát, khỉ, động vật móng guốc, loài gặm nhấm, dơi và hơn 150 loài chuyên sống trong máu chim muông.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu bộ gien của các đại diện khác nhau của chi này khi đặc biệt chú ý đến gien rh5, khiến Plasmodium có thể xâm nhập vào các tế bào hồng cầu của con người. Theo bức ảnh được họ phục dựng lại, 40-60 nghìn năm trước trong cơ thể khỉ đột bị nhiễm 2 loại Plasmodium cùng một lúc, sự trao đổi vật liệu di truyền đã diễn ra giữa chúng, do đó gien rh5 thu được dạng cần thiết để gây nhiễm trùng cho người.

Gavin Wright, tác giả chính của công trình nghiên cứu, cho biết đây là một sự kiện rất hiếm dẫn đến cái chết và bệnh tật cho con người. Các nhà khoa học rất bất ngờ trước kết quả. Nghiên cứu ở cấp độ phân tử giải thích được cách thức lây nhiễm có thể xảy ra. Hiện tại gien rh5 là một ứng cử viên quan trọng để vắc xin ngừa sốt rét nhắm tới. Đó là loại vắc xin hoạt động ở giai đoạn khi mầm bệnh có trong máu, vì vậy, nếu chúng ta có thể biết thêm thông tin về gien này, điều đó sẽ giúp chống lại bệnh. Theo ông, khả năng một trong số các Plasmodium trong tương lai gần sẽ có đột biến tương tự sẽ rất nhỏ, mặc dù về mặt lý thuyết là có thể.

Kết quả nghiên cứu được các nhà khoa học công bố trên tạp chí PLoS Biology.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cau-chuyen-kham-pha-c-106/50000-nam-truoc-tac-nhan-gay-benh-sot-ret-da-tu-khi-dot-lay-sang-nguoi-123746.html